.
Thông tin về cầu Thuận Phước

Bài học cho cả hai

.

Vào Google gõ từ khóa “cầu Thuận Phước” thì chỉ mất 0,26 giây đã có kết quả với trên 6,5 triệu từ “cầu Thuận Phước” xuất hiện. Có thể nói, khó có công trình xây dựng giao thông nào của thành phố Đà Nẵng lại có được kết quả tìm kiếm khổng lồ như vậy.
 

Cầu Thuận Phước - công trình tốn nhiều công sức của các đơn vị xây dựng lẫn báo giới.


Thế nhưng, ngoài những dòng tin ngắn đưa thông tin về việc khởi công cầu, gần như tuyệt đại đa số là những thông tin không mấy vui vẻ về chiếc cầu dây võng lớn nhất Việt Nam này. Lướt qua thông tin các báo, kể cả báo viết và báo điện tử, chỉ có một thời gian khá ngắn hơn nửa năm, chiếc cầu này nằm ngoài vùng “phủ sóng” của giới truyền thông, còn lại từ thời gian đó đến nay, mọi diễn biến của việc xây cầu, nhất là những sự cố của chiếc cầu này đều được giới truyền thông “soi” rất kỹ.

Vì sao lại có hiện tượng như vậy? Trước hết phải thấy rằng, “lỗi” này là do chiếc cầu dây võng lớn nhất nước thuộc dự án trọng điểm nhóm A. Là cầu treo dây võng với công nghệ hiện đại chưa từng thi công tại Việt Nam, vì vậy, khi phê duyệt dự án, Bộ Giao thông - Vận tải đã nhất trí áp dụng tạm tính theo kiểu dự án đường dây 500 kV trước đây. Trong khi đó, do công trình quá phức tạp, yêu cầu phải sử dụng thiết bị công nghệ và phương pháp thi công hiện đại nên quá trình thi công cầu bị sự cố đã dẫn đến kéo dài thời gian dự định. Hệ quả là giá thành dự toán đến nay đã tăng thêm so với ban đầu.
 
Vì những điều này mà gần đây có báo đã viết về cầu Thuận Phước với cái tít rất “ấn tượng” như: Cầu Thuận Phước - những kỷ lục buồn; Cầu Thuận Phước 4 lần tăng giá; Cầu Thuận Phước “điển hình” của sự tăng giá… Trong khi đó, những sự cố về mặt kỹ thuật gặp phải của công trình cũng được một số báo chí “chăm chút” rất kỹ theo kiểu: “Cầu Thuận Phước có được tiếp tục được thi công hay không?”, “Bỏ của chạy lấy người”… Thậm chí, thông tin  về việc kéo dây cáp của cầu cũng được khá nhiều tờ báo đưa lại theo kiểu “thêm mắm, thêm muối” bằng trí tưởng tượng như: “Liệu việc kéo cáp có đúng tiêu chuẩn kỹ thuật?”, hay “Chạy đua với bão lũ để kéo cáp”…

Nếu tiếp nhận thông tin một chiều từ những nguồn như vậy, có thể nói công trình cầu Thuận Phước “nát như tương” từ kỹ thuật, thời gian thi công cho đến kinh phí. Thực ra, có phải tất cả thông tin này là đúng? Về vấn đề này, tại buổi làm việc với Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố vừa qua, cả ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc Sở Giao thông - Công chính và ông Lê Hồng Minh, Trưởng Ban Chỉ đạo công trình cầu Thuận Phước đều tỏ ra bức xúc.
 
Theo ông Lê Hồng Minh, không có chuyện cầu Thuận Phước tăng giá 4 lần, vì đơn giá tính cho cầu Thuận Phước đã được Chính phủ chấp thuận là tạm tính, trên cơ sở giám sát chặt chẽ của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan. Ông Đặng Việt Dũng cung cấp thêm: Thành phố Đà Nẵng vừa có buổi làm việc với Bộ Giao thông - Vận tải và đã nhận được sự khen ngợi từ Bộ trong việc giảm giá thành của cầu. Theo tính toán của các chuyên gia tài chính, nếu tính giá trị trên từng mét cầu thì cầu Thuận Phước có giá thành rẻ nhất so với hai chiếc cầu cùng quy mô là cầu Bãi Cháy và cầu Rạch Chiếc.

Tuy nhiên, ông Dũng cũng thừa nhận “lỗi” của thành phố là đưa ra mốc hoàn thành vào ngày 29-3-2005, nhân dịp kỷ niệm 30 năm Ngày giải phóng Đà Nẵng có phần chủ quan. Vì với địa chất phức tạp như vậy, công nghệ tiên tiến lần đầu thi công, thời tiết không “ủng hộ”, cần phải kéo dài mốc hoàn thành hơn nữa mới phù hợp và dư luận cũng không “lên tiếng”.

Đưa thông tin không chính xác, chủ quan, thậm chí tự diễn giải theo cách của mình là thực tế đã xảy ra ở công trình cầu Thuận Phước. Tuy nhiên, lỗi này cũng không hoàn toàn nằm ở phía những nhà báo, bởi theo những nhà báo viết về chiếc cầu này, đây là một trong những công trình xây dựng tại thành phố từ trước đến nay thuộc diện khó khai thác thông tin nhất.
 
Nhiều nhà báo kiếm được thông tin chỉ qua con đường không chính thức, do rất khó khai thác được từ người phát ngôn chính thức của dự án. Đây có thể nói là bài học cho cả hai phía: Nhà báo và cơ quan chức năng. Hy vọng cả hai sẽ đều nhìn ra để không còn “sự cố” như cầu Thuận Phước.

Bài và ảnh: TRẦN LUÂN SƠN

;
.
.
.
.
.