.

Một năm sau tuần lễ EWEC

.

Một năm trước, từ ngày 27-8 đến 1-9-2007, theo sáng kiến của TP. Đà Nẵng, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tổ chức sự kiện “Tuần lễ Hành lang Kinh tế Đông Tây” - gọi tắt là “Tuần lễ EWEC”. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đã chủ trì sự kiện này cùng với sự có mặt của đại diện Chính phủ các quốc gia và địa phương dọc EWEC (Việt Nam, Lào, Thái Lan và Myanmar) và đại diện các đối tác từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ..., các tổ chức như ADB, JETRO, JBIC, JICA...

Làm thủ tục nhập cảnh vào Thái Lan nhanh hơn các cửa khẩu Lào và Việt Nam

Một trong những hoạt động trọng tâm của Tuần lễ này là “Diễn đàn Đầu tư-Thương mại-Du lịch EWEC”. Tại Diễn đàn, nhiều vấn đề mà chính quyền và các doanh nghiệp trong khu vực quan tâm đã được thảo luận là môi trường chính sách để thúc đẩy đầu tư, thương mại, du lịch tại Hành lang Kinh tế Đông-Tây, tổng quan chính sách hợp tác tiểu vùng của Việt Nam, phát triển EWEC trong tổng thể Quy hoạch tiểu vùng GMS và khả năng hỗ trợ của ADB, khả năng tiếp tục hỗ trợ của JBIC cho các dự án EWEC trong tương lai ngắn hạn và dài hạn, khả năng đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào EWEC, gắn kết quy hoạch phát triển của các địa phương với EWEC, hợp tác kinh tế giữa các tỉnh EWEC...

Một trong những phát biểu đáng chú ý và được sự đồng tình rất lớn tại Diễn đàn là ý kiến của Thứ trưởng Bộ Tài chính Thái Lan Sommai Phasee, khi ông nói: “Để phát triển du lịch, thương mại trên EWEC, bên cạnh nỗ lực phát triển cơ sở hạ tầng, các Chính phủ cần có những cơ chế, chính sách để tạo ra một hành lang ít thủ tục qua biên giới, xây dựng các kho bãi tập kết hàng hóa dọc tuyến...

Đặc biệt, các nước cần kết hợp chặt chẽ để nâng cao tiêu chuẩn giao thông xuyên quốc gia; có tiêu chuẩn thực phẩm tốt để EWEC trở thành điểm cung cấp lương thực quan trọng cho khu vực; thông qua các chiến lược chung về du lịch như xây dựng tour du lịch trọn gói, xây dựng tuyến điểm du lịch... Để biến EWEC thực sự trở thành hành lang kết nối chặt chẽ về kinh tế, doanh nghiệp khu vực tư nhân đóng vai trò rất quan trọng.

Các Chính phủ cần thu hút thêm sự tham gia của các doanh nghiệp trong khu vực và quốc tế, các dự án đầu tư có thể tạo sức bật cho cả vùng... Muốn vậy, chúng ta cần phải có các chính sách thật sự thông thoáng và hấp dẫn!”. Ý kiến này đã được ông Ayumi Konishi, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam chia sẻ. Ông Ayumi Konishi còn nhấn mạnh rằng: “Việt Nam giữ vai trò rất quan trọng. Ví dụ, Cảng Đà Nẵng có thể giữ vai trò như chiếc cổng phía Đông cho tuyến hành lang, nhờ đó các nước thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông có thể tiếp cận cảng nước sâu quan trọng này. Trong tương lai, Cảng Đà Nẵng có thể phát triển thành một trung tâm hàng hải khu vực quan trọng trên biển Thái Bình Dương...”.

Đúng một năm sau “Tuần lễ EWEC”, những kỳ vọng nêu trên đã được thực hiện đến đâu để biến một hành lang giao thông thành hành lang giao lưu kinh tế-thương mại và văn hóa giữa một vùng rộng lớn còn nghèo khó này? Ông Lương Minh Sâm, Giám đốc Sở Ngoại vụ Đà Nẵng trả lời câu hỏi này bằng một tổng kết khá hàm súc: “Tất cả mới chỉ là nhận thức, mặc dù các địa phương ai cũng sốt ruột! Cả các đối tác quốc tế như của Nhật Bản JETRO, JICA cũng rất sốt ruột!”.

