.

Quảng cáo gây nhầm lẫn

.

Một trong những nội dung trong Nghị định số 55/2000/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do Chính phủ ban hành vào ngày 24-4-2008 có điểm: Cấm mọi hành vi quảng cáo, khuyến mại, trưng bày, giới thiệu sản phẩm và các hành vi khác gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về hàng hóa, dịch vụ.

Khi thiếu thông tin chính xác về sản phẩm, người tiêu dùng luôn bị thiệt thòi (ảnh minh họa)

Nghị định yêu cầu công khai niêm yết giá cả các loại hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm kinh doanh, nêu rõ trách nhiệm bảo hành hàng hóa, dịch vụ, bảo đảm an toàn, giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng. Đồng thời, đưa ra quy định về tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tổ chức này đại diện cho người tiêu dùng tiến hành khiếu nại tới tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; tố cáo tới cơ quan Nhà nước; khởi kiện ra tòa khi được người tiêu dùng ủy quyền.

Nhìn xa hơn, vào ngày 9-7, Nghị viện Liên minh châu Âu ở Strasbourg (Pháp) vừa thông qua quy định cấm các hãng hàng không quảng cáo bán vé giá rẻ mà chưa bao gồm các khoản thuế và các loại phí và phụ phí bắt buộc. Giá vé máy bay quảng cáo phải bao gồm các chi phí trên nhằm giúp hành khách nắm rõ giá vé thực sự.

Quy định này sẽ chính thức có hiệu lực vào cuối năm nay. Lâu nay, có nhiều hãng hàng không quảng cáo bán vé rẻ theo cách này làm cho khách hàng hiểu sai. Có hãng hàng không quảng cáo giá vé đi từ lục địa này qua lục địa khác chỉ 99 xu (33.000 đồng VN), tương đương giá một tờ báo, nhưng sau khi tính các khoản thuế và phí, hành khách phải trả đến 99 bảng (3,3 triệu đồng VN). Ủy ban châu Âu cho biết, có đến hơn 30% hành khách châu Âu mua vé máy bay qua mạng bị kiểu quảng cáo này đánh lừa.
 
Năm ngoái, Ủy ban này đã phát hiện 137 trang web đưa các quảng cáo dễ gây nhầm lẫn về giá vé cũng như số ghế giá rẻ còn trống. Mới đây hãng kính mắt Fotex - Ofetert của Hungary bị người tiêu dùng khiếu nại lên cơ quan cạnh tranh Hungary và đã bị cơ quan này phạt 5.000HUF (tương đương hơn 500 triệu đồng VN) vì đã đưa ra nhiều quảng cáo về chiến dịch giảm giá lớn, nhưng thực tế việc giảm giá này chỉ áp dụng đối với loại kính mắt mỏng bằng nhựa plastic. Mặc dù việc này đã được phát trên tivi và in trên áp phích nhưng với khoảng thời gian ngắn và in dòng chữ rất nhỏ trên áp phích khiến tất cả khách hàng đều không nhìn thấy!

Trở lại vấn đề trong nước, nhiều quảng cáo ở Việt Nam có ảnh hưởng tới lợi ích người tiêu dùng mà vẫn không phải gánh chịu một chế tài nào. Quảng cáo Biti’s “mua 1 tặng 1” với băng rôn treo khắp nơi làm người tiêu dùng tưởng rằng mua 1 sản phẩm sẽ được tặng thêm một sản phẩm tương đương, song sản phẩm được tặng chỉ là 1 quyển vở, 1 cái bút bi… có giá trị một vài ngàn đồng. Dịp 1-6, nhiều công ty, đại lý thực hiện chương trình khuyến mại. Chẳng hạn, đại lý của mũ bảo hiểm Protec, ghi rõ “Chào mừng ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6, giảm giá 15%”. Khi mua, người tiêu dùng chỉ được giảm 15% cho mũ bảo hiểm trẻ em.

Susan Gunelius, một chuyên gia với trên một thập kỷ kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực quảng cáo cho những công ty lớn nhất thế giới như AT&T hay HSBC và là tác giả các cuốn sách như Ultimate Copywriting Handbook - Sổ tay nghề viết quảng cáo, nhận định rằng mục đích của các thông điệp tiếp thị là truyền tải những lợi ích của sản phẩm hay dịch vụ tới các khách hàng của doanh nghiệp.

Theo Susan, trong khi một thông điệp tiếp thị độc đáo có thể được sử dụng để thuyết phục mọi người ra quyết định mua và tăng lợi nhuận của bạn trong ngắn hạn, nhưng nếu nó mang những nội dung dễ gây hiểu nhầm thì doanh nghiệp sẽ kết thúc với các kết quả tiêu cực về dài hạn.

Nếu các nhà tiếp thị không thể thấy được những gì dễ gây hiểu nhầm trong các thông điệp tiếp thị của mình tới khách hàng vào mọi thời điểm, những thông điệp đó đang mắc sai lầm và có thể được nhìn nhận như một chiến thuật lạc lối.

TRẦN TRUNG SÁNG

 

;
.
.
.
.
.