.
CHẾ BIẾN HẢI SẢN XUẤT KHẨU

Tăng trưởng cao vẫn kém vui

.

Có vẻ như nghịch lý nhưng đó là thực trạng ở các doanh nghiệp (DN) chế biến hải sản xuất khẩu tại Đà Nẵng nói riêng, cả nước nói chung thời điểm hiện tại. Từ đầu năm đến nay, hầu như DN nào cũng tăng trưởng cao so cùng kỳ năm ngoái, có đơn vị tăng 28%. Với mức tăng trưởng ấy, DN phấn khởi mới đúng, nhưng trái lại, họ không hề vui, thậm chí rất lo lắng.
 

 Chế biến hải sản xuất khẩu.
Không ít vị giám đốc mất ăn mất ngủ vì phải đối mặt với khó khăn gay gắt, theo họ, chỉ cần sơ sểnh là dẫn tới thua lỗ. Thực ra, kim ngạch xuất khẩu hải sản tăng do nhiều yếu tố. Trong đó, đáng kể nhất là ngoài khai thác nguồn nguyên liệu tại chỗ, chủ trương cho phép nhập khẩu phục vụ chế biến đã tạo cơ hội cho các DN nâng sản lượng. Nhiều nhà máy xây dựng cơ bản, công nghệ hiện đại đi vào hoạt động. Đa dạng hóa sản phẩm được các DN đặc biệt chú trọng, trong đó ưu tiên chế biến hàng chất lượng cao, hạn chế xuất khẩu nguyên liệu…

Tuy vậy, sự tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu không đồng nghĩa với tăng lợi nhuận. Giá đầu vào tăng, lợi nhuận sau khấu hao thấp đang đẩy các DN vào tình trạng buồn nhiều hơn vui. Sản xuất cầm chừng thì mất thị trường, công nhân không có việc làm; đẩy mạnh sản xuất, tăng trưởng cao, lợi nhuận ít, khó khăn vẫn hoàn khó khăn. Chính vì vậy, mặc dù liên tục tăng về giá trị xuất khẩu nhưng lương của cán bộ, công nhân viên không tăng, đời sống chậm cải thiện.

Năm 2008, nguyên liệu trong nước khan hiếm. Tác động từ giá dầu tăng làm tàu bè đậu bến nhiều, sản lượng hải sản giảm. Hoạt động nuôi trồng thủy sản bị thu hẹp về diện tích. Giá nguyên liệu hải sản đưa vào chế biến tăng 30% so năm 2007. Không những vậy, tình trạng tranh mua, tranh bán diễn ra gay gắt. Không chỉ bạn hàng trong nước mà nhiều DN từ Trung Quốc cũng lấn sân sang khu vực miền Trung thu mua hải sản.

Bên cạnh đó, ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế thế giới tác động không nhỏ do giá các chất phụ gia, bao bì, cước vận chuyển tăng 35%. Lãi suất ngân hàng tăng, không ít DN bó tay trước nhu cầu về vốn. Tỷ giá đồng USD liên tục giảm, gây thiệt hại cho các DN xuất khẩu. Trong khi đó, giá đầu ra sản phẩm chỉ tăng 5%. Nói tóm lại, hoạt động chế biến hải sản liên tục đương đầu với vô vàn khó khăn, thử thách. Không ít người cho rằng, trước tình hình đó, sản xuất kinh doanh không lỗ mới là chuyện lạ.

10 tháng đầu năm 2008, Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước chế biến xuất khẩu 3.500 tấn sản phẩm, đạt 22 triệu USD, bằng 82% kế hoạch và tăng 28% so cùng kỳ năm ngoái, mức tăng trưởng kỷ lục kể từ trước đến nay. Lãnh đạo công ty này cho rằng, nhà máy lớn, công nhân nhiều, khai thác tối đa công suất, tăng trưởng là điều đương nhiên. Điều quan trọng là lợi nhuận sau khấu hao không mấy lạc quan.

Ông Trần Văn Lĩnh, Giám đốc công ty cho rằng: Trước sức ép quá lớn từ nhiều phía, không ít DN chọn giải pháp thu hẹp quy mô sản xuất, hoặc chỉ sản xuất cầm chừng. Đây là giải pháp tiêu cực, bởi hàng nghìn công nhân từng gắn bó với lĩnh vực này sẽ làm gì.  Đối với công ty, vấn đề đặt ra là tìm cách tháo gỡ khó khăn, tạo công ăn việc làm cho gần 1.500 công nhân. Công ty đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó phát huy tối đa công suất của máy móc thiết bị, chú trọng tiết kiệm, đa dạng hóa sản phẩm, ưu tiên chế biến các mặt hàng chất lượng cao, hạn chế xuất khẩu sản phẩm thô, mở rộng thị trường... Đến nay, sản phẩm chín, đi thẳng vào siêu thị của công ty đã chiếm trên 50% tỷ trọng xuất khẩu…

Chế biến hải sản xuất khẩu ở Đà Nẵng đã đạt 60,5 triệu USD, kể từ đầu năm đến nay, tăng gần 30% so năm 2007. Mức tăng trưởng cao nhưng không phản ánh thực chất về hiệu quả kinh tế trong lĩnh vực này. Hoạt động này đang lâm vào tình trạng như nông dân được mùa mất giá, nên không ai phấn khởi. Hoặc ngư dân đánh bắt hiệu quả, nhưng trừ chi phí xong là lỗ.

Điều có ý nghĩa nhất trong hoạt động này là hơn 10 nghìn công nhân có việc làm, kim ngạch xuất khẩu tăng. Từ thực trạng nêu trên, các cơ quan liên quan, nhất là ngân hàng cần chia sẻ khó khăn của các DN chế biến hải sản xuất khẩu, để họ đủ khả năng vượt qua thử thách gay go hiện nay, tiếp tục đẩy mạnh sản xuất.

Bài và ảnh: HOÀI NAM

;
.
.
.
.
.