.

Mọi thứ đều tăng, nhà sản xuất rối bời!

.

Giá nguyên liệu đầu vào, tỷ giá hối đoái ngoại tệ và lãi suất vay ngân hàng tăng cao, cùng lúc, Chính phủ chủ trương bình ổn giá khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng thiết yếu bối rối.

Không mua được USD theo giá niêm yết

Ngân hàng áp dụng mức lãi suất (LS) cơ bản 14%/năm thay cho mức cũ 12%/năm, đẩy mức trần LS cho vay tối đa lên 21%/năm (trần LS cho vay cũ là 18%), đã kéo theo việc tăng giá cả các mặt hàng thiết yếu.

Theo nhiều doanh nghiệp sản xuất lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng, khí đốt... trên địa bàn Đà Nẵng, việc các ngân hàng áp dụng mức lãi suất (LS) cơ bản 14%/năm thay cho mức cũ 12%/năm, đẩy mức trần LS cho vay tối đa lên 21%/năm (trần LS cho vay cũ là 18%), kéo theo việc tăng giá cả các mặt hàng.

Thêm vào đó, doanh nghiệp cũng than vãn vì họ không mua được USD với tỷ giá được niêm yết. Một cán bộ chủ chốt của Công ty Cổ phần Dược và Thiết bị y tế bức xúc: “Chúng tôi nhập khẩu nguyên liệu chủ yếu bằng USD, nhưng hiện nay các ngân hàng đã không còn cho vay USD nữa, nên rất khó khăn cho doanh nghiệp khi tìm kiếm nguồn ngoại tệ”. Cùng chia sẻ với ý kiến trên, Giám đốc Công ty Cổ phần Gas Đà Nẵng Võ Trọng Hải cho biết: “Thực tế, chúng tôi phải mua USD với giá cao so với giá được niêm yết tại các ngân hàng. Để có được USD, doanh nghiệp phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi thỏa thuận”.

Lãi suất cho vay cao, cộng với khả năng tiếp cận vốn trung hạn và dài hạn ít, do bị vướng ở hạn mức tăng trưởng tín dụng, hạn mức cho vay bị cắt giảm hoặc giải ngân chậm, gây nên tình trạng thiếu vốn nghiêm trọng trong phục vụ sản xuất, đầu tư, kinh doanh thương mại và xuất khẩu. Ông Võ Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước thành phố Đà Nẵng giải thích về việc thiếu hụt USD: “Khi đầu tư vào Việt Nam lỗ, nhà đầu tư nước ngoài sẽ cắt ngay, do đó, việc chuyển hóa vốn thành USD để chuyển lại cho nhà đầu tư làm hạn chế nguồn cung.
 
Hiện nay, Ngân hàng Trung ương dự trữ khoảng 20 tỷ USD, nhưng vẫn chưa dùng vốn ngoại tệ để can thiệp thị trường, nên Ngân hàng Nhà nước và các doanh nghiệp hãy cùng chia sẻ khó khăn chung”. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn cho rằng, UBND thành phố cần can thiệp để ngân hàng thực hiện cho vay ưu đãi đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng thiết yếu, thực hiện bán USD cho doanh nghiệp theo tỷ giá đã niêm yết, để nhà sản xuất bảo đảm nguồn hàng cung cấp cho thị trường.

Chi phí nguyên liệu nhập khẩu trong 4 tháng gần bằng cả năm 2007

Giá cả thị trường tăng chưa có dấu hiệu dừng còn do chi phí đầu vào như nguyên vật liệu, thuê bốc xếp, kho bãi, vận chuyển... tiếp tục tăng theo từng tháng. Tổng Giám đốc Công ty Kim khí miền Trung, ông Huỳnh Tấn Quế tính toán: “Chi phí nguyên liệu nhập khẩu rất cao, chỉ trong 4 tháng đã gần bằng cả năm ngoái, giá cả vật tư trong tháng 6 tăng liên tục. Nhưng chúng tôi vẫn phải thực hiện bình ổn giá, với mức tăng bình quân thấp hơn mức tăng của cả nước”.
 
Trước tình hình trên, nhiều doanh nghiệp kỳ vọng Chính phủ sẽ có lộ trình tăng giá hợp lý. “Vì nếu ép giá xuống, đến một lúc nào đó, việc thiếu hàng trong nước sẽ bùng nổ, gây hại cho nền kinh tế và đời sống người dân”, ông Quế dự báo. Trong khả năng nguồn hàng có thể căng trong thời gian tới, các doanh nghiệp cung ứng xăng dầu đề nghị ngành Công thương và UBND thành phố làm việc với các đầu mối để bảo đảm nguồn hàng được cung ứng đều khắp, không dồn áp lực vào một nơi.

Trong buổi gặp gỡ với doanh nghiệp Đà Nẵng mới đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Phước Chính yêu cầu các cơ quan quản lý Nhà nước phải tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, về phía doanh nghiệp cũng cần giữ tâm lý tốt để duy trì hoạt động trong hoàn cảnh thị trường sẽ thêm nhiều biến động.

PHONG KHÁNH

;
.
.
.
.
.