.
CHUYỂN SANG DOANH NGHIỆP

Hộ kinh doanh cá thể “lợi kép”

.

Ông Huỳnh Đức Thư, Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn cho biết, ngoài nguồn thu từ du lịch,  sản xuất đá mỹ nghệ đã đem lại nguồn thu trong phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Với vai trò quản lý Nhà nước ở địa phương, quận Ngũ Hành Sơn đã có nhiều nỗ lực trong hỗ trợ phát triển đối với làng nghề đá Non Nước như xúc tiến thành lập tổ hợp tác, hội ngành nghề, xây dựng thương hiệu.

Sản phẩm của Làng đá Non Nước - Ngũ Hành Sơn luôn xuất hiện ở nhiều công trình kiến trúc sang trọng.

Tuy nhiên, vấn đề phát triển của làng đá Non Nước đang đứng trước những thách thức mới trong cạnh tranh, hội nhập và mở rộng quy mô sản xuất.Tính đến nay, làng đá Non Nước có trên 450 hộ kinh doanh, thu hút gần 4.000 lao động làm việc. Mỗi năm làng đá Non Nước  tạo ra nguồn doanh thu chiếm 14% tổng doanh thu toàn quận. Làng đá Non Nước cũng là một “mắt xích” quan trọng trong phát triển du lịch ở cụm danh thắng Ngũ Hành Sơn. Với 450 hộ kinh doanh sản xuất và mua bán các sản phẩm đá mỹ nghệ tại Non Nước đã cho thấy tính chất manh mún của một làng nghề.

Với tính chất hộ kinh doanh cá thể nên việc sản xuất kinh doanh tại đây đều không sử dụng hệ thống kế toán, tiếp thị, quảng bá sản phẩm và chiến lược phát triển kinh doanh theo kế hoạch tự phát. Tình hình này càng làm cho làng nghề ngày càng đi vào cảnh “cá lớn nuốt cá bé” bởi cơ sở sản xuất nhỏ sẽ không có điều kiện cung ứng nguồn sản phẩm lớn theo đơn đặt hàng nên quay sang làm gia công cho cơ sở sản xuất lớn. Ngoài ra, hộ kinh doanh cá thể không được hưởng các khoản hoàn thuế cùng các chính sách khác như đất đai, vốn tín dụng…   

Theo Cục Thuế thành phố Đà Nẵng, tại quận Ngũ Hành Sơn, ngành thuế đang quản lý 1.100 hộ kinh doanh cá thể, trong số này, hơn 50% số hộ thuộc diện quản lý nộp thuế theo tháng. Tuy nhiên về cơ bản, vẫn thu thuế theo hình thức khoán bởi do không có hóa đơn, chứng từ. Việc áp thuế khó sát với thực tế nên chủ cơ sở thường than phiền áp thuế cao. Song theo ngành thuế, hộ kinh doanh cá thể ở làng đá mỹ nghệ Non Nước phần lớn vừa  sản xuất, vừa kinh doanh, sản phẩm bán ra thị trường có giá trị gia tăng cao. Mặt khác, khi xuất khẩu còn được hưởng mức thuế suất 0% và được khấu trừ thuế đầu vào. Rõ ràng, nếu hộ kinh doanh cá thể ở làng đá mỹ nghệ Non Nước chuyển sang mô hình DN sẽ được “lợi kép”.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Trưởng Phòng Pháp chế - Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phân tích thêm: “Nếu là DN sẽ được gia nhập Hiệp hội ngành nghề, Hội DN… và được bảo vệ tốt hơn trước áp lực cạnh tranh trong thời kỳ kinh tế hội nhập”. Theo đó, với việc hình thành mô hình quản trị DN, DN dễ dàng thuê lao động có trình độ cao và gắn bó lâu dài, được mở nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh khi có điều kiện; có cơ hội thuê đất, mở rộng mặt bằng sản xuất. Ngoài ra còn tiếp cận nguồn vốn tín dụng, có thể liên doanh liên kết và cho thuê hoặc bán DN.

Theo phản ánh của các ngành chức năng, hiện thành phố đang có nhiều chính sách để hỗ trợ và phát triển DN có quy mô vừa và nhỏ. Ví dụ, Sở Công thương thường xuyên thực hiện các đề án khuyến công với việc mở các khóa đào tạo khởi nghiệp cho đối tượng là hộ kinh doanh cá thể chuyển sang thành lập DN. Sở KH-ĐT cũng đang phối hợp với Chương trình hỗ trợ khu vực tư nhân Việt Nam-EU xúc tiến việc đăng ký thành lập DN qua mô hình “một cửa” liên thông.
 
Đặc biệt, chương trình trên đã thông qua hàng loạt các ngân hàng thương mại sẵn sàng giải ngân vốn tín dụng hỗ trợ cho DN vừa và nhỏ đầu tư phát triển. Đặt vấn đề chuyển hướng hộ kinh doanh cá thể ở làng đá Non Nước sang hoạt động DN là động thái khá tích cực từ phía UBND quận Ngũ Hành Sơn cùng các ngành chức năng ở thành phố. 

Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG

;
.
.
.
.
.