.
Doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ:

Doanh nghiệp khó khăn trước lãi suất ngân hàng !

.

Các DN ở đây đều là đơn vị sản xuất, kinh doanh thương mại và dịch vụ có vị trí ở Đà Nẵng. Có người nói nhát gừng. Có người viện dẫn cả triết học. Tất cả đều xoay quanh nỗi niềm của họ trước áp lực đồng vốn và lãi suất ngân hàng...

* Liên tục thay đổi lãi suất !

Theo phản ánh của các DN, kể từ khi chính sách lãi suất mới được ban hành, họ đã khó khăn lại càng thêm khó khăn bởi những thay đổi kéo theo đầy lợi thế cho ngân hàng. Niềm vui lãi suất cho vay đã có “kịch trần 18%” và khả năng thu hút tiền gửi ở các ngân hàng tăng lên giúp họ thêm cơ hội về vốn đã sớm tan biến. Các DN phải đối diện thực tế lãi suất ngân hàng liên tục đẩy họ vào thế “bất khả kháng” và chịu mọi thiệt hại cuối cùng.

Người lao động sẽ chịu một áp lực lớn  khi các DN tiếp tục bị khó khăn về lãi suất vốn vay.

Một Tổng Giám đốc DN dệt may Đà Nẵng phân tích, có 3 biểu hiện “ép DN” đang được ngân hàng vận dụng. Thứ nhất là phá vỡ mốc lãi trần 18% bằng cách tăng thêm 3% các loại phí dịch vụ. Cách này diễn ra khi DN muốn có tiền vay, ngân hàng đồng ý với điều kiện “nhỏ nhẹ”: vốn sẽ có ngay nếu áp dụng thêm dịch vụ này và dịch vụ kia. Thế là các DN phải đồng ý.

Thứ hai, sau khi Ngân hàng Nhà nước có can thiệp để buộc các ngân hàng không mở rộng dịch vụ thu phí, hạn chế mức lãi vay lên 21%, các ngân hàng lại dùng “chiêu” buộc ký quỹ. Các DN được vay sẽ phải ký lại quỹ 15% cho ngân hàng trên tổng tiền vay, mà vẫn chịu lãi nguyên vẹn vốn vay. Nhiều DN nêu rõ, với cách tính đó, họ vay 100 đồng thì thực nhận chỉ có 85 đồng , nên cuối cùng chia theo tổng vốn vay, lãi suất của họ đã tăng trên 25%.

Thứ ba, việc đổi ngoại tệ của các ngân hàng với DN luôn theo hướng có lợi cho ngân hàng. Hầu hết các DN xuất khẩu rơi vào tình trạng này, từ nhu cầu mua bán các ngoại tệ sau mỗi đơn hàng. Họ cho biết khi tỷ giá ngoại tệ lên, ngân hàng luôn mua vào với giá thấp nhất trên thị trường và ngược lại, DN phải thanh toán với tỷ giá cao nhất lúc tỷ giá ngoại tệ xuống. Có DN đã nhẩm tính với cách này, chỉ trong tháng 5 vừa qua, ngân hàng DN này giao dịch đã nhận chênh lệch hơn 1 tỷ đồng.

Điều đáng nói là trước các áp lực đó, các DN cũng vẫn phải “cắn răng” để vay vốn, vì không thể tìm đâu 1 nguồn nội lực tài chính nào đó để tự xoay xở và phát triển. Bối cảnh thị trường chứng khoán ảm đạm, các nguồn vốn tự do ngoài xã hội bị thị trường bất động sản “nuốt chửng”, họ chỉ còn chấp nhận cơ hội từ ngân hàng.

Hầu hết các dự án đầu tư phát triển của các DN đang phải đình đốn vì lãi suất vay quá cao.

* Những kịch bản không vui

“Sẽ có khoảng 30% DN như chúng tôi có thể phải “chết”, trong vòng vài tháng nữa. “Chết” không phải vì làm ăn kém mà vì kiệt sức “chết” trước cửa ngân hàng”. Không ít doanh nhân đã “phán quyết” như vậy khi nhìn viễn cảnh áp lực lãi vay trong thời gian đến. “Chúng tôi không hiểu tại sao mốc kịch trần 18% đã công bố lại có thể đẩy lên như hiện nay?". Không ít doanh nghiệp trước yêu cầu đầu tư các dự án mở rộng năng lực sản xuất, đáp ứng các đơn hàng mới đang phải bỏ dở vì không đoán nổi dự báo lãi suất vay sau 4 tháng nữa.

Một kịch bản khác được các DN dệt may, da giày đưa ra, là họ chỉ còn co cụm về mảng thị trường nội địa chật hẹp bởi các đơn hàng ra ngoài bị cản trở về vốn vay tín dụng mở LC hay các vấn đề liên quan đến tài chính. Nhất là sự thay đổi đầy áp đặt về biểu giá ngoại tệ mà các ngân hàng tổ chức đang làm nhiều đơn hàng của họ lỗ nặng ngay khi nhận tiền về. Quy mô DN sản xuất vì thế sẽ càng bé hơn và hàng trăm công nhân có nguy cơ thiếu việc làm. Áp lực lao động thừa tại Đà Nẵng vì thế sẽ tăng trở lại như giai đoạn 1997 – 1999.

Kịch bản thứ ba được các DN nêu lên, là áp lực đầu vào sẽ buộc mọi hoạt động sản xuất, dịch vụ phải tăng giá sản phẩm, và đà lạm phát sẽ tiếp tục gia tốc. Người tiêu dùng, người lao động sẽ phải chịu những thiệt hại ấy và họ sẽ trở ngược lại yêu cầu các chủ lao động, các DN xem lại hướng giải quyết. “Chúng tôi sẽ không thể có một câu trả lời nào khác hơn, là mong các ngân hàng, Bộ Tài chính cùng các cấp quản lý cùng ngồi lại, nhìn thẳng vào thực tế khó khăn của chúng tôi để sớm có cách đánh giá đúng hơn tình hình, mở lại lối cho DN phát triển”, hầu hết nguyện vọng của các DN sản xuất là như vậy.
Nhạc Duy Hạ.

;
.
.
.
.
.