.

Thương lắm trâu ơi!

.

Ra đồng, thỉnh thoảng mới bắt gặp vài con trâu cần mẫn giúp người cày ruộng. Tưởng phận trâu đã được đổi đời, không ngờ nó phải làm việc gấp nhiều lần, thay thế cho nhiều đồng loại đã không có mặt.

Lật đất, cày, bừa... đôi khi trâu kiệt sức gục ngã ngay trên đồng. Với những con khỏe mạnh, sau một đêm về chuồng, lại bắt đầu một ngày mới quần quật cho đến khi ngày mùa chấm dứt.

Trên đồng cạn, dưới đồng sâu

Con trâu ngày càng ít dần, không phải vì người nông dân không còn cần đến nó, mà lý do cơ bản nhất là nhiều gia đình không thích nuôi do không có người chăn dắt; cũng như một số vùng nông dân bị thu hồi đất sản xuất giao cho các dự án, không để trâu làm gì nên đành đứt ruột bán trâu.
 
Và thức ăn, đồng cỏ cho trâu không thiếu nhưng giá trị kinh tế con trâu làm ra không thể bằng một chiếc máy cày, nên người nuôi không mặn mà. Một nông dân ở xã Hòa Châu nhẩm tính: Nếu tính cả công cày, bừa, công chăn dắt mỗi con trâu trong một năm, thì chỉ có 30 nghìn đồng/công, thấp hơn nhiều những người làm các nghề như phụ hồ, bốc vác...

Đã thế, một con trâu nếu muốn cày tốt phải mất rất nhiều năm. Chú Huỳnh Gần, ở tổ 9, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu chỉ con trâu 10 tuổi của chú, cho biết: “Nuôi từ khi nó là nghé con, đến 4-5 tuổi mới biết cày sơ sơ, phải 6 - 7 tuổi mới cày ngon lành. Mà khi trâu lớn, đủ cứng cáp thì phải đeo ách cho quen, và là chuỗi những ngày tập cày. Ban đầu trâu cày với đất cát, sau đó xuống đồng cạn tập đi với đất ruộng không lún, rồi mới xuống đồng sâu.
 
Tập 1 năm như thế, qua năm thứ 2 trâu mới cày được trên mọi loại ruộng”. Khi chính thức làm đời thợ cày, bước vào vụ mùa, 4 giờ sáng trâu bắt đầu được cho ăn, 5 giờ ra khỏi chuồng, 5 giờ 30 xuống ruộng, cày, bừa, ít nhất là 6 giờ 30 tối mới được nghỉ và 8 giờ tối mới về đến nhà. Cầm cày sau lưng trâu, chú Gần phải biết được trâu khỏe thì đi nhanh; lúc trời bắt đầu nắng nóng, thở khó nhọc, đi chậm lại hoặc nó đứng ỳ ra là lúc cần cho trâu nghỉ. Có khi là nghỉ tại chỗ, nhưng cũng có khi tháo ách cho nó lên bờ gặm cỏ.

Xã Hòa Châu vẫn còn giữ mô hình hợp tác xã nên công việc của mỗi con trâu cũng được khoán. Vụ hè thu chủ yếu dùng máy cày, trâu chỉ cày ở những mảnh ruộng sâu, lún và bừa; nhưng đến vụ đông xuân, ruộng nhiều nước nên trâu cày hoàn toàn. Tại cánh đồng làng Phong Nam, vụ này mỗi con trâu cày 4 mẫu ruộng trong mùa làm đất kéo dài 1 tháng, nhưng vụ sau phải cày ít nhất 20 mẫu trong thời gian hơn 2 tháng.
 
Anh Lê Đức Phước ở tổ 9 Phong Nam cho biết, vụ này con trâu giúp anh có thêm thu nhập khoảng 7 triệu đồng, vụ đông xuân sẽ kiếm được 10 - 12 triệu, nhưng có thể năm sau mới được nhận. Đó là cách tính “gối đầu” của nông dân. Nhưng do mọi chi phí cho một sào ruộng hiện nay tăng cao, nên ở nhiều vùng như Hòa Liên, Hòa Quý, chủ trâu yêu cầu được trả tiền ngay sau khi trâu cày xong, khiến nhiều gia đình thấy nặng gánh với nghề nông, dù ai cũng quyết tâm bám ruộng.

