.

Đường Hoàng Sa sạt lở tiếp

.

Sau mùa mưa năm 2007, đường Hoàng Sa (đường ra bán đảo Sơn Trà) bị sạt lở nghiêm trọng. Ngay thời điểm đó, ngành GTCC thành phố đã nhanh chóng khắc phục tạm thời để thông đường. Tuy nhiên, công việc sửa chữa mới chính thức bắt đầu khoảng vài tháng nay. Sự chậm trễ này đã để lại “di chứng” rất nặng nề cho con đường khi những trận mưa cuối tháng 5 vừa qua đã làm sạt lở tiếp nhiều đoạn nữa và nhiều đoạn khác có thể sạt lở lớn bất cứ lúc nào.

Đoạn đường gần chùa Linh Ứng, Bãi Bụt đang được sửa chữa.

Đáng lo ngại nhất là đoạn đường quanh co nằm duới chân chùa Linh Ứng, Bãi Bụt. Mặc dù suốt thời gian qua, Công ty Công trình đô thị đã tập trung công nhân, phương tiện cơ giới chạy đua với thời gian, thế nhưng đến thời điểm hiện nay, phần việc đã làm được chỉ là thông đường tạm thời để du khách có thể đến với các điểm du lịch tại bán đảo Sơn Trà trong mùa nắng này.
 
Từ vị trí tượng Phật đang được thi công nhìn xuống con đường, bất cứ ai cũng chung một cảm giác lo ngại, bởi một phần lớn quả đồi đã bị sạt lở, để lộ ra “ruột” quả đồi rộng cả ngàn mét vuông đỏ ối. Hiện nay, công việc chính của đơn vị thi công vẫn là thả rọ đá ở ta-luy phía giáp biển, đồng thời tiến hành làm mương thoát nước và thảm bê-tông toàn bộ phần quả đồi bị sạt lở. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, do khối lượng công việc quá lớn và phức tạp vì độ dốc của ta-luy dựng đứng nên tốc độ thi công rất chậm chạp. Điều đáng lo ngại nữa là những tảng đá to ở lưng chừng quả đồi này có thể lăn xuống bất cứ lúc nào.

Cũng trong tình trạng tương tự là đoạn đường từ  bãi Rạng đến khu du lịch Biển Đông. Suốt đoạn đường dài này có nhiều đoạn ta-luy bê-tông đã bị đất đá trên đồi lăn xuống làm gãy đổ. Trong khi đó, nhiều đoạn phía giáp bờ biển cũng bị sạt lở, kéo theo lượng đất đá lớn lăn xuống biển, tạo nên những bờ vực sâu, những mảng đất đỏ có thể đổ sập xuống biển bất cứ lúc nào. Chính vì bị sạt lở cả hai bên như vậy, dẫn đến tình trạng rất nhiều đoạn cống bị hư hỏng theo.

Dù đang trong mùa nắng nóng nên lượng nước chảy từ núi Sơn Trà xuống biển chưa nhiều, thế nhưng do nền đất dưới các cống thoát nước bị sạt lở nên chính lượng nước nhỏ này giống như mũi khoan khoét thêm vào nền đường. Đây là điều hết sức nguy hiểm, vì chỉ cần một trận mưa lớn, nhiều khả năng những đoạn cống này sẽ bị phá bung, kéo theo là một số đoạn đường bị gãy đứt và giao thông sẽ bị tê liệt. Quan trọng hơn, nếu những vị trí này bị phá vỡ, việc khắc phục vô cùng khó khăn vì các vị trí cống thoát nước này đều có độ dốc rất lớn.

Chưa đến mức sạt lở nghiêm trọng, thế nhưng đoạn đường từ khu nghỉ mát Sơn Trà đến đoạn cuối con đường này đang tiềm ẩn khả năng sạt lở rất lớn. Nguyên nhân là trên đoạn đường dài khoảng 3km này chỉ mới xong phần hệ thống thoát nước, chưa có hệ thống ta-luy và bờ kè để chống sạt lở. Trên đoạn đường này đã xuất hiện cả chục vị trí đất ở những quả đồi bị bung ra và sạt lở nhỏ, nhiều vị trí khác lộ ra những vết nứt kéo dài cả chục mét.

Còn khoảng hai tháng nữa là bắt đầu mùa mưa bão. Đây có thể nói là quỹ thời gian ít ỏi để đơn vị thi công khắc phục tạm thời những vị trí sạt lở lớn, chứ chưa nói gì đến khả năng hoàn thành con đường. Vì vậy trong thời gian đến, nếu ngành GTCC không có sự chỉ đạo quyết liệt, tập trung thiết bị, nhân lực để chạy đua với thời gian thì nguy cơ tuyến đường này bị tê liệt vào mùa mưa là hoàn toàn có khả năng xảy ra. Nếu để tình huống xấu này xảy ra, lúc đó công việc khắc phục sẽ càng khó khăn và tốn kém hơn.

Bài và ảnh: TRẦN LUÂN SƠN

;
.
.
.
.
.