.
CHỦ TỊCH HĐQT CÔNG TY KIM KHÍ MIỀN TRUNG HUỲNH TẤN QUẾ:

Kinh doanh hiệu quả nhờ dự báo đúng

.

Dự báo sớm, đẩy nhanh lượng tồn kho
 
9 tháng vừa qua là khoảng thời gian vô cùng khó khăn của ngành sắt thép. Giá nguyên vật liệu, vận chuyển đều tăng cao, cùng lúc Chính phủ thắt chặt tài chính chống lạm phát. Trong khi đó, giá sắt thép lại biến động khó lường: đang ở mức cao ngất vào giữa tháng 7 (18,5 triệu đồng/tấn), lại đột ngột giảm tới 4 triệu đồng mỗi tấn sau đó, kéo giá thép bán buôn rớt còn 14 triệu đồng/tấn.

Nhờ dự báo sớm chuyển biến xấu của thị trường, Công ty Kim khí miền Trung đã đẩy nhanh lượng tồn kho để giảm lỗ. TRONG ẢNH: Chuyển sắt thép vào kho Xí nghiệp Kinh doanh kim khí số 2.

Khó khăn chung khiến nhiều dự án xây dựng ngưng trệ, nhu cầu mua sắt thép giảm mạnh, tiêu thụ gần như chựng lại. Ông Huỳnh Tấn Quế - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Kim khí miền Trung, chia sẻ: “Nhờ dự báo sớm chuyển biến xấu của thị trường, chúng tôi đã đẩy nhanh lượng tồn kho, do đó số này so với nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh sắt thép khác là tương đối thấp”. Ông Quế khá tâm đắc với công tác dự báo, là điểm mấu chốt dẫn đến việc giữ vững mức tăng trưởng doanh thu của công ty trong thời buổi làm ăn nhiều trở ngại.

Từ việc mua lại tin tức của các tổ chức tư vấn nước ngoài, tự tổ chức điều tra cung - cầu thị trường, lấy nguồn từ Hải quan..., công ty đã phân tích dựa trên khả năng, điều kiện, vốn liếng của mình để quyết định bán buôn hợp lý.

Chính vì vậy, khi nhiều nơi khác đã lấy gần hết số lãi 6 tháng đầu năm bù lỗ cho những tháng sau, thì Công ty Kim khí miền Trung mới chỉ xuất ra từ 10% - 15% tổng lợi nhuận, đạt mức lợi nhuận trước thuế gần 30 tỷ đồng trong 9 tháng. Theo đánh giá của ông Quế, để đối phó với tình hình thị trường diễn biến thất thường hiện nay, doanh nghiệp phải đặc biệt chú tâm đến việc dự báo, bởi “không dự báo,  sẽ đi trong đêm khuya”, và dự báo càng khoa học, hợp lý, xác suất thành công càng cao.

Nợ với chính mình

Theo Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Bá Tòng, từ 3 năm nay, Kim khí miền Trung làm ăn tấn tới hẳn so với cảnh “nợ nần chồng chất” trước đó, giải quyết hài hòa các mối quan hệ, không để xảy ra khiếu nại, khiếu kiện. Ông Tòng cho biết thêm, ngoài công tác dự báo là trọng tâm, việc tổ chức mạng lưới rộng từ Nam ra Bắc cũng là một lợi thế để công ty chủ động trong tổ chức kinh doanh. Ngoài ra, chính sách, quy chế khá rõ ràng cũng góp phần giữ vững lòng tin đối với hơn 200 nhân viên đang làm việc.

Việc đào tạo lại, đào tạo tại chỗ, vừa làm vừa đào tạo đang được áp dụng, hướng nhân viên tới sự thích ứng với nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. “Chưa định hướng được sẽ phát triển công ty theo hướng nào là hiệu quả nhất” là điều mà ông Quế, các cán bộ lãnh đạo đang canh cánh, và cảm thấy như đang “nợ với chính mình”.

Bên cạnh đó, mỗi năm công ty đều đóng góp cho công tác xã hội, từ thiện hàng trăm triệu đồng, cùng Nhà nước xây dựng nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đặc biệt, theo Đảng ủy khối Doanh nghiệp, Công ty Kim khí miền Trung cũng là đơn vị tiêu biểu trong hoạt động xây nhà, trường học ở các vùng sâu, vùng xa như Hòa Bắc, Hòa Phú, Hòa Liên, thực hiện các dự án di dời dân khỏi vùng lũ...

Bài và ảnh: H.VANG
;
.
.
.
.
.