.

Chăn nuôi thời tăng giá

.

Vật giá leo thang, mọi người đều bị ảnh hưởng nhưng khổ nhất vẫn là người nông dân vì hầu như mọi thứ trong gia đình đều trông chờ vào hạt lúa. Trong bối cảnh này, việc nuôi thêm một con lợn cũng là một bài toán nan giải đối với họ vì đụng đâu cũng thấy tiền…

Lấy công làm lãi

Chăn nuôi heo góp phần tăng thu nhập cho người nông dân.

Thói quen nông nghiệp trước đây vẫn vậy, người làm nông bao giờ cũng cặm cụi “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Mất rất nhiều thời gian nhưng lợi nhuận thu vào lại chẳng được là bao. Vợ chồng ông Nguyễn Văn Vui (Hòa Khương, Hòa Vang), trước đây ngoài việc chăm bón mấy sào ruộng thì chăn nuôi thêm một đàn lợn chừng 10 con để tận dụng nguồn thức ăn thừa trong gia đình và các loại nông phẩm mình có thể sản xuất được, nhưng cũng phải mất từ 7 - 8 tháng mới xuất chuồng.
 
Hơn nửa năm trời vợ chồng ông lặn lội tìm thức ăn nhưng khi xuất chuồng, con nặng ký nhất cũng chỉ được 40kg. Tuy vậy, ông Vui vẫn còn có lãi, vì chỉ mất tiền đầu tư con giống, còn nguồn thức ăn lại tận dụng được. Còn anh Lập (Hòa Phong) nuôi 15 con lợn, anh phải bỏ tiền ra mua đủ thứ, từ thức ăn thô cho đến thức ăn tinh, gạo, bột ngô, bột sắn, bột cám đến bột tổng hợp cho gia súc…, có lúc rau cũng phải đi mua vì vườn nhà không đủ cung ứng. Trong khi đàn lợn đến sức ăn lại đúng lúc giá các mặt hàng đồng loạt tăng, thế nên anh bán tống, bán tháo đúng vào tuổi lớn, tính ra cuối cùng lỗ vẫn hoàn lỗ…

“Cái khó ló cái khôn”

Anh Nguyễn Văn Thạch ở tổ 8, thôn 4, xã Hòa Khương và là chủ đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi gia súc, vừa là chủ trang trại 100 con lợn. Với kinh nghiệm chăn nuôi 5 năm qua, anh Thạch cho biết: Trung bình mỗi con lợn thịt nuôi từ nhỏ đến khi xuất chuồng phải mất 4, 5 tháng. Trong thời gian này tiêu phí hết 135 đến 140kg bột, tính ra thành tiền theo giá bột trên thị trường hiện nay hết 1,3 triệu đồng, cùng với tiền giống trung bình mỗi con 400.000 đồng.

Như vậy, để nuôi một con lợn thịt đến ngày xuất chuồng khoảng 60kg thì chỉ riêng tiền thức ăn và giống hết 1,7 triệu đồng. Với giá heo hơi như hiện nay trên thị trường là 35.000 đồng/kg, sau gần 5 tháng trời, anh thu lại được 2,1 triệu đồng. Nếu nuôi với số lượng lớn và đầu tư bài bản như anh Thạch, tất nhiên sẽ có lợi nhuận nhưng thực tế là đa số nông dân không thể đáp ứng được nhu cầu trên. Với tình hình giá cả thức ăn chăn nuôi liên tục tăng như hiện nay, người dân nếu phải bỏ tiền túi ra mua thức ăn chăn nuôi sẽ không thể chạy theo nổi.
 
Nhưng rồi cái khó cũng đã ló cái khôn, không ai bảo ai, những người nông dân vùng ven thành phố Đà Nẵng đã nghĩ ra cách tự cứu lấy mình. Ngày hai lần vào buổi sáng sớm và chiều tối, họ xuống tận các nhà hàng ở trung tâm thành phố để chở những thức ăn thừa về làm thức ăn cho lợn. Những người chăn nuôi ở Hòa Khương cho biết, tuy có hơi vất vả một chút, nhưng nguồn thức ăn mà họ thu mua được từ các nhà hàng thường rất chất lượng.
 
Mỗi ngày, những người nông dân này thu mua và chở về khoảng 3 tạ thức ăn tận dụng, đủ để cung ứng cho đàn lợn chừng 15 đến 20 con/ngày. Việc tận dụng nguồn thức ăn dư thừa ở thành phố để tiết kiệm chi phí, giải quyết vấn đề vốn đầu tư trong chăn nuôi vào thời buổi giá cả đắt đỏ như hiện nay, người nông dân đã và đang tìm ra những hướng đi đúng đắn cho mình.

Bài và ảnh: LÂM THANH

;
.
.
.
.
.