.

Bao giờ có tàu dịch vụ trên biển?

.

Ý tưởng triển khai tàu dịch vụ trên biển được ngành Thủy sản-Nông-Lâm Đà Nẵng đặt ra từ 3 năm trước, thế nhưng đến nay, ý tưởng đó vẫn chưa thành hiện thực. Trong khi đó, một số địa phương đã đưa vào hoạt động tàu dịch vụ trên biển đem lại nhiều lợi ích cho ngư dân.

Tàu cung ứng dầu của Công ty TNHH Hà Nam chỉ phục vụ cho tàu neo đậu trên sông Hàn.   Ảnh: NGUYỄN CẦU
Sáng 8-10, tại cảng cá Thuận Phước, chúng tôi gặp các ngư dân trên tàu ĐNa 90039 hành nghề lưới vây, đang chuẩn bị ra khơi. Khi trao đổi với họ: “Nếu có một số tàu chuyên vận chuyển dầu, nước ngọt, lương thực thực phẩm… từ đất liền ra cho các tàu đang đánh bắt trên biển và nhận hải sản chở về, các anh, các bác thấy thế nào”, ai nấy đều cho rằng: “Được như vậy thì còn gì bằng.

Không chỉ tiết kiệm nhiên liệu mà tăng thời gian bám biển, hải sản bán được giá do chất lượng cao”. Ông Nguyễn Văn Còn, ở tổ 1 Xuân Hà (Thanh Khê), thuyền trưởng, tính toán: Chuyến biển 15 ngày tiêu hao hết 3-4 nghìn lít dầu, tổng chi phí từ 80-100 triệu đồng. Chi phí này chủ yếu là tiền dầu tiêu hao cho quãng đường hàng trăm hải lý đi về. Nói 15 ngày đi biển, nhưng thực ra chỉ hơn nửa thời gian đó dành cho đánh bắt. Nếu có tàu dịch vụ kiểu chợ di động trên biển, các tàu cá không phải về bờ nhiều, thời gian bám biển tăng và như vậy sản lượng đánh bắt sẽ nhiều hơn. Hơn nữa, ngư dân thu nhập cao, chi tiêu ít, có điều kiện tích lũy giúp đỡ gia đình.

Thực ra, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá không có gì mới. Một số địa phương đã  triển khai nhiều năm nay, trong đó nhiều và sớm nhất là Kiên Giang và Ninh Thuận. Hiện tại, các địa phương này có hàng chục tàu chuyên vận chuyển hàng hóa cho ngư dân trên biển, chở hải sản về đất liền tiêu thụ, đem đến lợi ích cho cả ngư dân và những tàu dịch vụ. Lợi ích đã gắn kết họ với nhau. Ở ngoài khơi, chỉ cần điện đàm liên lạc, nêu yêu cầu cần đáp ứng, chỉ ít ngày sau, tàu dịch vụ đã có mặt. Thường hải sản tàu dịch vụ đưa về theo kiểu vận chuyển thuê. Về đến đất liền giao cho chủ tàu bán. Cũng có tàu mua đứt bán gọn ngay trên biển, với giá thấp hơn 10-15% so với trong bờ. 

Thuyền trưởng Nguyễn Văn Còn rất chờ đợi sự ra đời của tàu dịch vụ hậu cần nghề cá.

Ở Đà Nẵng, nhiều năm nay đã có khoảng 10 tàu chuyên cung ứng dầu cho tàu cá, nhưng chỉ chạy trong phạm vi sông Hàn. Mỗi tàu gắn kết với nhiều tàu cá nhất định, bán dầu theo kiểu ứng trước và trả sau một chuyến. Hễ tàu cá chuẩn bị ra khơi, neo đậu ở đâu, tàu bán dầu sẽ đến đó. Ông Nguyễn Quang Anh, thuyền viên trên tàu chuyên cung cấp dầu cho tàu cá thuộc Công ty TNHH Hà Nam cho hay: Tàu cung ứng dầu tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân rất lớn. Họ cần lúc nào đáp ứng đầy đủ, mọi lúc mọi nơi. Thực hiện thanh toán sau nên không mấy khó khăn về vốn. Mỗi tháng tàu cung cấp hàng chục vạn lít dầu cho tàu cá.

Không thể chậm trễ hơn được nữa, ngành thủy sản và các địa phương có hoạt động khai thác hải sản cần thành lập đội tàu dịch vụ hậu cần nghề cá. Theo chúng tôi, tiềm năng cho việc hình thành các tàu này ở Đà Nẵng rất lớn, đó là hàng chục tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ đang nằm bờ do hư hỏng sau bão và thiếu nhân lực. Phục hồi hoạt động các tàu này sẽ có ngay đội tàu chuyên làm dịch vụ trên biển. Tất nhiên, phải đầu tư để sửa chữa thay đổi kết cấu khoang đựng hàng phù hợp với công việc mới.

Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU

;
.
.
.
.
.