.
CHỐNG THẤT THOÁT TRONG XÂY DỰNG

Bài toán luôn cần lời giải

.

Thất thoát trong xây dựng là một trong những vấn nạn quốc gia, làm thiệt hại cho Nhà nước rất lớn về tài chính, đang là vấn đề làm đau đầu các nhà quản lý, gây những bức xúc trong dư luận.

Những công trình đã được thanh tra, kiểm tra cho thấy: Có những công trình gây thất thoát trên 30%, do các nhà thầu rút bớt vật tư, hoặc thi công với vật tư không đúng chủng loại như thiết kế và dự toán đã được phê duyệt, mà thực chất là tham nhũng. Việc chống thất thoát trong xây dựng cơ bản (XDCB) cũng đã nhiều lần được đưa lên bàn nghị sự của Quốc hội, Chính phủ, HĐND các địa phương.

Trụ sở Cienco 5 vừa là nơi làm việc của công ty này vừa là văn phòng cho thuê hiệu quả
Nhiều ý kiến cho rằng, thất thoát lớn nhất trong XDCB là những chủ trương đầu tư không đúng, không phù hợp với hoàn cảnh hiện tại, cũng như khả năng tài chính của một địa phương, của Nhà nước. Chẳng hạn như chủ trương đầu tư xây dựng hàng loạt các nhà máy xi-măng lò đứng và các nhà máy đường, bến cảng trong những năm 90 của thế kỷ 20. Trong đó, ở  Đà Nẵng có Nhà máy Xi-măng Hòa Khương, Nhà máy Nhiệt điện Cầu Đỏ (rất may công trình này đã kịp thời đình chỉ sau gần 1 năm khởi công vì không có hiệu quả kinh tế và ảnh hưởng nặng về môi trường). Những thiệt hại từ các chủ trương sai lầm này là không thể lường hết được về kinh tế-xã hội.

Chậm ban hành và áp dụng các chủ trương, chính sách cho phù hợp với tình hình thực tiễn cũng gây ra những thất thoát không nhỏ trong XDCB. Chẳng hạn, bắt đầu từ đầu năm 2007, tình hình thị trường biến động mạnh, các loại vật tư chủ yếu phục vụ cho xây dựng tăng giá rất nhanh, gây nhiều khó khăn cho các nhà thầu, nhưng mãi đến tháng 4-2008, Bộ Xây dựng mới ban hành Thông tư 90/2008/TT-BXD về việc hướng dẫn điều chỉnh giá và hợp đồng xây dựng do biến động giá nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu xây dựng. Trong suốt thời gian đó, hầu hết các nhà thầu các công trình lớn đã ngừng thi công vì nếu làm mà không được điều chỉnh giá sẽ bị lỗ nặng, nên tiến độ công trình bị chậm lại.
 
Trung tâm Công nghệ phần mềm Đà Nẵng và nhiều công trình trọng điểm khác của thành phố phải kéo dài thời gian thi công cũng bởi nguyên nhân này. Những thiệt hại do việc xây dựng không đúng tiến độ và chậm đưa công trình vào khai thác rất lớn. Riêng việc chậm đưa công trình Trung tâm Công nghệ phần mềm Đà Nẵng vào sử dụng, chỉ tính riêng lãi suất ngân hàng như hiện nay, mỗi tháng thành phố mất gần 2 tỷ đồng do những giá trị đầu tư trước của công trình không phát huy hiệu quả.
 
Trong khi đó, cao ốc của Hoàng Anh Gia Lai cùng khởi công với Trung tâm Công nghệ phần mềm Đà Nẵng nhưng đã được đưa vào khai thác gần một năm, đem lại cho DN doanh thu đáng kể, thu hồi được một phần vốn đầu tư. Nguyên nhân là do doanh nghiệp Hoàng Anh Gia Lai đã có điều chỉnh phù hợp, nhanh chóng, tạo thuận lợi cho nhà thầu đẩy nhanh tiến độ. Nhưng nguyên nhân sâu xa là cao ốc Hoàng Anh Gia Lai do doanh nghiệp đầu tư nên DN phải tính toán rất kỹ về hiệu quả kinh tế, khi có sự biến động thị trường, họ đã có sự điều chỉnh hợp lý, nếu không thiệt hại chính họ phải gánh chịu.

Theo các chuyên gia, việc ăn bớt vật liệu hoặc thi công với vật liệu có giá trị thấp hơn so với thiết kế nhằm rút ruột công trình, kiếm lợi riêng là khâu gây thất thoát ít nhất, dễ nhận biết và dễ quy trách nhiệm. Song việc các nhà thầu ăn bớt vật tư trong thi công có một nguyên nhân gián tiếp khác, đó là những thiếu sót trong thiết kế kỹ thuật. Hầu hết các bản thiết kế hiện nay, để khỏi phải chịu trách nhiệm, các nhà thiết kế đã đưa ra các thông số với hệ số an toàn quá cao, có nghĩa là lượng vật tư, nguyên liệu để xây dựng công trình nhiều hơn mức cần thiết. Do vậy, trong quá trình thi công, các nhà thầu phát hiện ra, đã rút bớt vật tư so với thiết kế, nhưng vẫn bảo đảm chất lượng công trình (ngoại trừ trường hợp bớt vật tư theo thiết kế chuẩn).

Do vậy, việc chống thất thoát trong XDCB hiện nay phải bắt đầu từ việc rà soát lại các chủ trương đầu tư, xây dựng, chấn chỉnh khâu thiết kế và những chính sách kịp thời nhằm điều chỉnh cho phù hợp với diễn biến của thực tế. Đồng thời phải tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát, hạn chế đến mức thấp nhất việc lấy cắp vật tư, làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Trước khi đầu tư một công trình nào đó phải có sự cân đối nguồn tài chính, kể cả dự phòng, nhằm bảo đảm cho công trình được thi công và đưa vào sử dụng theo đúng tiến độ đề ra.

Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH

;
.
.
.
.
.