.
CHƯƠNG TRÌNH XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI QUỐC GIA

Vì sao doanh nghiệp ở Đà Nẵng không được hưởng lợi?

.

Theo số liệu thống kê từ Cục Xúc tiến thương mại (XTTM) Bộ Công thương, hằng năm, Chính phủ chi cho các hoạt động XTTM từ 300 đến 500 tỷ đồng nhằm giúp các DN quảng bá, giới thiệu sản phẩm ra bên ngoài, từ đó tìm kiếm thị trường để thúc đẩy sản xuất phát triển, đặc biệt là thị trường nước ngoài.
 

Để có thương hiệu như hiện nay, Công ty Hữu Nghị đã thực hiện tốt XTTM.
Các hoạt động XTTM chủ yếu như tham gia các hội chợ, triển lãm thương mại (HCTLTM) trong và ngoài nước, tham quan tìm hiểu thị trường và tìm kiếm đối tác làm ăn và đầu tư, đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ quản lý… Cũng theo số liệu từ Cục XTTM, hằng năm có gần 600 HCTLTM trong nước và gần 80 HCTLTM tại nước ngoài, thu hút trên 4.500 lượt DN tham gia. Nhờ vậy, hàng trăm DN đã tìm được thị trường và các đối tác làm ăn mới..

Tuy nhiên, các DN tham gia các hoạt động trên chủ yếu thuộc Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Các DN của thành phố Đà Nẵng và khu vực miền Trung rất ít. Thậm chí, ngay cả HCTLTM được tổ chức tại Đà Nẵng cũng rất ít DN tham gia. Chẳng hạn như Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao 2008 vừa qua tại Đà Nẵng với gần 300 DN tham gia, nhưng Đà Nẵng chỉ có 3 DN, nếu kể cả các DN khu vực miền Trung - Tây Nguyên thì cũng chỉ chiếm 10%, trong khi đó rất nhiều DN muốn tham gia nhưng không đủ kinh phí thuê mặt bằng.

Nguyên nhân chính là do các DN này không được hưởng 50% tiền tài trợ (tiền thuê mặt bằng) từ nguồn tài trợ của chương trình XTTM của Chính phủ với lý do đơn giản là các DN này không nằm trong tổ chức hiệp hội nào, nên không có cơ quan đứng ra chịu trách nhiệm và làm các thủ tục để họ được hưởng nguồn tài trợ trên khi tham gia hội chợ (tại thành phố Đà Nẵng không có trụ sở cơ quan của Hiệp hội nào).

Trong khi đó Quyết định 279/2005/QĐ-TTg ngày 3-11-2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế xây dựng và thực hiện chương trình XTTMQG ghi rõ: Đối tượng được Nhà nước hỗ trợ thuộc mọi thành phần kinh tế, được thành lập theo quy định của pháp luật hiện hành, bảo đảm các tiêu chí theo quy định. Ngoài ra, nếu các DN là thành viên của các Hiệp hội nghề nghiệp và được các Hiệp hội này tổ chức tham gia các chương trình tham quan, tìm hiểu thị trường nước ngoài sẽ được tài trợ của nguồn kinh phí trên ít nhất là 50% kinh phí đi lại, ăn ở và nhiều khoản ưu đãi khác như hỗ trợ về đào tạo…

Ông Bùi Xuân Lịch, Trưởng Văn phòng đại diện Cục XTTM tại Đà Nẵng cho biết: Do tại Đà Nẵng không có trụ sở của Hiệp hội nào nên việc kết nạp hội viên và hỗ trợ cho các DN được hưởng lợi từ các chương trình XTTM chưa được bao nhiêu. Việc được thông tin, tiếp cận với các chính sách của Nhà nước về sự hỗ trợ của các chương trình XTTM, cũng như làm các thủ tục để gia nhập các Hiệp hội nghề nghiệp, để được hưởng lợi từ các chương trình trên theo Quyết định 279 rất khó khăn.

Giám đốc một cơ sở chế biến hải sản xuất khẩu cho biết: Cũng rất muốn gia nhập thành viên của hiệp hội, nhưng vì trụ sở các hiệp hội ở xa (Hà Nội hoặc thành phố Hồ Chí Minh), không có điều kiện tiếp xúc nên ngại. Mặt khác, do tự ti, cho rằng DN của mình nhỏ, hay mới thành lập nên chưa muốn gia nhập, mặc dù biết nếu vào hiệp hội sẽ được hưởng lợi nhiều từ các chương trình trên.
 
Đặc biệt là các DN sản xuất các mặt hàng đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ… thường là các DN nhỏ, hoặc DN tư nhân rất muốn quảng bá, giới thiệu sản phẩm để xuất khẩu nhưng khả năng của DN có hạn và không được hưởng lợi từ chương trình trên, nên rất khó để tham gia HCTLTM nước ngoài. Nếu đi tham quan nước ngoài để tìm hiểu thị trường chỉ có thể đi bằng đường du lịch, không chủ động và khó tiếp cận đối tác. Vì thế hầu hết các DN này phải xuất khẩu thông qua các đơn vị tại thành phố Hồ Chí Minh, lợi nhuận vì thế cũng rất thấp và khó có điều kiện phát triển. Đây cũng là cách mà hầu hết các DN nhỏ và DN tư nhân đang tiến hành để xuất khẩu hàng hóa.

Ông Huỳnh Văn Chính, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dệt-may 29-3 cho biết: Để có được thị trường như hiện nay, công ty phải tự bươn chải, tự tiếp thị. Mặc dù là thành viên của Hiệp hội Dệt-may Việt Nam nhưng công ty cũng chưa được hưởng lợi gì từ chương trình nói trên. Nguyên nhân là do việc tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn của các cơ quan quản lý nguồn tài trợ trên chưa hiệu quả, chưa đến được với các DN, nhất là các DN thành phố Đà Nẵng và miền Trung.

Theo kế hoạch, tháng 11-2008 tại Đà Nẵng sẽ diễn ra Hội chợ Thương mại Quốc tế, nhưng theo số liệu ban đầu từ Ban Tổ chức Hội chợ, số DN tại Đà Nẵng và các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên rất ít, mặc dù đã được thông báo, hướng dẫn và tạo các điều kiện thuận lợi nhất tham gia hội chợ. Tại hội chợ này, các DN tham gia cho dù là thành viên của các Hiệp hội nghề nghiệp hay không, vẫn được hưởng tài trợ 50% tiền thuê mặt bằng. Ngoài ra, một số DN nhận thức chưa đúng khi tham gia hội chợ, chỉ quan tâm đến khâu bán hàng, sợ lỗ nên không tham gia.

Hoạt động XTTM rất quan trọng sau quá trình sản xuất nhằm quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm của các DN, đặc biệt là khi Việt Nam trở thành thành viên WTO. Chính phủ có các chính sách hỗ trợ DN trong lĩnh vực XTTM nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho các DN thực hiện mục tiêu trên. Song để các DN, nhất là các DN khu vực miền Trung đều được hưởng lợi từ chương trình này, ngoài việc DN tự tìm hiểu và chủ động đến với các cơ quan quản lý, phân bổ nguồn tài trợ này, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần phải đổi mới phương thức hoạt động theo hướng có lợi hơn cho các DN, tạo thuận lợi cho các DN quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác làm ăn thông qua hoạt động XTTM.

Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH

;
.
.
.
.
.