Giữ giá điện, than, nước sạch, vận chuyển công cộng luôn ở mức cố định; kiểm soát việc nâng giá hợp lý đối với các mặt hàng thiết yếu như thuốc tân dược, sữa, lương thực, vật liệu xây dựng... là các yêu cầu vừa được Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Phước Chính đưa ra tại buổi họp với các thành viên Ban Chỉ đạo 127 thành phố sáng hôm qua (12-8).
Không hiếm trường hợp “nước đục thả câu”
Giá sữa tăng từ 10-20% sau khi giá xăng tăng ngày 21-7. |
Qua 3 tháng kiểm tra trên nhiều mặt hàng thiết yếu, ông Nguyễn Nho Hậu, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành kiểm soát giá cả thị trường thành phố cho biết: “Các cuộc gọi phản ánh vào đường dây nóng của Chi cục Quản lý thị trường đều nhằm vào mặt hàng xăng dầu. Hầu hết các cơ sở kinh doanh xăng dầu đều vi phạm với các hình thức: nhân viên bơm xăng không đúng kỹ thuật, gian lận trong cân đong, gây thiệt hại cho khách hàng”.
Ngoài ra, nhiều mặt hàng lợi dụng giá xăng tăng để tăng giá bất hợp lý, đơn cử như tân dược tăng từ 7-78%, sữa từ 10-20%... Giá bán lẻ các mặt hàng dầu ăn, sữa tăng trước khi nhà cung cấp tăng giá. Thường trước khi chính thức tăng giá, công ty chủ đã điều nhân viên thị trường “mớm” thông tin cho các điểm bán lẻ để kích giá lên. Giám đốc Sở Công thương Phan Văn Kha cũng tỏ ra lo ngại khi nhiều cá nhân thừa lúc tình hình thị trường nhiều biến động tung tin đồn thất thiệt (như vụ gạo vào cuối tháng 4 và mới đây nhất là vụ xăng), gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng, ảnh hưởng đến đời sống chung và hoạt động sản xuất của toàn thành phố.
Không để giá tăng bất hợp lý
Để giá cả không tiếp tục leo thang làm khó cho nhân dân, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Phước Chính yêu cầu ngành Công thương phối hợp với các cơ quan liên quan (thuế, tài chính, y tế...) giữ giá điện, than, nước sạch, vận chuyển công cộng, không để tăng giá vì bất kỳ lý do nào. Đồng thời, Sở Tài chính, Cục Thuế tham khảo tình hình giá cả các địa phương khác, xin ý kiến của Bộ Tài chính để xây dựng một khung giá chung với mức tăng hợp lý đối với tân dược, sữa, lương thực, vật liệu xây dựng..., ngăn chặn việc “nước lên, thuyền lên mãi”.
Tuy nhiên, cần phải kiểm soát chặt chất lượng hàng hóa, không để doanh nghiệp sử dụng “tiểu xảo”: gian lận, giảm chất lượng hàng khi không tăng giá được như mong muốn. Ông cũng đề nghị khi có tin đồn thất thiệt, báo chí phải thông tin nhanh nhất các chủ trương bình ổn thị trường của thành phố và Chính phủ để ổn định tâm lý cho nhân dân, bởi việc tung tin ở Đà Nẵng - thành phố trung tâm của miền Trung, sẽ có sức lan tỏa lớn, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của cả vùng.
Các vấn đề khác liên quan đến sản xuất, đời sống của người dân như phân bón giả, vệ sinh an toàn thực phẩm trong Tết Trung thu, bán hàng có niêm yết giá... sẽ được Ban Chỉ đạo 127 thành phố tiếp tục kiểm soát trong thời gian tới.
Bài và ảnh: HẰNG VANG