Những ngày vào vụ mùa biển năm nay, ông Nguyễn Duy Thành ở tổ 39, khu vực Đông Hải, phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) lại mua thêm một tay lưới mới trị giá 1,5 triệu đồng. Ông ngồi mắc lưới mới trong nhà mà thắc thỏm không yên vì chuyện giải tỏa, quy hoạch đã như bóng nắng, lăn tận vô hiên rồi.
Đất nhà ông trong sổ đỏ có diện tích 520 mét vuông, được thông báo đền bù với giá 350 nghìn mỗi mét vuông; vị chi số tiền nhận đền bù được khoảng 180 triệu đồng.
Ngư dân Nguyễn Duy Thành móc tay lưới mới... |
“Gia đình tui bám biển gần 30 năm nay, tiền kiếm ăn từ biển thì vô chừng, có tháng được vài ba triệu nhưng cũng có bữa về tay không. Nhưng dứt nó ra thì làm chi, vì tuổi của tụi tui thì cũng 50 trở lên hết rồi; chữ nghĩa không có, học nghề thì chắc càng không. Sức lao động thì còn mà chẳng lẽ lên bờ ngồi bó tay ngóng biển?” - Ông Thành trăn trở.
Ông Thành cho biết, trong tổng số 52 hộ ở tổ ông, có đến hơn một nửa là làm nghề biển, cộng thêm thu nhập từ chăn nuôi heo, gà... do có đất vườn, nên thu nhập cũng kha khá. Bây giờ, chấp nhận giải tỏa để thực hiện chủ trương quy hoạch, phát triển của thành phố, 60 hộ ở tổ 39 cũng như các tổ 10, 49, 48, 38, 45 trên địa bàn phường Hòa Hải chỉ có một nguyện vọng tha thiết được đề đạt với các cấp, là quy hoạch đất ven biển làm gì thì làm, cũng phải chừa cho họ một lối “mưu sinh”-đó là chỗ để ngư lưới cụ và phương tiện đi biển, để hằng ngày họ được bám biển mà nuôi sống gia đình khi đến nơi ở mới.
Mà nơi ở mới cũng cần phải tổ chức như thế nào cho hợp lý, chứ đừng để họ phải “quạt bánh tráng bán giữa đường” như ngư dân Đà Nẵng, Quảng Nam dọc tuyến ven biển Sơn Trà-Điện Ngọc. Ông Thành tâm sự: Chỉ còn lớp tụi tui là không biết chuyển sang nghề chi, chứ thế hệ sau này cũng như phụ nữ trung niên, đã chuyển sang các nghề khác rồi. Ngay như các con ông, xấp xỉ 25-30 tuổi, đã có nghề lái xe, làm đá mỹ nghệ, chứ không còn tơ tưởng đến chuyện bám biển ăn ven bờ nữa.
... trong khi các dự án ven biển đang tiếp tục mọc lên. |
Thứ nhất, là chuyện giải quyết làm sao để 60 hộ dân với khoảng 100 nhân khẩu ở các khu vực trên còn cơ hội để bám biển mưu sinh, vì họ không thể chuyển đổi ngành nghề gì được nữa. Thứ hai, là phải chừa ra khoảng 3-4 bãi tắm cho dân, mỗi bãi ít nhất cũng 300 đến 500 mét, để người dân còn được thụ hưởng những nhu cầu chính đáng của mình”. Lãnh đạo phường Hòa Hải cũng thể hiện sự trăn trở trước việc giải quyết những vấn đề xã hội “hậu” giải tỏa sau 5-10 năm nữa; bởi trước mắt, việc chuyển đổi ngành nghề là rất khó khăn, hầu hết chỉ mới được hỗ trợ chuyển sang buôn bán nhỏ.
Việc thu hút lao động địa phương của các dự án du lịch được dự báo là rất thấp, vì trình độ của người dân ở đây khó đáp ứng được các tiêu chuẩn lao động. “Vì vậy, chúng tôi đề nghị cần có một chiến lược lâu dài và các giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ hơn để giảm bớt những gánh nặng xã hội của vấn đề “hậu” giải tỏa, đền bù, tái định cư!” - Ông Hiền nhìn nhận như vậy.
Bài và ảnh: NGUYỄN THÀNH