.

Du lịch chữa bệnh

.

Ước tính, dân số châu Á sẽ tăng từ 3,2 tỷ năm 2002 lên 5,6 tỷ năm 2050. Cùng với việc tăng tuổi thọ và mức sống sẽ tạo ra nhu cầu lớn về chăm sóc sức khỏe có chất lượng tại khu vực trong thời gian tới.

Hiện nay, ngành du lịch chữa bệnh (DLCB) ở các nước đang phát triển hấp dẫn du khách các nước phát triển không chỉ vì chi phí thấp, kết quả chữa bệnh như nhau, mà nó còn tạo cho người bệnh cảm giác được chăm sóc tận tình, thân thiện. Hoạt động này đã ra doanh thu khoảng hơn 1 tỷ USD vào năm ngoái tại Thái Lan, Ấn Độ và Malaysia.

Đoàn khách Việt Nam chụp ảnh lưu niệm tại Bệnh viện Aek Udon.

Gần đây, Chính phủ Philippines đã phát động một chiến dịch toàn quốc dành một ngày trong tuần để khuếch trương DLCB nhằm chiếm thị phần trong ngành dịch vụ đang phát triển mạnh này với các dịch vụ nha khoa, phẫu thuật và các hình thức điều trị khác. Trong đó, chi phí phẫu thuật tại đây chỉ bằng khoảng một phần ba chi phí tại Hoa Kỳ. Tại Singapore, cách đây 5 năm, Cục Du lịch, Cục Phát triển kinh tế và Cục Đầu tư nước ngoài đã phối hợp thành lập cơ quan “Singapore – Medicine” nhằm phát triển nước này thành trung tâm chữa bệnh hàng đầu tại châu Á.

Năm 2002 đã có 210.000 du khách đến Singapore chữa bệnh; từ năm 2004 đến nay, con số này tăng 50%, đạt 320.000 lượt. Singapore không đặt ra mục tiêu giảm giá mà không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn của các y bác sĩ, áp dụng công nghệ y học tiên tiến và cải thiện môi trường y tế lành mạnh. Cục Du lịch  chủ trương kết hợp giữa các nhà cung cấp dịch vụ y tế và các công ty lữ hành để đưa ra sản phẩm du lịch trọn gói chăm sóc sức khỏe. Với chi phí y tế chỉ bằng một nửa của Mỹ, sức hút của Singapore là vị thế một nước phát triển, đáng tin cậy.

Là nước có chi phí chữa bệnh thấp nhất so với các nước hàng đầu về DLCB, Ấn Độ thu hút rất đông du khách cần đại phẫu với giá chỉ bằng 1/5 giá ở Mỹ. Ấn Độ có nhiều cơ sở y tế chuyên khoa với đội ngũ bác sĩ đào tạo tại Anh, Mỹ. Một số cơ sở chỉ nhận du khách đến mổ tim, một số khác chuyên thay các khớp. Lượng khách của họ phụ thuộc phần lớn vào các công ty lữ hành và đặc biệt vào mạng Internet. Tuy nhiên, các trung tâm y tế Ấn Độ không thể thu hút nhiều du khách bằng Singapore. Hay với cả Thái Lan, từ 10 năm nay, đã trở thành nhà vô địch về DLCB với tổng số khách lên đến 1,5 triệu người nước ngoài (năm 2007). Dịch vụ y tế ở đây hết sức đa dạng, từ khám bệnh tổng quát (75 USD) đến tiểu phẫu và đại phẫu. Khách được bảo đảm không phải xếp hàng chờ đợi, thời gian chờ một cuộc đại phẫu không quá hai tuần.

Bệnh viện Bangkok và bệnh viện quốc tế Bumrungrad chuyên tiếp khách DLCB có phân nửa bác sĩ  là người Thái được đào tạo hoặc tu nghiệp ở nước ngoài. Giá cả ở Thái Lan cao hơn Ấn Độ trung bình khoảng 20% nhưng rẻ hơn Singapore từ 30% đến 50%. Trong một lần tham quan đến tỉnh Udon Thaini gần đây, chúng tôi thật bất ngờ, khi được đưa đến Bệnh viện Aek Udon. Cứ mỗi người bước vào hàng rào danh dự đều được trực tiếp Giám đốc bệnh viện đeo vào cổ tay một vòng hoa may mắn. Trong tất cả các phòng ốc ghé qua, nơi nào cũng thấy những hình ảnh và cảm giác mới mẻ, bởi từ bệnh nhân đến bác sĩ, y tá đều luôn tươi cuời giống như một nơi chốn nghỉ ngơi thư giãn.

Loại hình DLCB còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Tour du lịch theo hình thức này, lần đầu tiên xuất hiện do GS Nguyễn Tài Thu, Thầy thuốc Nhân dân, nhà châm cứu nổi tiếng thế giới, phối hợp với các chuyên gia đông y tổ chức, với hai gói dịch vụ. Gói thứ nhất là du lịch lữ hành điều dưỡng - chăm sóc sức khỏe - châm cứu chữa bệnh. Gói thứ hai là chữa bệnh nội trú kết hợp dã ngoại. Các bác sĩ căn cứ bệnh lý của từng bệnh nhân để tổ chức nhóm điều trị tại các danh thắng mà phong thủy thích hợp với hiệu quả chữa trị. Hiện tại, Viện Châm cứu đã xây dựng được chương trình du lịch chữa bệnh cụ thể cho 56 loại bệnh lý hay gặp như đau lưng, rối loạn tiền đình, mất ngủ, đau đầu...

Ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc chương trình “Du lịch điều dưỡng” của Công ty Du lịch Phương Bắc nói rằng: “Nước ta đang trong giai đoạn hội nhập nền kinh tế quốc tế, do đó để bạn bè trên thế giới biết đến chúng ta nhiều hơn thì chính chúng ta phải tự quảng bá, giới thiệu mình với nước ngoài.

Vì vậy, khi chúng tôi và Viện Châm cứu Trung ương liên kết với nhau để mở ra loại hình du lịch này là mong muốn thông qua con đường du lịch, du khách quốc tế sẽ hiểu thêm về nền y học cổ truyền, mà ở đây là phương pháp chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh bằng châm cứu đầy kinh nghiệm của nước ta”. Với lợi thế là sự nồng hậu, mến khách của người Việt Nam và chi phí rẻ, hy vọng rằng trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ là điểm đến du lịch chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh ưa chuộng của du khách khu vực và quốc tế.

TRẦN TRUNG SÁNG

;
.
.
.
.
.