Kinh tế hợp tác xã (HTX) thu hút đông nguồn lao động tham gia, nhất là khu vực nông thôn. Trong những năm qua, kinh tế HTX có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của thành phố. Nhưng thời gian gần đây, nhiều HTX hoạt động kém hiệu quả, ngày càng khó khăn nhưng vẫn chưa tìm ra phương án tháo gỡ.
HTX phát triển chậm, cầm chừng
Các HTX sản xuất vật liệu xây dựng còn khó khăn về nguồn vốn. |
Hiện nay, Đà Nẵng có 104 HTX, trong đó ngành công nghiệp-xây dựng có 45 HTX, ngành nông nghiệp có 25 HTX, thương mại và dịch vụ 34 HTX. Về cơ cấu nguồn vốn, HTX nông nghiệp có tổng nguồn vốn kinh doanh 30,1 tỷ đồng, doanh thu hằng năm đạt khoảng 18 tỷ đồng; HTX công nghiệp và xây dựng có tổng nguồn vốn kinh doanh 99,6 tỷ đồng, doanh thu hằng năm đạt khoảng 180 tỷ đồng; HTX thương mại và dịch vụ có tổng vốn kinh doanh 74,47 tỷ đồng. Có 42,31% HTX khá giỏi, 50,96% trung bình, 6,37% yếu kém. Phần lớn kinh tế HTX trong thời gian qua còn nhiều khó khăn, vướng mắc, quy mô phát triển không lớn, các HTX phát triển không đồng đều, chủ yếu phát triển về HTX công nghiệp-xây dựng, thương mại-dịch vụ.
Từ thực tế cho thấy, hiện nay chỉ có khoảng 10 HTX nông nghiệp sản xuất kinh doanh có hiệu quả do mạnh dạn đầu tư và mở rộng sản xuất kinh doanh như HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp Hòa Thọ đầu tư lò mổ gia súc, HTX dịch vụ sản xuất kinh doanh tổng hợp Hòa Tiến 2 đầu tư thêm lò mổ gia cầm, HTX sản xuất giống và nuôi trồng nấm An Hải Đông đầu tư công nghệ sản xuất nấm tẩm gia vị, HTX nông nghiệp Thanh Nhu thành công với dự án trồng hoa và cây cảnh phục vụ nhu cầu tiêu dùng ở thành thị và tiêu thụ trong ngày Tết. 15 HTX nông nghiệp còn lại do chưa chủ động trong sản xuất kinh doanh, hoạt động cầm chừng do thiếu vốn, quanh đi quẩn lại cũng chỉ là dịch vụ sản xuất nông nghiệp, cung cấp cây trồng, vật nuôi, sản xuất và nhân lúa giống... nên sản xuất kinh doanh trì trệ.
Đối với các HTX công nghiệp và dịch vụ thì sao? Nhìn chung các HTX này có đỡ hơn các HTX nông nghiệp nhưng tình hình sản xuất kinh doanh 2 năm trở lại đây ít được cải thiện! Với 45 HTX công nghiệp-xây dựng hiện nay, tổng nguồn vốn kinh doanh không vượt quá 120 tỷ đồng, doanh thu hằng năm khoảng 180 tỷ đồng, lợi nhuận hằng năm chưa tới 2 tỷ đồng.
Nguyên nhân chính dẫn đến loại hình HTX này hoạt động cầm chừng là do thiếu vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, do giá xăng dầu, vật tư, nguyên liệu biến động, trong khi đó giá bán sản phẩm ít thay đổi, dẫn đến không ít HTX công nghiệp sản xuất đình đốn, có đơn hàng nhưng không dám nhận do sợ lỗ vốn, điển hình nhất là các HTX sản xuất cơ khí và mây tre.
Các HTX bột giấy gặp khó khăn trong khâu thu mua giấy phế liệu do không được khấu trừ, nguồn bột giấy các HTX này phải tự tìm nên sản xuất kinh doanh không ổn định. Đối với các HTX xây dựng, nhất là các HTX sản xuất gạch tuy-nen, nhiều HTX không dám nhận tiền “đặt cọc” trước của khách hàng do giá than, dầu, nguyên liệu đất sét biến động hằng ngày trên thị trường. Các HTX xây dựng trong tình hình hiện nay, do vốn kinh doanh ít, trình độ kỹ thuật xây dựng không cao, thường được ví là “cần câu nhỏ” làm sao câu được “cá lớn”!
Đề án 38/BC-UB có là “liều thuốc” làm sống lại kinh tế HTX?
Thực ra, đối với kinh tế HTX, bên cạnh đào tạo nguồn nhân lực, quản lý và điều hành, đề ra chiến lược sản xuất kinh doanh khả thi, nguồn vốn để thúc đẩy kinh tế HTX phát triển là một yếu tố không kém phần quan trọng. Từ thực tế cho thấy, gần 10 năm qua, nhiều HTX chủ động sản xuất kinh doanh, mở rộng sản xuất là do huy động vốn từ nhiều nguồn và có định hướng sản xuất kinh doanh hợp lý. Tuy nhiên, dù có cố gắng đến đâu, kể cả cơ chế và chính sách vay vốn ngân hàng, tình trạng thiếu vốn của các HTX hiện nay đang là vấn đề báo động.
“Có bột mới gột nên hồ”, và Đề án 38/ BC-UB của UBND thành phố Đà Nẵng về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể” giai đoạn 2006-2015 nếu được thực thi và triển khai, sẽ là “liều thuốc” thúc đẩy kinh tế HTX phát triển. Thế nhưng tình hình thực hiện Đề án 38 như thế nào? Theo đề án, từ năm 2006 đến năm 2015, các Sở và các cơ quan có liên quan phối hợp với Liên minh HTX thành phố Đà Nẵng đẩy mạnh công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể, triển khai thực hiện cơ chế chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể; hỗ trợ, bồi dưỡng và đào tạo cán bộ quản lý HTX, hỗ trợ mặt bằng sản xuất, đất đai cho các HTX, chính sách về thuế và ưu đãi đầu tư, hỗ trợ về xúc tiến thương mại...
Trong đó, chính sách hỗ trợ tín dụng, khuyến nông, khuyến công của đề án chính là “liều thuốc” hồi sinh kinh tế HTX. Theo đề án: “Liên minh HTX phối hợp với các Sở, ngành, xây dựng đề án trình UBND thành phố phê duyệt việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển HTX theo quy định Luật HTX năm 2003, tạo điều kiện cho các HTX được tiếp cận nguồn vốn tín dụng của quỹ với điều kiện thuận lợi và ưu đãi nhằm đổi mới thiết bị, công nghệ, phương tiện vận tải, phát triển sản xuất kinh doanh”. Thế nhưng, tình hình triển khai đề án cho đến nay vẫn không mấy khả quan!
Kể từ khi Đề án 38 được điều chỉnh, bổ sung, từ văn bản đến thực tế còn là một khoảng cách xa vời, các Sở, ban ngành liên quan chưa thật sự quan tâm và mặn mà với kinh tế tập thể. Dẫn đến HTX trông chờ “nguồn vốn” từ chủ trương, chính sách thúc đẩy kinh tế HTX của thành phố. Bên cạnh sự chủ động, vươn lên của các HTX, từ nay đến năm 2015, nếu tình hình triển khai Đề án 38 không được cải thiện, kinh tế HTX liệu có được tháo gỡ?
Bài và ảnh: TRẦN MINH TUẤN