Sau một thời gian loay hoay định hình mô hình, cuối cùng thì các cơ quan hữu quan ở Đà Nẵng cũng tìm ra được một số cây, con thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng, môi trường bản địa và định hướng để nông dân (ND) đưa vào sản xuất. Thế nhưng, cái chuyện “đầu vào”, “đầu ra” cho sản phẩm nông nghiệp vẫn còn là điều nan giải.
“Cắm” cây gì trên đất Đà Nẵng?
Ngoài măng, mỗi năm ông Đỗ Tuyến (trái) còn thu thêm được 7-8 triệu đồng từ bán tre giống. |
Theo Kỹ sư Trần Mạnh, Phó Trưởng phòng Khuyến nông – Khuyến lâm (Trung tâm Khuyến ngư-nông-lâm thành phố Đà Nẵng), “đỉnh” nhất ở Đà Nẵng hiện nay là cây tiêu, thích hợp với vùng đất gò đồi xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang), người làm ăn hiệu quả nhất là ông Huỳnh Như Khánh ở thôn 5. Ông vừa trồng mới thêm 200 gốc, còn 400 gốc đang thu hoạch thì mỗi năm thu được 8 tạ tiêu hạt trị giá 40 triệu đồng. “Hiện ở Hòa Ninh chưa có cây gì “qua mặt” được cây tiêu, nhà nào cũng có vài chục gốc. So với cây ăn quả, cây tiêu có thể để dành được, nó chỉ sợ bão thôi chứ không sợ gì cả” – ông Khánh nói chắc nụi.
Sánh vai với cây tiêu, có thể kể đến cây thuốc lá, nhưng chỉ trồng thành công ở đất bồi ven sông Cu Đê - thôn Lộc Mỹ, xã Hòa Bắc. Ông Nguyễn Đức Quế, Chi hội trưởng ND Lộc Mỹ đưa ra những con số rất hấp dẫn: Tuy thuốc lá mỗi năm chỉ trồng được một mùa từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau, nhưng 1 ha thu được 60 triệu đồng, riêng giá năm nay đã tăng lên 100 triệu, trừ hết chi phí rồi cũng bỏ túi được 80 triệu. Thấy hiệu quả, năm nay 21 hộ ND trong thôn đã mở rộng diện tích trồng thuốc lá từ 9 ha lên 13 ha, năm tới sẽ tăng lên 15-16 ha.
Tuy nhiên, tiêu và thuốc lá đang chiếm thế “thượng phong” nhưng cũng chỉ là sản phẩm của địa phương, cây tre lấy măng Điền Trúc mới là cây trồng đại trà. Năm 2003, Trung tâm Khuyến ngư-nông-lâm đã đầu tư trồng hơn 50 ha cây tre nhập ngoại này trên toàn thành phố, chủ yếu ở các xã miền núi huyện Hòa Vang. Ở xã Hòa Bắc, ông Đỗ Tuyến, Chi hội trưởng ND thôn Nam Mỹ, là người đầu tiên trồng tre lấy măng. Ông hiện có 7 sào, sắp tới sẽ trồng thêm 3 sào nữa. Mỗi sào, nếu trồng xuống rồi “phú cho trời” cũng cho thu nhập mỗi năm 2 triệu đồng từ măng, nếu bỏ công chăm sóc thì hiệu quả kinh tế có thể tăng gấp đôi.
Nuôi con gì bền vững và hiệu quả?
Không ít ND từng nuôi các loại con như heo, bò, gà, cá... nhưng vẫn chưa biết đến thế nào là hiệu quả kinh tế, cho đến khi nghề nuôi ếch lồng du nhập vào đất Đà Nẵng vào giữa năm 2005, đi đầu là hai ND xã Hòa Khương. Đến nay, sau nhiều lần “lên bờ xuống ruộng” - như cách nói của ND, nghề mới này đã được đẩy lên thành một trong những hướng phát triển sản phẩm nông nghiệp ở Đà Nẵng có hiệu quả.
Phong trào nuôi ếch lồng lan rộng ra tới Hòa Phong, ban đầu có 11 hộ nuôi theo kiểu “thăm dò” với gần 50 nghìn con. Đến đầu năm nay, cả xã có 25 hộ nuôi ếch bền vững với gần 115 nghìn con. Người nuôi nhiều nhất là anh Bùi Dũng, Phó Chủ tịch Hội ND xã, vừa nuôi ếch thịt, vừa nuôi ếch giống, nhưng người “nuôi mộng” mở doanh nghiệp tư nhân là anh Nguyễn Bá Lộc với mô hình kết hợp ếch – cá ở thôn Dương Lâm 2.
