.

Vì sao tàu cá vẫn nằm bờ?

.

Đang mùa trời yên biển lặng mà ở Đà Nẵng tàu cá neo đậu đầy bến, nhiều nhất ở dọc phía đông sông Hàn. Không ít chiếc lưu cữu cả năm nay. Anh Lê Thanh Minh, ở tổ 7 phường An Hải Tây (Sơn Trà), người được thuê trông coi hơn 40 chiếc, chủ yếu là tàu câu mực khơi, cho hay: Số tàu này đậu bến cả năm trời, chiếc ít nhất gần 6 tháng, và phần lớn bị hư hỏng.

Tàu của ngư dân Sơn Trà đậu chật bến.

Có chiếc hư từ hồi bão Chanchu, chưa phục hồi. Nếu dầu không tăng, mực lá đại dương không rớt giá, chủ tàu đã sửa chữa từ lâu rồi. Đằng này, vừa kẹt vốn, vừa dầu tăng giá, mực ế ẩm, ngư dân bỏ tàu lên bờ tìm việc khác, chủ tàu không dám đầu tư sửa chữa. Trong số này, nhiều chiếc đang hô bán. Có chiếc chỉ 40-50 triệu đồng, trong khi cách đây vài năm ít nhất 250-300 triệu đồng.

Ông Võ Thiết, chủ tàu đồng thời là thuyền trưởng tàu ĐNa 6761, ở tổ 38 phường An Hải Tây, nói: “Hồi dầu tăng, tôi bỏ nghề giã cào, chuyển sang lồng mực, thế mà không ăn thua. Ở Hải Phòng mực lá 90 nghìn đồng/kg không bán, đưa về Đà Nẵng 60 nghìn đồng/kg. Tính ra chuyến vừa rồi lỗ cả chục triệu bạc. Ngư dân thuyết phục mấy cũng rời tàu tìm việc khác trên bờ”.
 
Theo ông, giá mực lá 85 nghìn đồng/kg trở lên mới có lãi. Chính sách hỗ trợ của Chính phủ cũng chỉ được phần nào. Làm nghề biển hiện nay khi về bến bán hết hải sản, tính đi tính lại bị lỗ, mấy ai gắn bó với nghề nữa. Tình hình này, tàu còn nằm bờ nhiều hơn.

Khu vực đậu tàu của ngư dân phường An Hải Bắc, Nại Hiên Đông, hàng trăm chiếc tàu neo đậu sát bờ kè, không một bóng người. Ít nhất 4-5 chiếc ghếch mũi vào bờ nằm trên cạn. Duy chỉ cha con ông Ngô Sắt ở An Hòa, An Hải Bắc, chủ tàu ĐNa 6285 loại 33CV là đang chuyển lương thực, thực phẩm xuống tàu chuẩn bị xuất bến. Hỏi ông sao đi biển chỉ 2 người, ông cho hay: “Tàu 6 người nhưng 4 người đã lên bờ tìm việc khác rồi. Cha con tôi liều ra biển một chuyến xem sao.
 

Nỗi buồn của ngư dân khi đánh bắt hải sản bị thua lỗ.

Làm nghề này cực lắm. Có tàu nằm bờ miết, không có tiền tiêu, ăn ngủ không yên, ra biển có khi lỗ tiền dầu”. Chỉ những chiếc tàu đang ghếch mũi vào bờ, ông cho hay: “Số đó coi như không nghĩ tới chuyện ra khơi nữa. Tính bán gần nửa năm nay nhưng chưa ai hỏi mua. Không ai mua, ít lâu nữa phải xả bản, để lâu hư hỏng hết”.

Có thể nói, chưa khi nào ngư dân Đà Nẵng gặp khó khăn như giai đoạn này. Nghề câu mực đang lâm vào tình thế nan giải do giá mực giảm từ 52 nghìn đồng/kg từ đầu năm xuống 25-27 nghìn đồng/kg hiện nay. Từ khi ở Tứ Xuyên (TQ) bị thảm họa động đất, việc tiêu thụ mực bị ách tắc, giá rẻ mà vẫn khó bán. Nhiều tàu câu mực chất lượng tốt vẫn phải nằm bờ do không có người đi biển. Bà Thái Thị Nga, chủ tàu câu mực ở Liên Chiểu buồn rầu cho hay: “Lĩnh được tiền hỗ trợ dầu của Nhà nước hơn 20 triệu đã mừng. Ai ngờ, giá mực giảm, đi biển thua lỗ, ngư dân bỏ đi hết. Nay chưa biết tính sao. Kiểu này chắc cũng phải thanh lý tàu”.

Từ những nguyên nhân trên nên sản lượng đánh bắt hải sản liên tục giảm, mặc dù thời tiết khá thuận lợi. Từ đầu năm đến nay, ngư dân toàn thành phố mới đánh bắt được 29.920 tấn, giảm 7,7% so cùng kỳ và chỉ đạt 72,7% kế hoạch năm.

Để hoạt động khai thác hải sản Đà Nẵng không đình trệ, chính quyền các cấp, cơ quan chủ quản sớm có chính sách hỗ trợ, khuyến khích ngư dân. Cần thiết nhất là cho vay vốn ưu đãi để sửa chữa tàu và chuyển đổi ngành nghề. Đối với tàu câu mực nên chuyển đổi sang nghề lưới vây, lưới cản.
                        
Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU

;
.
.
.
.
.