.
QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ DẢI VEN BIỂN MIỀN TRUNG

Dấu ấn Đà Nẵng

.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa ký Quyết định số 61/2008/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội dải ven biển miền Trung đến năm 2020. Theo đó, nguồn vốn huy động đầu tư lên đến 1.314 nghìn tỷ đồng. Thành phố Đà Nẵng được xác định là trung tâm kinh tế biển và là một trong 3 trung tâm kinh tế biển của cả nước…

Đầu tư lớn

Diễn đàn kinh tế miền Trung ngày càng gắn kết các địa phương trong vùng để cùng phát triển.
Một nguồn lực cực lớn 2.333 nghìn tỷ đồng sẽ được đầu tư cho dải ven biển miền Trung, trong đó giai đoạn 2006-2010 đầu tư 411 nghìn tỷ đồng; giai đoạn 2011-2015 là 608 nghìn tỷ và thời kỳ 2016-2020 là 1.314 nghìn tỷ đồng. Với số vốn đầu tư này, dải ven biển miền Trung gồm các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Ninh Thuận sẽ tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng cảng biển; các khu, điểm du lịch; các khu kinh tế, khu công nghiệp; hệ thống giao thông, thủy lợi, bưu chính-viễn thông và công nghệ thông tin; phát triển lưới điện, cơ sở hạ tầng nông thôn, kết cấu hạ tầng đô thị; công nghiệp lọc hóa dầu, công nghiệp đóng tàu...
 
Mục tiêu của việc đầu tư này, theo Chính phủ, nhằm xây dựng dải ven biển miền Trung trở thành vùng kinh tế phát triển, cửa ngõ phía Đông và là một trong các Hành lang kinh tế Bắc-Nam quan trọng của cả nước. Đồng thời nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa cho cư dân, giảm tỷ lệ đói nghèo cho các tỉnh miền Trung, qua đó giảm chênh lệch vùng miền...

Để hoàn thành mục tiêu trên, hàng loạt nhiệm vụ đã được đề ra, trong đó tập trung ưu tiên phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, cảng biển. Hình thành đường giao thông ven biển qua dải ven biển miền Trung dài 1.314 km nối liền ven biển các tỉnh từ Thanh Hóa - Bình Thuận; xây dựng hầm đèo Cả. Đến năm 2020, hoàn thành đường cao tốc Bắc-Nam; cải tạo và mở rộng các tuyến quốc lộ 7, 8A, 9, 12A, 14B, 14D, 19, 24, 25, 26, 27, 28, 47, 49A và 55.
 
Về đường sắt, xây dựng đường sắt đôi khổ 1.435 mm đoạn Hà Nội - Vinh và TP. Hồ Chí Minh - Nha Trang và một số đoạn đường sắt cao tốc  Bắc-Nam. Về cảng biển, xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong (Khánh Hòa) đạt tầm vóc quốc tế; xây dựng cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng) làm cảng cửa ngõ và nâng cấp các cảng tại các khu kinh tế Nghi Sơn, Cửa Lò, Vũng Áng, Hòn La, Chân Mây, Kỳ Hà, Dung Quất, Nhơn Hội, Vũng Rô, Phú Quý.

Theo Bộ Xây dựng, từ 2008-2010 sẽ tiến hành quy hoạch, sắp xếp và tái định cư, hỗ trợ xây dựng công trình nhà ở cho hàng chục nghìn hộ dân từ Thanh Hóa - Phú Yên thường xuyên bị ngập lụt đủ sức chống chọi với bão, lũ. Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đề xuất kế hoạch nâng cấp hạ tầng kỹ thuật như thủy lợi, hồ chứa, đê kè bảo vệ chống sạt lở tại khu dân cư ở miền núi, ven sông; nạo vét chỉnh trị các dòng sông, cửa sông bị bồi lấp... Tổng vốn đầu tư là 18.592 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 (2008-2010) đầu tư 10.204 tỷ đồng; giai đoạn tiếp theo là 8.388 tỷ đồng.

Dấu ấn Đà Nẵng

Hạ tầng giao thông đường bộ sẽ được đầu tư mạnh mẽ để kết nối giao thông dải ven biển miền Trung.


Trong quy hoạch phát triển kinh tế dải ven biển miền Trung, Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh về vai trò của thành phố Đà Nẵng. Về phát triển kết cấu hạ tầng, Đà Nẵng được coi như là điểm đến của mọi con đường. Về đường bộ, ưu tiên đầu tư phát triển đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, Đà Nẵng-Cam Lộ. Đường sắt có tuyến Đà Nẵng-Dung Quất-Nhơn Hội (Bình Định). Chính phủ xác định xây dựng Cảng Liên Chiểu làm cảng cửa ngõ cho toàn vùng, các cảng khác dừng lại quy mô của chức năng cảng địa phương.

Cụm cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng làm trung tâm cảng hàng không quốc tế bên cạnh các cảng vệ tinh như Chu Lai, Phú Bài, Cam Ranh. Đối với dịch vụ bưu chính-viễn thông, xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm dịch vụ viễn thông chất lượng cao, cung cấp đa dịch vụ và hoạt động có hiệu quả của miền Trung và cả nước.

Về phát triển các trung tâm kinh tế biển, Đà Nẵng sẽ là trung tâm của cả vùng và là một trong ba trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước. Các tiểu trung tâm kinh tế biển khác sẽ là Thanh Hóa, Vinh, Nha Trang.

Đối với lĩnh vực du lịch, Đà Nẵng nổi lên với vai trò của một trung tâm hạ tầng về hội nghị, hội chợ, hội thảo quốc tế và là trụ cột của 3 tam giác du lịch, trong đó có tam giác Phong Nha- Huế, Đà Nẵng-Hội An, Mỹ Sơn. Ngoài ra, Đà Nẵng cũng nổi lên với các vị trí đầu tàu về tài chính-tín dụng, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, hướng nghiệp việc làm, an ninh-quốc phòng.

Rõ ràng, Chính phủ đang phát đi một tín hiệu mới lạc quan hơn về phát triển kinh tế - xã hội ở dải ven biển miền Trung. Trong nhiều chính sách và giải pháp thực hiện, Chính phủ đặc biệt tạo cho dải ven biển miền Trung một chính sách mới, đó là “đồng bào vùng bãi ngang ven biển” và “ kinh tế biển”.
 
Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG

 

;
.
.
.
.
.