.

Lời giải nào cho thương mại - dịch vụ?

.

Được xác định là một quận trung tâm của thành phố, trong những năm qua, quận Thanh Khê đã có những bước phát triển khá tích cực. Kinh tế phát triển nhanh theo đúng cơ cấu: Thương mại-Dịch vụ (TM-DV), Công nghiệp (CN)-TTCN, Thủy sản. Nhưng việc phát triển nhanh về TM-DV đòi hỏi những lời giải cần thiết, không chỉ với quận mà cho cả thành phố.

Thương mại - dịch vụ phát triển mạnh cần có sự hoạch định và quản lý tốt hơn.

Theo báo cáo giữa nhiệm kỳ của Đảng bộ quận Thanh Khê, trong hơn 2 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của quận tăng bình quân 12% mỗi năm; trong đó TM-DV tăng 15% (trong “khung” của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận lần thứ IX đề ra là 14-16%). Sự tăng trưởng này đã đưa tỷ trọng của ngành TM-DV từ 48,22% vào cuối năm 2006 lên 49,08% vào giữa năm nay. Điều đó cho thấy, những dự báo chính xác, có khoa học và cách làm đúng đắn đã đưa tỷ trọng kinh tế của quận theo đúng định hướng.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ, sôi động của thành phố và quận, các loại hình TM-DV trên địa bàn Thanh Khê ngày càng xuất hiện đa dạng và đông đảo. Trong thời gian qua, quận đã tập trung đầu tư nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới các chợ: Phú Lộc, Tân Lập, Quán Hộ, Lầu Đèn… Cùng với đó, là sự ra đời của Trung tâm Thương mại Vĩnh Trung, với Đại siêu thị Big C, đã tạo nên sự sôi động và phong phú, để TM-DV của quận ngày càng hướng đến văn minh, hiện đại theo đúng tầm phát triển; đưa tổng mức lưu chuyển hàng hóa trung bình đạt 6 nghìn tỷ đồng.
 
Các loại hình DV tài chính, tín dụng, bưu chính-viễn thông, khách sạn, nhà hàng… liên tục xuất hiện cùng với chỉnh trang đô thị hiện đại; DV vận tải nhanh chóng ổn định và có những bước phát triển mới… Nhờ sự phát triển này, quận Thanh Khê đã mở rộng nguồn thu với các khoản thu đều vượt chỉ tiêu giao; cơ cấu thu có tiến bộ với số thu ngoài quốc doanh chiếm đến 60% tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn quận.

Để đạt được những bước phát triển đúng hướng này, bên cạnh những yếu tố khách quan đem lại, thì quận cũng chủ động trong việc đầu tư nâng cấp hạ tầng, chỉnh trang đô thị nhằm tạo điều kiện và tâm lý cho hoạt động TM-DV. Trên 200 công trình lớn, nhỏ được xây dựng với tổng mức vốn đầu tư trên 15 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công tác cải cách thủ tục hành chính, công khai, minh bạch thông tin, tạo môi trường thông thoáng cho phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã… tạo tiền đề cho phát triển TM-DV cũng luôn được chú trọng.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế, nhất là với tốc độ tăng trưởng bình quân 15% mỗi năm của ngành TM-DV, cũng đã bộc lộ những vấn đề cần quan tâm giải quyết ở quận Thanh Khê. Trước tiên, đó là vấn đề bị động trong việc quy hoạch, phát triển mạng lưới TM-DV trên địa bàn, mà đôi lúc đã vượt ra khỏi tầm tay của quận. Hay như việc quản lý, thu thuế đối với toàn bộ loại hình doanh nghiệp ngoài quốc doanh trên địa bàn (trừ các doanh nghiệp có yếu tố xuất nhập khẩu, hoàn thuế GTGT cao), đến nay vẫn chưa thực hiện đúng với tinh thần Kết luận 04-KL/TU của Ban Thường vụ Thành ủy sau cuộc làm việc với tập thể Ban Thường vụ Quận ủy Thanh Khê vào cuối tháng 8-2006… Điều này sẽ gây nên những lúng túng nhất định cho việc hoạch định phát triển TM-DV trên địa bàn.

Bên cạnh đó, là việc thiếu đội ngũ cán bộ có năng lực thực sự, từ việc lãnh đạo, quản lý đến triển khai thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách về phát triển TM-DV. Vì thế, những loại hình DV phục vụ cho phát triển thủy sản trên địa bàn vẫn chưa được chú trọng, ít nhiều gây ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành này. Tình trạng “hậu kiểm” trong kinh doanh TM-DV  vẫn còn diễn ra, nên có lúc không thể kiểm soát nổi việc đăng ký và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, cá nhân; dẫn đến tình trạng gian lận thương mại, kinh doanh trốn thuế… chưa được khắc phục triệt để; hiệu quả kinh doanh ở các chợ còn thấp so với nhu cầu…

Để giải quyết những vấn đề trên, không chỉ từ ở cấp quận và cơ sở, mà đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan, ban, ngành và sự hỗ trợ tích cực của thành phố.

Bài và ảnh: ANH QUÂN

;
.
.
.
.
.