Hiếm dần trên đồng ruộng

Con trâu của ông Lê Văn Bảy trên đồng ruộng Hòa Liên.

Cả đội 3 phường Hòa Hiệp Nam còn được 8 con trâu cày ruộng trên một cánh đồng diện tích gần 100 ha. Ông Lê Văn Bảy, chủ trâu ở thôn Quan Nam 2, xã Hòa Liên cho biết cả thôn Quan Nam chỉ có 2 con trâu để làm đất. Trâu làm không đủ sức, mùa này ông quyết định mua một chiếc máy cày trị giá 20 triệu đồng cày thuê cho bà con.

Tại phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn cũng không khả dĩ hơn, số trâu cũng chưa đến 20 con nhưng phải cày, bừa cho cả cánh đồng rộng khoảng 320 ha. Còn thôn Phong Nam, xã Hòa Châu thì có vẻn vẹn 3 con trâu. Ngày xưa Phong Nam là vùng đất nổi tiếng có nhiều trâu với hàng ngàn con và Lễ rước Mục đồng dành cho trẻ chăn trâu của làng nức tiếng gần xa. Nay làng chỉ còn 3 con trâu, Lễ rước Mục đồng cũng mai một dần là điều dễ hiểu. 

Trâu ít thì cũng trở nên có giá. Ông Trần Công Phát ở thôn Phong Nam mới tậu chú trâu mới cách đây 2 tháng với giá 12,5 triệu đồng. Ông đặt giá cao nhất mới dắt được trâu về giữa nhiều mức giá của người mua, khi người bán hô giá con trâu 1 cây vàng.

Con trâu già trước đây sống cùng ông Phát 9 năm, chân bị què nhưng vẫn phải làm việc. Thương trâu và cũng không thể dùng nó để cày bừa được nữa, ông mới mua trâu mới, sau khi bán nó được 7,5 triệu đồng. Còn con trâu của anh Phước nuôi đã 3 năm, “được trả giá 13 triệu đồng nhưng anh không bán, vì bán giờ mô cũng được, nhưng biết lấy gì làm đất”- anh Phước bộc bạch.

Trâu khan hiếm nên nó chỉ còn nhận nhiệm vụ trục đất trước khi gieo. Tại cánh đồng phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, người nông dân phải đăng ký ngày giờ làm đất với chủ trâu. Dù trâu chậm hơn nhưng làm kỹ hơn, “nhuyễn đất tốt lúa” - câu tục ngữ này luôn đúng trong hoàn cảnh những mảnh ruộng có trâu làm đất. Ông Nguyễn Phụ, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Châu cho biết: “Cả xã giờ chỉ còn 34 con trâu.
 
Người nông dân không còn mặn mà với chuyện nuôi trâu, dù con trâu đóng vai trò rất quan trọng trong khâu làm đất, bừa trước khi gieo sạ. Trâu chỉ cần bừa 1 công ruộng trong 10 - 15 phút, nhưng nếu 2 người dùng sức để lăn đất thì mất ít nhất là 1 buổi. Xã vẫn động viên nông dân nuôi trâu phục vụ sản xuất nhưng chẳng mấy gia đình nghe theo. Trâu ít vì thế cũng ảnh hưởng rất lớn đến lịch gieo sạ”.

Trâu ít và hiếm dần trên đồng ruộng, thậm chí có làng chẳng còn trâu, khi đất sản xuất ngày càng bị thu hẹp. Dự án nam cầu Cẩm Lệ thuộc thôn Cẩm Nam, Bàu Cầu của Hòa Châu, người dân đã bán hết trâu. Hòa Châu năm 2003 có 410 ha đất nông nghiệp, hiện nay còn 302 ha và dự kiến đến năm 2010 chỉ còn 240 ha. Phường Hòa Hiệp Nam, đất cho khu công nghiệp cũng ăn dần vào đất ruộng của nông dân. Còn bà con phường Hòa Quý không biết 320 ha đất ruộng bao giờ giao một phần cho dự án sân golf...

