.

Niềm vui của ngư dân Hòa Hiệp Nam

.

“Ngày trước đi biển đơn thương độc mã, có chết cũng không ai biết, nhưng bây giờ ra đi có tổ có nhóm không lo nhiều nữa. Nhưng điều làm tôi mừng nhất là những phương tiện có công suất nhỏ của tụi tôi cũng được đăng kiểm, được bảo hộ và hoạt động tự do nên chắc chắn sẽ làm ăn hiệu quả hơn nhiều”. 

Thuyền và biển là nhà

Thời gian qua, do giá cả tăng cao, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, đặc biệt là sau cơn bão Xangsane đã khiến cho nhiều ngư dân gặp khó khăn trong cuộc sống cũng như việc hành nghề. Sự khắc nghiệt của nghề đi biển đã khiến nhiều ngư dân ở phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu) phải từ giã nghề truyền thống để chuyển sang những công việc mới.
 
Bác Bùi Văn Hiệp, một ngư dân ở đây buồn bã nói: “Tôi đi biển được 20 năm rồi. Với tụi tôi thuyền và biển chẳng khác gì nhà mình. 20 năm qua nó đã nuôi sống gia đình tôi, nhưng chừ thuyền không chạy được vì không mua nổi dầu, biển không ra xa được vì không đủ trang thiết bị bảo hộ an toàn. Bây chừ tôi đi làm phụ hồ cùng 2 đứa con trai lớn. Nhớ thuyền, nhớ biển lắm nhưng cũng đành phụ lòng vì còn phải kiếm tiền nuôi vợ, nuôi con nữa”.
 

Những chiếc  thúng, mành, rớ được đánh số đăng kiểm và được bảo hộ sẽ giúp cho bác Huỳnh Dũng Sĩ và nhiều ngư dân khác ở phường Hòa Hiệp Nam đi biển an toàn và làm ăn hiệu quả hơn.


Cùng trăn trở như bác Hiệp, chị Ngô Thị Xuân, 35 tuổi hiện đang bán vé số dạo trên thành phố cho biết, chị đã cùng chồng đeo đuổi nghề chài lưới hơn 10 năm nhưng nay cũng phải bỏ nghề vì không kiếm đủ tiền nuôi 3 đứa con nhỏ đi học. Đối với người đi biển, phải bỏ nghề là một việc làm bất đắc dĩ, nhưng trong tình hình như hiện nay đó là một việc bất khả kháng. Tuy nhiên, nói là bỏ nghề nhưng khi được hỏi, bác Hiệp vẫn tin tưởng: “Nếu tình hình thay đổi tốt hơn, tôi nhất định sẽ quay về. Đi đâu cũng không bằng “nhà” mình mà”.

Sự tin tưởng và mong đợi đó của bác Hiệp đã phần nào trở thành hiện thực khi đầu tháng 6 vừa qua, được sự hỗ trợ của UBND thành phố và Bộ Chỉ huy Biên phòng thành phố, UBND phường Hòa Hiệp Nam phối hợp cùng Đồn Biên phòng 244 đã xây dựng và chính thức đưa vào hoạt động đội tàu thuyền tự quản đánh bắt an toàn.

Niềm vui được tiếp tục ra khơi

Trước thực tế ngư dân đang gác thuyền nằm nhà, thực hiện Chỉ thị 34 của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, toàn phường Hòa Hiệp Nam đã thành lập 10 tổ tự quản với 230 phương tiện, trong đó nghề mành điện có 12 phương tiện, nghề rớ 80 phương tiện, thúng máy 8 tổ với 110 phương tiện. Đặc biệt, bắt đầu từ năm 2008 này, cùng với các phường ven biển trên toàn thành phố, Hòa Hiệp Nam tiến hành đánh số đăng kiểm cho tất cả các loại phương tiện tham gia đánh bắt hải sản như: thuyền, thuyền máy, thúng, mành, rớ.

Nếu như trước đây chỉ những phương tiện công suất từ 20CV  trở lên mới được đăng kiểm và cho vào tổ hoạt động thì nay, kể cả những phương tiện có từ 8CV trở xuống như mành, rớ cũng được vào tổ. Bác Huỳnh Dũng Sĩ, ở Nam Ô 2 phấn khởi nói: “Ngày trước đi biển đơn thương độc mã, có chết cũng không ai biết, nhưng bây giờ ra đi có tổ có nhóm không lo nhiều nữa. Nhưng điều làm tôi mừng nhất là những phương tiện có công suất nhỏ của tụi tôi cũng được đăng kiểm, được bảo hộ và hoạt động tự do nên chắc chắn sẽ làm ăn hiệu quả hơn nhiều”.

Với việc hoạt động theo tổ không chỉ giúp ngư dân phường Hòa Hiệp Nam bảo đảm an toàn khi đi biển mà còn được vay vốn từ nguồn quỹ 120 để giải quyết việc làm, hỗ trợ sản xuất. Bên cạnh đó, một trong những vấn đề gây trở ngại cho hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân ở Hòa Hiệp Nam đang cần được giải quyết, đó là hệ thống thông tin liên lạc trên biển. Từ trước đến nay, hoạt động của hệ thống này rất yếu, gây nhiều khó khăn trong việc liên lạc vào đất liền khi có việc khẩn cấp xảy ra cần được giúp đỡ.
 
Trong vấn đề này, nguyên nhân không  hoàn toàn nằm ở khâu quản lý mà một phần là ở phía người dân. Mặc dù là những người phải gánh chịu trực tiếp và nặng nề nhất những hậu quả do bão lũ gây ra, nhưng những ngư dân này hầu như không mấy quan tâm đến việc đầu tư cho phương tiện của mình trong lúc hành nghề. Ông Bùi Văn Quốc, Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Nam cho biết: “Từ trước đến nay, ngư dân ở Hòa Hiệp Nam không tổ chức đánh bắt xa bờ do điều kiện phương tiện không cho phép, chủ yếu đánh bắt gần bờ từ mũi Hòn Lan (giáp huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) đến khe Phú Lộc (giáp quận Thanh Khê) nên sản lượng ít và chất lượng hải sản không cao. Năm nay, chúng tôi hy vọng với những đổi mới về trang thiết bị sẽ giúp người dân đi biển an toàn và đánh bắt hiệu quả hơn”.
 
Để khắc phục hạn chế về thông tin, liên lạc, phường Hòa Hiệp Nam đã kết hợp cùng Đồn Biên phòng 244 lắp đặt hệ thống thông tin liên lạc xa bờ nhằm bảo đảm cho việc ứng cứu kịp thời khi có sự cố trên biển; trong đó, mỗi tổ sẽ có một mật mã riêng để bảo đảm tính bí mật trong việc đánh bắt. Công tác này khi làm tốt sẽ giúp ngư dân yên tâm mở rộng vùng đánh bắt. Mong rằng một làn gió mới sẽ đem đến cho ngư dân Hòa Hiệp Nam những mẻ lưới đầy cá và một không khí tươi sáng hơn sau một thời gian khá chìm lặng vì bão giá, bão lụt.

Bài và ảnh: KHÁNH HÒA

;
.
.
.
.
.