Ếch đã đến ngày xuất, nhưng anh Bùi Dũng quyết định giữ lại chờ giá lên để lợi thêm “đầu ra”. |
Tìm đầu ra cho ếch không khó, nhưng giá cả thất thường. Năm rồi, thấy giá mỗi kg ếch (khoảng 5-6 con) vọt từ 19 nghìn lên 47 nghìn đồng, ông Phan Thứ thấy sướng quá bán cái rẹt. Tới gần Tết giá lên 60 nghìn, đến phiên ông Nguyễn Quý ở Dương Lâm 2 cho ếch xuất chuồng. Qua tháng giêng âm lịch, giá ngất ngưởng 75 nghìn đồng thì chẳng mấy người còn ếch. Sau đó, khi trời đổ mưa giông, bắt đầu xuất hiện ếch đồng thì giá lại tụt xuống. Muốn giữ ếch lại chờ giá, ND phải có vốn để mua bột thức ăn công nghiệp cho ếch và xây chuồng bảo đảm điều kiện cho ếch trú đông.
Theo đánh giá của kỹ sư Mạnh, ngoài con ếch và con heo đang có hiệu quả sàn sàn như nhau, còn có mô hình nuôi gà thả vườn theo dạng bán công nghiệp rất khả quan. Một trong những người nuôi gà theo mô hình mới này là Chủ tịch Hội ND xã Hòa Khương Đặng Tứ. So với nuôi gà công nghiệp, nuôi gà bán công nghiệp hiệu quả hơn, giá thành hạ hơn do tự chủ được một phần thức ăn, bớt lượng bột gia súc công nghiệp. Các hộ tự chích vắc-xin phòng bệnh cho gà, ấp gà con tại chỗ, không phải mua ở các lò. Gà 4 tháng đã xuất chuồng, thịt chặt không thua gì gà ta, và điều quan trọng là giá cũng ngang ngửa với gà ta.
Nỗi lo còn đó...
Nuôi con gì, trồng cây gì cho hiệu quả đã khó, đi tìm đầu ra ổn định cho chúng lại càng chẳng dễ chút nào. Nuôi ếch, hiện giá mỗi bao bột đã tăng 100 nghìn đồng (từ 170 lên 270 nghìn), nhưng giá mỗi kg ếch chỉ tăng 1 nghìn đồng (từ 19 lên 20 nghìn). Giá cả một trời một vực nhưng ND không bỏ nghề, như lời anh Bùi Dũng: “Nuôi ếch, nếu huề vốn, thậm chí lỗ một chút cũng được, chủ yếu lấy lãi từ cá. Chất thải, thức ăn thừa của ếch từ trên lồng rơi xuống ao, cá ăn vào lớn như thổi”. Để khỏi bị tư thương thao túng, anh lo luôn “đầu ra” cho con ếch, thu gom và xuất cho các nơi có nhu cầu, đưa luôn số điện thoại người mua để người bán có thể kiểm tra giá cả.
Thu nhập từ cây tiêu đã giúp ông Huỳnh Như Khánh mở rộng được mô hình chăn nuôi. |
Ông Đỗ Tuyến giải thích: “Họ ép giá là do mình chưa liên kết thành mô hình. Họ chạy xe lên nếu mua được 100 kg thì không nói gì, chứ chỉ vài ba chục kg là mất toi ngày công, phải ép giá để bù vào. Mình mà xuống bán trực tiếp ở các chợ nội thành thì họ còn mua giá “bèo” hơn, bởi mình cung cấp thất thường, bữa đực bữa cái, chứ không thường xuyên như tư thương”.
Từ ngày được đưa vào Nghị quyết của Đảng bộ xã Hòa Bắc về chuyển đổi cây trồng, cây tre và cây thuốc lá đã có chỗ đứng ổn định, nhưng đầu ra vẫn còn bấp bênh. Mong rằng nỗi lo của ND rồi sẽ vơi đi, như kỳ vọng của Bí thư Đảng ủy xã Hòa Bắc Phạm Tấn Dũng: “Theo chỉ đạo của huyện, xã đang chọn người để thành lập HTX Nông nghiệp tổng hợp, chủ yếu là giúp đầu ra cho nông sản, tránh tình trạng tư thương liên kết nhau thao túng thị trường”.
VĂN THÀNH LÊ