Nước mắt của... trâu

Anh Lê Đức Phước vẫn còn ngậm ngùi khi kể về con trâu “đầu cơ nghiệp” của mình. Năm 21 tuổi anh bắt đầu ra riêng, cha cho anh con trâu duy nhất của ông bởi 8 anh em trong nhà, mỗi mình anh theo nghiệp cha - làm ruộng. Con trâu trước đó đã là bạn thân của anh suốt nhiều năm anh phụ cha chăn dắt. Nó theo anh Phước về nhà mới, cày bừa, làm lụng gần 20 năm. Đến khi trâu già sức yếu, không thể cày ruộng được nữa, anh Phước quyết định kêu người bán dù cảm thấy rất tiếc, vì nuôi nó trong nhà đã lâu, anh xem trâu như một thành viên của gia đình.
 
Anh kể: “Khi nói bán hoặc đổi cho một chủ trâu khác, sáng mô ra dắt hắn đi ăn cỏ, thấy nước mắt hắn chảy miết. Thương lắm, nhưng cực chẳng đã...”- anh Phước buông lửng câu nói. 10 ngày kêu người xem trâu là chừng ấy thời gian thấy trâu chảy nước mắt, không chỉ anh Phước mà hầu như các chủ trâu rơi vào cảnh đó đều cảm thấy như có lỗi với con vật đã cùng với mình đồng cam cộng khổ. Rất nhiều nông dân đồng trên xóm dưới, ai cũng thấy thương con trâu già đã bán đi khi nó không còn sức lao động.

Biết là sau khi về với chủ mới, nó không làm việc mà được hóa kiếp sang một thế giới khác. Thế giới ấy nó có cày bừa hay không, không ai biết được. Nhưng người nông dân nào cũng thầm cảm ơn con trâu đã theo mình trong nhiều năm, cùng chung lưng đấu cật làm ra hạt lúa, củ khoai nuôi sống bao người.

Nước mắt của trâu hay nỗi lòng của con người?

***

Trong tác phẩm Sống của nhà văn Dư Hoa có đoạn: “Con trâu già cày ruộng đã thấm mệt, nó cứ cúi gằm đầu xuống đứng ì tại chỗ. Ông già lưng trần cầm cày ở đằng sau, hình như bất bình trước thái độ lì lợm của con trâu. Tôi nghe rõ cái giọng sang sảng của ông nói với nó: Làm thân con trâu thì phải kéo cày, làm thân con chó thì phải giữ nhà, làm ông hòa thượng thì phải đi xin của bố thí, làm thân con gà sống thì phải gáy sáng, làm thân đàn bà thì phải dệt cửi. Thử hỏi có con trâu nào không phải kéo cày? Cái lý này có từ ngày xửa ngày xưa. Đi! Đi nào! Sau khi nghe ông già nói vậy, hình như con trâu già mệt mỏi đã biết sai. Nó ngẩng đầu kéo cái cày đi lên phía trước”.

Và con trâu ấy chỉ có một tên gọi - Phú Quý (cũng là tên của ông lão – P.V), nhưng ông gọi nó bằng rất nhiều cái tên: Nhị Hỷ, Hữu Khánh, Gia Trân, Phượng Hà, Khổ Căn - tên những người thân đã mất của ông. Và ông giải thích rằng “Tôi sợ nó biết chỉ có mình nó kéo cày, nên đã gọi ra vài cái tên để đánh lừa nó. Nghe thấy còn có những con trâu khác cũng đang kéo cày, nó sẽ vui lên, kéo khỏe hơn”.

Con trâu trong tác phẩm văn học có một cái tên. Còn những con trâu trên đồng ruộng Việt Nam không hề có một tên riêng nào dù nó đi vào thơ, văn, ca dao, tục ngữ như một biểu trưng gắn bó với người nông dân. Dù không có tên, nhưng nó vẫn là mối lương duyên để con người nhắc đến, tri ân...

Hoàng Nhung

;
.
.
.
.
.