Vì sao vậy? Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi đã có hai chuyến đi thực địa theo tuyến EWEC trong 2 năm qua và nhận thấy: Các tiêu chuẩn giao thông xuyên quốc gia, các dự án đầu tư tạo sức bật cho toàn vùng, chiến lược chung về du lịch và chính sách thật sự thông thoáng đã tiến triển hết sức chậm chạp! Xe tay lái nghịch và các quy định về kiểm soát giao thông, kiểm tra xuất nhập cảnh cho người và phương tiện... (tốc độ hạn chế, lệ phí cầu đường, biểu mẫu tờ khai không thống nhất, kể cả nạn mãi lộ) vẫn còn là câu chuyện dài về sự khác biệt giữa các nước, dẫn đến lãng phí cả thời gian và chi phí vận chuyển hành khách lẫn hàng hóa quá cảnh trên toàn tuyến.

Do vậy, vai trò của Cảng Đà Nẵng như một trung tâm hàng hải khu vực vẫn chỉ là mơ ước. Theo ông Nguyễn Thu, Tổng Giám đốc Cảng Đà Nẵng, nhiều doanh nhân kinh doanh dịch vụ logistic Thái Lan đã đi khảo sát toàn tuyến nhiều lần, nhưng không triển khai được bất cứ một công việc gì do những khác biệt như vậy. Chính vì lẽ đó, gần 8 triệu tấn hàng hóa xuất khẩu của vùng Đông Bắc Thái Lan hằng năm không thể qua cảng Đà Nẵng. Một công ty kinh doanh hải sản từ Đà Nẵng lập kế hoạch đưa hàng hóa sang tỉnh Khon Kaen để cung cấp cá cho cả vùng Đông Bắc Thái Lan cũng không triển khai được vì những khó khăn tương tự!

Hàng hoá qua lại cửa khẩu Lao Bảo phần lớn là hàng tiểu ngạch.

Về thương mại, theo số liệu của Sở Ngoại vụ Đà Nẵng, mặc dù thành phố này đã có 6 doanh nghiệp làm ăn tại Lào, 19 doanh nghiệp làm ăn với Thái Lan và 2 ở Myanmar, nhưng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu với 3 nước trên trong năm qua chưa đến 31 triệu USD. Con số đó trong 8 tháng đầu năm 2008 vẫn không có chuyển biến gì đáng kể. Trong lĩnh vực du lịch, thống kê tại cửa khẩu Lao Bảo trong 8 tháng qua cũng cho thấy không có dao động lớn về số du khách qua lại tại đây. Du khách Thái đến Việt Nam qua Lao Bảo trong 8 tháng là 92 ngàn lượt (giảm 4%) và du khách Việt đi Lào, Thái Lan là 25 ngàn (tăng 14% so với cùng kỳ)... Những con số thống kê đó, cho thấy khoảng cách giữa nhận thức và thực tiễn vẫn còn xa vời!

Được biết, trong đầu tháng 9 này một đoàn công tác cấp bộ của phía Việt Nam sẽ có chuyến đi dọc tuyến EWEC để đánh giá những tiến bộ và tồn tại sau một năm “Tuần lễ EWEC”. Đó là một công việc hết sức cần thiết. Nhưng theo tôi, các đánh giá cần được đặt trên cơ sở coi trọng các khuyến khích đối với khu vực tư nhân và tác động của những chính sách xuyên quốc gia đã mang lại lợi ích gì cho khu vực này trong thời gian qua.

Bởi khu vực tư nhân- như đánh giá của nhiều chuyên gia và nhận thấy trên thực tế- sẽ đóng vai trò quan trọng với sự phát triển giao lưu, cả về kinh tế thương mại và văn hóa, cho Hành lang Đông Tây trong tương lai. Một nhà đầu tư tư nhân tại Đà Nẵng mấy năm qua có làm ăn tại Lào nói với chúng tôi: Chi phí và thời gian do những khác biệt trong quản lý luôn làm nản lòng mọi nỗ lực làm ăn của họ! Có lẽ câu nói đó cần được các nhà quản lý và làm chính sách cho sự phát triển của EWEC quan tâm hơn nữa!

Hoàng Sa

;
.
.
.
.
.