.

Lúa ơi, bỏ thì thương, vương thì nặng!

.

Giá phân bón từ đầu năm tới nay cứ tăng vèo vèo, công cày, cấy, tuốt, gặt… cũng vọt theo. Nông dân lâm vào cảnh bỏ lúa không đành, mà tiếp tục bám ruộng thì lao đao…

Giá lúa không chịu tăng theo giá phân

Giá phân bón cao, nông dân lo lắng.
“Mới mua chục kg phân cách đây mấy ngày, bữa ni mua lại đã thấy tăng. Tăng miết ri tụi tui chịu răng thấu!”, bà Trần Thị Kháy (tổ 9 Xuân Thiều, Hòa Hiệp Nam, Liên Chiểu) than vãn. Phân urê, phân lân, kali... loại gì cũng cao hơn năm ngoái gần gấp đôi, nên chỉ riêng tiền phân, mỗi sào ruộng đã “ngốn” hết hơn 300.000 đồng. Đã vậy, những thứ khác cũng “chiếu” theo phân mà hè nhau “nhảy”: Công gặt, cấy, trâu cày, máy tuốt... đều tăng từ 10.000 -70.000 đồng. Trừ hết chi phí, sau vụ mùa, lúa thu hoạch được trên mỗi sào ruộng chưa tới 1,5 triệu đồng.

Như vậy, sau 3 tháng ròng rã “trên đồng cạn, dưới đồng sâu”, nông dân chỉ còn vài ba ang lúa (1 ang = 30 lon đong gạo). Thay vì mua cả bao phân 50kg như trước kia, giờ bà Phan Thị Thơ (đội 6 Tây An, Hòa Châu, Hòa Vang) chỉ mua chừng chừng 15kg, vãi hết đợt này lại chạy vạy, vay mượn mua đợt khác. Không hiếm những nông dân mua phân theo kiểu “gối đầu”: Mua chịu ở nhà buôn, rồi cuối vụ đong lúa trả.
 
“Có khi cứ trả - vay, vay - trả, đến cuối mùa không còn hột lúa, lại tiếp tục đi mượn tiền ăn, rồi lại bán lúa trả, miết miết rứa”, bà Phạm Thị Tịnh (đội 1 Tây An, Hòa Châu, Hòa Vang) cười buồn. Theo họ, giá lúa gạo phải tăng cùng giá phân mới có lời có lãi, bởi hiện nay giá lúa tuy cao hơn trước, nhưng chỉ tăng khoảng 25%, trong khi đó, giá phân lại tăng gấp đôi, gấp ba lần.

“Bỏ thì thương, vương thì nặng”

Vì giá phân và mọi chi phí sản xuất đều tăng cao, một số nông dân cam lòng bỏ ruộng hoang, hoặc trồng thêm rau xanh để tăng thu nhập.


Giá phân và mọi thứ chi phí sản xuất đều tăng vùn vụt, một số hộ phải cam lòng bỏ ruộng hoang, kiếm việc thu đổi ve chai, hoặc làm công nhân kiếm sống. “Hồi trước tui có 3 sào ruộng thôi, nhưng ông kia cho tui thêm 2 sào  nữa, vì ổng chịu tiền phân không xiết. Mấy đứa con ổng chừ làm công nhân hết. Đồ chi cũng mắc, họ để tiền buôn bán, làm việc ni việc nọ sướng hơn, chứ làm ruộng chi”, bà Kháy cho biết. Người bám ruộng, bám vườn thì tìm mọi cách để giảm chi phí, kể cả... ngưng bón phân “xịn”.

Nhiều nông dân ở khu vực Hòa Châu mới vãi thử phân NPK hạng thường ở vụ hè thu này: “Loại phân ni làm lúa lép, lá ra nhiều, nhưng bà con tui cũng vãi coi thử răng, phân mắc quá chịu không nổi”. Bón dặm thêm nhiều phân chuồng, phân xanh đang là giải pháp “chữa cháy” của nông dân. Theo bà Kháy, cây để làm phân xanh lấy trên núi không còn nhiều như trước, nên số phân “tự chế” để bón ruộng cũng không là bao. Có người chuyển qua trồng thêm rau xanh, vì “trồng rau có ăn hơn, chứ chỉ chuyên trồng lúa thì chết ngắc”. Tuy vậy, “do rau lúc này được mùa, giá giảm, cứ tính 10.000 đồng rau bán ra, thì hơn phân nửa tiền là phân bón và các chi phí khác, lời lãi không nhiều”, cô Lê Thị Tiến (tổ 7 Xuân Thiều, Hòa Hiệp Nam, Liên Chiểu) lắc đầu.

Trông trời, trông đất, trông... phân

Trong hàng trăm mong ước của nhà nông, có lẽ sự trông đợi nhất vào lúc này là: Giá phân giảm. “Mong hỗ trợ thì bao nhiêu cho vừa, tụi tui chỉ mong Nhà nước làm răng cho giá phân xuống, kiếm được hột lúa ăn qua ngày, giữ được ruộng đồng”, bà Tịnh nói. Trước tình hình khó khăn của nông dân, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP. Đà Nẵng, ông Đặng Công Thắng cũng đề xuất: “Thành phố cần hỗ trợ giá phân bón; đầu tư cơ sở vật chất, giảm đóng góp của nông dân trong xây dựng các công trình phục vụ nông nghiệp và chuyển giao khoa học-kỹ thuật cho nông dân để tăng năng suất. Hiện nay, ngư dân đã được hỗ trợ xăng dầu, thì nông dân cũng cần được hỗ trợ khoản đó cho máy cày, máy tuốt... may ra chi phí sản xuất của nông dân mới giảm phần nào”.

Theo ông, chỉ có như vậy mới khuyến khích được nông dân tiếp tục duy trì sản xuất, bảo đảm lương thực, thực phẩm cung cấp cho Đà Nẵng, góp phần giảm lạm phát. Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, một cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng cho hay, Sở cũng đang chờ chủ trương hỗ trợ thống nhất từ Trung ương.

 
Theo tính toán của nhà nông:

300.000 đồng (phân) + 100.000 đồng (công cày) + 150.000 đồng (công cấy) + 150.000 đồng (công gặt) + 25.000 đồng (công tuốt)= 725.000 đồng, thêm tiền thuốc trừ sâu, diệt cỏ, diệt chuột và vài thứ khác nữa, chi phí cho mỗi sào ruộng gần cả triệu bạc.
 
Trong khi đó, nếu trúng mùa, nông dân được “cao tay” là 2 thùng thóc khoảng 2,2 tạ. Với giá thóc khoảng 6.000 đồng/kg như hiện nay, số tiền thu được: 220 x 6.000 = 1.320.000 đồng/1 sào ruộng.

 

Bài và ảnh: HẰNG VANG

;
.
.
.
.
.