.

“Sướng chi bằng đi cò đất”

.

Chẳng chút vốn liếng, thậm chí không học hành, tất cả chỉ nhờ vào mồm mép và “cái duyên” của anh “thợ săn đất”, những người hành nghề môi giới đơn lẻ được gọi bằng cái tên khá dễ thương: “Anh cò”. Chỉ cần một phi vụ suôn sẻ là có thể ung dung bỏ túi từ vài triệu đến vài chục triệu, thậm chí vài trăm triệu đồng như chơi.

Theo chân “cò” đất

Dịch vụ tư vấn nhà và đất hoạt động khá sôi động.
Nghề môi giới mua bán đất đai, nhà cửa giữa người này và người kia được một số người đảm nhận gọi là “cò đất”. Chuyện “cò” đất vẫn tồn tại lâu nay dưới nhiều hình thức. Với một ai đó đang cần làm giấy tờ đất đai, muốn được việc nhanh chóng chỉ cần “Alô” một tiếng, “cò” sẽ có mặt để “giúp đỡ”. Đổi lại công sức bỏ ra, “cò” có hẳn những “hợp đồng” làm căn cứ cho việc làm ăn trên.

Ở quận Ngũ Hành Sơn, có anh H. làm công chức Nhà nước vừa mới mua miếng đất 320 triệu đồng làm nhà, thủ tục ban đầu tưởng đơn giản, song lại khá rắc rối. Anh than phiền rằng: Chẳng biết làm giấy tờ bắt đầu từ đâu cho nhanh, trong khi công việc cơ quan cứ ngập đầu, không còn thì giờ để lo cho cái sổ đất nhà anh nữa. Thông qua một người quen giới thiệu, anh tìm “cò” bằng mẩu điện thoại liên lạc ngắn ngủn. Chỉ vài giờ sau, “cò” đến hỏi nội dung câu chuyện và “ôkê”. Sau cái vụ sổ đất này xong xuôi, anh H. phải chi cho “cò” gần 5 triệu đồng.

Vài tháng trở lại đây, khi giá đất ngoại thành Đà Nẵng tăng vọt, nắm bắt nhu cầu của thị trường nhà đất, nhiều hộ dân sống ở khu vực diện tích đất còn khá lớn như Hòa Khánh Nam, Hòa Khánh Bắc đua nhau chia lô bán lẻ. Ngặt nỗi, có thông tin rằng, khu vực này nằm trong diện giải tỏa, muốn bán, muốn sang tên, chuyển nhượng cũng không được. Nhiều nhà dân lo sốt vó vì nhân khẩu gia đình thuộc loại đông, sổ đỏ chỉ có một, cha mẹ muốn tách cho mỗi con một sổ đỏ riêng để phòng khi đền bù giải tỏa còn có “lô chính, lô phụ”. Người quen biết, hoặc nhiều tiền có “đường đi riêng”, còn số đông không có chỗ nhờ cậy bèn nhờ đến “cò” để chạy việc.

Để có được những phần trăm, các “cò” đất phải chăm đi săn lùng trên mọi địa bàn, đặc biệt là “đánh hơi” được những chỗ có “tiềm năng” lớn như vùng sắp giải tỏa, đất không có giấy tờ hợp pháp. Nơi nào khó ăn nhất thì nhờ đến “cò” giải quyết và cuối cùng chủ nhân của những lô đất trên có khi mất đi giá trị thực của tài sản.

Nghề của nhiều mánh lới
Chứng kiến chuyện “cò” nhiều khi cũng thật oái ăm. Khu đất A. có khi không nằm trong diện quy hoạch của thành phố, nhưng qua sự thao túng của “cò”, thị trường đất bị lũng đoạn bằng cách rêu rao thông tin giả như “sắp giải tỏa, làm công trình, dự án”…

Các "cò" thường săn lùng đất ở những khu dân cư mới quy hoạch (ảnh chụp tại KDC An Nhơn 1).

Nhiều người, nhất là nông dân, chẳng biết mô tê, nghe các “cò” rỉ tai, sợ sau này áp giá đền bù chẳng được là bao so với giá thị trường nên vội bán đất. Đó là trường hợp của ông N.V.R trú tại tổ 14, phường Hòa Khánh Bắc, sở hữu trên 1.500 m2 đất vườn đã vội vàng nghe theo và bán rẻ cho “cò”. Bán xong xuôi mới vỡ lẽ chẳng có quy hoạch nào mà đi toi miếng đất gần 500 m2, chỉ thu được 35-40 triệu đồng.

Nghịch cảnh hơn, tại khu dân cư Bến xe Trung tâm, nhà anh N.P.L mua đất theo phiếu của một chủ, mà người này cũng chỉ bán sang tay. Đến nay, khi chưa trả xong nợ thì giá đất đã lên cao, nguy cơ chủ cũ đổi ý không bán nữa khiến anh L. ngày đêm lo ngay ngáy vì sợ mất trắng miếng đất lẫn số tiền đặt cọc. “Cò” xuất hiện đặt vấn đề làm giấy tờ hợp pháp cấp tốc qua công chứng, miếng đất từ chỗ chỉ có giá trị trên 100 triệu này đã thành gấp 3 lần. Mỗi một gia chủ muốn nhờ đến “cò” giúp như anh L. phải chung chi ít nhất từ 5-10 triệu đồng trở lên tùy theo công sức.

Tiếp xúc với một “cò” đất, anh này cho biết, trước đây chẳng có công việc ổn định, suốt ngày chỉ theo chân bạn bè ngồi quán cà phê giết thời gian. Sau dần, thấy khách bàn tán về các khu đất hoặc những miếng đất có chủ đang cần bán nhưng chưa tìm được người mua. Nghe được câu chuyện, anh này nảy sinh kiếm tiền bằng cách làm môi giới cho bên bán và bên mua, không ngờ lần thử sức đầu tiên đã trúng vài triệu. Suốt từ đó đến nay, người này trở thành “nhà” môi giới đất chuyên nghiệp, mở một văn phòng nho nhỏ trên đường Nguyễn Lương Bằng làm tư vấn cho khách hàng.

Hành nghề “cò” cũng phải có chút nghệ thuật, một cái nghề tuy không có “giấy thông hành”, nhưng vẫn hiển nhiên “sống khỏe”. Tuy vậy, không phải ai cũng làm “cò” được và “cò” nào cũng giống “cò” nào. Một anh chuyên “cò” đất lâu năm (không tiện nêu tên) kể rằng: Để nhận một “hợp đồng” làm ăn nào đó, ngoài sự quen biết nhiều cơ quan chức năng thì phải khéo léo để chung chi cho nhiều người có “máu mặt” trong xã hội. Đằng sau sự thỏa thuận giữa đôi bên là cả một màng lưới chân rết có thế lực đang hoạt động ngầm, trợ giúp cho những “cò” thời nay.

XUÂN DUYÊN

;
.
.
.
.
.