.

Xoay xở thời tăng giá

.

Trong câu chuyện ngụ ngôn “Rùa và Thỏ”, rùa biết mình chậm chạp nên cứ kiên nhẫn từng bước để rồi về đích trước thỏ hồi nào không hay. Thế  nhưng, “chú rùa” - đồng lương ngày nay dù cố gắng, nhẫn nại cỡ nào vẫn dường như đuối sức trước “chú thỏ” - giá cả trong cuộc đua không cân sức.

Mua các mặt hàng phục vụ cho việc ăn uống hằng ngày cũng trở thành vấn đề nan giải đối với những người chỉ có thể chi tiêu trong khuôn khổ của đồng lương.


Sau 30 tháng 6, Chính phủ sẽ có lộ trình điều chỉnh giá cả. Những người đang sống nhờ vào đồng lương lại thêm một phen thắc thỏm. Bởi chưa gì, một số nơi đã rậm rịch chờ “làm giá mới”. Đầu năm 2008, Chính phủ đã có đợt tăng lương cơ bản (tăng 20% đối với doanh nghiệp trong nước và 15% đối với doanh nghiệp FDI). Theo kế hoạch, mỗi năm sẽ có một đợt tăng lương mới để phù hợp với giá cả thị trường.

Thế nhưng trên thực tế, vật giá mỗi ngày mỗi tăng nên việc tăng lương chưa thể tương xứng. Từ sau tháng 4 đến nay, kết quả kiểm tra của đoàn kiểm tra kiểm soát liên ngành giá cả thị trường thành phố Đà Nẵng cho thấy, hầu hết các mặt hàng thiết yếu đều tăng giá qua từng thời điểm (lần sau tăng cao hơn so với lần kiểm tra trước), rất hiếm khi gặp trường hợp không tăng giá. Câu chuyện của một gia đình mà cả bố mẹ, con cái, dâu rể đều sống dựa vào đồng lương giống như một xã hội thu nhỏ đang tự xoay xở, vật lộn để cùng nhau tồn tại trong thời điểm
bão giá.

“Đừng nói tới thịt!”

 
Bà Dung tính:

 “Ra Tết đến nay, cái gì cũng lên ít nhất là 50% đến 100%. Gạo từ 7.000 đồng/kg lên 13.000 đồng/kg; gas: 200.000 đồng/bình 13kg lên 300.000 đồng/bình 13kg; rau muống: 1.000 đồng/bó lên 2.000 đồng/bó; muối: 1.000 đồng/gói 250 gram lên 2.500 đồng/gói; dầu lửa: 10.000 đồng/lít lên 15.000 đồng/lít”.

 
Bởi thịt heo tăng từ 40.000 đồng/kg lên 60.000 đồng/kg rồi 80.000 đồng/kg. Kiểu nhảy vọt này khiến những người trông chờ hoàn toàn vào lương hưu như bà Nguyễn Thị Dung (136, Dũng Sĩ Thanh Khê, quận Thanh Khê) “tối mắt” và cách tốt nhất là… tránh xa các quầy thịt mỗi khi ra chợ. Là thương binh loại 3, nghỉ lao động mất sức, lương hưu của bà Nguyễn Thị Dung hiện  800.000 đồng/tháng (chỉ nhận được chế độ mất sức nhưng không nhận được chế độ dành cho thương binh). Cộng cả 1.550.000 đồng/tháng lương của chồng bà (hiện là Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường), vị chi một tháng bà Dung cầm trên tay 2,3 triệu. Bà Dung nói: “Hết sức vất vả”.

Việc đầu tiên sau khi nhận lương về, bà Dung nhanh chóng đong cho đầy gạo. Sau đó trả các khoản gas, điện, nước, điện thoại. “Còn lại chừng nào sẽ gói gém chừng đó”. Sức khỏe yếu nhưng từ ngày giá cả leo thang, bà Dung thường xuyên tiết kiệm bằng cách nhịn ăn sáng. Lắm khi bà thấy bất lực trước sự nhỏ bé của đồng tiền có được và những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống.

“Làm sao giữ cho được giá cả”


Ông Tạ Châu Sơn, chồng bà Dung trăn trở: “Lương tăng mấy cũng khó kịp. Quan trọng là Nhà nước phải giữ cho được giá cả để bình ổn thị trường. Mặt hàng thiết yếu tăng ghê quá”. Ông Sơn còn cho biết: “Nhiều công chức trẻ đã ra đi sau khi được Đảng ủy bỏ tiền cho học bồi dưỡng, nhưng khó trách họ. Bởi lương cán bộ xã, phường chưa đầy một triệu đồng làm sao sống nổi trong thời buổi này”. Ngay cả các con của ông Sơn, người lương cao nhất được 1,5 triệu đồng/tháng (giáo viên cấp 2), người trung bình được 600.000 đồng/tháng đến 700.000 đồng/tháng nên chỉ còn cách “núp bóng cha mẹ”. Với những cặp vợ chồng công chức trẻ có con nhỏ, quả thật bài toán kinh tế gia đình không thể có cách giải nào khả thi hơn việc “ưu tiên mua sữa cho con trước, sau đó ra sao thì ra!”.

Bài và ảnh: THU HOA

;
.
.
.
.
.