.

Bó tay vì... ô nhiễm?

.

Có nhiều địa điểm ở trong thành phố bị bao bọc bởi những bức tường hoặc nhiều khu nhà vây kín. Ở đây, nguồn nước thải tù đọng và rác thải chất đầy, gây ô nhiễm nặng nề,  nhưng… đành chịu bó tay!

Những tuyến cống không nắp

Những tuyến cống không nắp đậy nhưng bị các khu nhà vây kín và ẩn chứa nhiều loại dịch bệnh.


Trước đây, khi thi công một số tuyến cống thoát nước loại lớn, không rõ do khâu đầu tư kinh phí hạn hẹp hay từ việc thiếu kiểm tra chặt chẽ, nên nhiều nơi cống không có nắp đậy, hiện tại nhiều khu nhà dân đã xây kín dọc hai bên cống; các khu công trình phụ đều xoay hướng thoát ra cống tạo nên một tuyến “cống trời” không nhìn thấy.

Lâu ngày, cống không được nạo vét, duy tu bảo dưỡng, nhiều đoạn bị rác thải chất đầy làm tắc nghẽn, và cống trở thành khu chứa nước thải từ các khu nhà vệ sinh, các lò sản xuất bún, mì và đậu khuôn... đổ ra. Tuyến cống trở nên nhầy nhụa, bốc mùi nặng nề vào những ngày hè nắng nóng. Phần lớn các tuyến cống này đều nằm ở những khu vực thuộc địa bàn các quận Cẩm Lệ và Liên Chiểu, nơi mà đất ruộng bị san lấp nhiều, nhà cửa xây dựng chồng chéo không theo quy hoạch.
 
Vì vậy, nhiều bờ tường, cổng ngõ đã bao bọc và che kín nhiều điểm chứa rác và nước thải, gây ô nhiễm môi trường nặng nề, nhưng đành bó tay, bởi không ai có thể vào đấy để thu dọn rác và nạo vét cống. “Cống trời” trở thành nơi phát sinh hoặc chuyển tải nguồn dịch bệnh lây lan ra các vùng khác…

Những điểm chứa rác khó dọn

Nếu như ở các vùng ngoại ô trước đây vì đang trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng nên có nhiều bãi rác, cống thoát nước bị vây kín hoặc bị che khuất, không thể thu dọn, rồi trở thành những điểm “ô nhiễm ngầm” thì ở các quận như Thanh Khê, Hải Châu - đã được chỉnh trang bề thế lại xuất hiện nhiều góc ô nhiễm, được chấp nhận như một việc “bất khả... xử lý”. Đơn cử như ở phía trước khu Tượng đài “Mẹ Dũng sĩ“, giữa số nhà 964-đường Điện Biên Phủ và 612-đường Trần Cao Vân, có một góc tam giác bị bỏ hoang; ở đó, đất đá, rác thải dồn đống và mọi người tự do phóng uế.
 
Có thể trước đây bờ tường giữa hai nhà được khép kín theo góc vuông, từ khi góc đường được mở rộng và vỉa hè chạy theo hình vòng cung, nên bờ tường giữa hai nhà đã dôi ra một rẻo đất “vô chủ“;  rẻo đất đó đã trở thành ổ dịch, gây ô nhiễm, ai cũng thấy nhưng không hiểu vì sao “khó dọn”? Trên đường Trường Chinh, tại số nhà 177 cũng tồn tại một “góc nhỏ“ bị “bỏ quên” như thế. Nhiều người vãng lai tự do phóng uế, trông rất phản cảm và mất vệ sinh. Mặc dù ở điểm nào cũng có sơn hai chữ “Cấm đái”... nhưng... thật khó cấm...!

Giữ gìn môi trường cho Đà Nẵng xanh-sạch-đẹp là ý chí và hành động của mọi công dân thành phố. Kiên quyết xóa bỏ những điểm ô nhiễm và có kế hoạch vận động nhân dân ở những vùng có cống rãnh tắc nghẽn, tù đọng, tổng dọn kịp thời là nhu cầu bức thiết, cần được các tổ chức, đoàn thể và chính quyền các cấp quan tâm, nhằm phòng chống sự lây lan dịch bệnh trong ngày hè và trả lại môi trường trong sạch cho Thành phố Môi trường.
                              
HÀ NGUYÊN

;
.
.
.
.
.