.
CÙNG GIẢI BÀI TOÁN CỦA CẢNG ĐÀ NẴNG

Hàng ít giá cao, giá cao hàng ít!

.

Đây được xem là nỗi trăn trở lâu nay không chỉ riêng với Cảng Đà Nẵng, mà còn với những DN hoạt động trên lĩnh vực xuất nhập khẩu, cũng như đại diện các hãng tàu trên thế giới  có văn phòng đại diện tại Đà Nẵng.

Chính vì vậy, buổi Hội thảo với chủ đề “Cảng Đà Nẵng - Cơ hội và tiềm năng đối với  các doanh nghiệp xuất nhập khẩu miền Trung và Tây Nguyên” được tổ  chức vào sáng ngày 7-10, đã thu hút gần như đầy đủ tất cả khách mời.

Bốc dỡ hàng container tại Cảng Đà Nẵng.
Theo ông Nguyễn Thu, Tổng Giám đốc Cảng Đà Nẵng,  trong thời gian gần đây, được sự đầu tư của Trung ương và thành phố nên hạ tầng của cảng được cải thiện đáng kể và trở thành một trong những cảng hiện đại nhất miền Trung. Cùng với sự nỗ lực hết mình của tập thể CBCNV cảng,  lượng hàng hóa thông qua cảng liên tục tăng. Đặc biệt, sau khi đưa vào sử dụng thiết bị chuyên dùng khai thác container đã đẩy nhanh sản lượng hàng hóa qua cảng. Cụ thể, trong năm 2007, hàng container tăng 43% so với năm 2006, và 9 tháng đầu năm 2008 tăng 29% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, chính ông Thu cũng công nhận, sự phát triển này không tương xứng với tiềm năng cũng như sự đầu tư của  Nhà nước trong thời gian gần đây. Một lượng hàng hóa lớn của các DN đóng trên địa bàn thành phố đã vận chuyển bằng đường bộ vào thành phố Hồ Chí Minh để xuất khẩu qua Cảng Sài Gòn. 

Ông Nguyễn Diễn, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh Đà Nẵng cho rằng, tất cả các bên cần phải ngồi lại với nhau vì lợi ích chung, bởi vì lý do gì mà những năm gần đây, chi phí liên quan đến bảo đảm hàng hải tại Cảng Đà Nẵng đã giảm đến 42% nhưng vẫn không thu hút được khách hàng. Đó là chưa kể Cảng Đà Nẵng còn có lợi thế khác như vận tải đường bộ đến cảng thuận lợi, không bị ùn tắc như Cảng Sài Gòn, hay thời gian lưu bãi của hàng hóa tại Cảng Đà Nẵng đã được nâng lên 7 ngày thay vì 5 ngày như các cảng khác. Tất cả vướng mắc  ở đây chính là bài toán kinh tế. Ví dụ, nếu vận chuyển một container hàng 20 feet đi Osaka (Nhật) thông qua Cảng Đà Nẵng thì thời gian chậm hơn từ 7-10 ngày nhưng chi phí lại cao hơn từ 35 – 45 USD so với đi từ Cảng Sài Gòn. Lý do thì vẫn muôn thủa là hàng ít - giá cao  và ngược lại, giá cao nên hàng ít.

Đứng ở góc độ nhà vận tải, ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Bình Vinh cho rằng: Cảng Đà Nẵng phải phát triển mạnh vận tải hàng hải nội địa, vì vận tải hàng bằng đường biển bao giờ cũng rẻ hơn đường bộ hay đường sắt. Nếu làm được điều này, Cảng Đà Nẵng sẽ thu hút được lượng hàng lớn thông qua cảng. Một dẫn chứng là, chỉ với một khách hàng thì mỗi tuần, Công ty Bình Vinh đã vận chuyển từ thành phố Hồ Chí Minh về Đà Nẵng đến 42 container.

Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến cho rằng, Cảng Đà Nẵng với lợi thế của riêng mình thì trong thời gian đến vẫn có thể thay đổi tình thế. Đó là tình hình đang quá tải trầm trọng tại Cảng Sài Gòn, cũng như nạn ùn tắc giao thông trên các tuyến đường đi về Cảng đã làm nản lòng không ít khách hàng. Năng lực bốc dỡ vốn hạn chế lâu nay của Cảng Đà Nẵng đã được giải quyết xong, còn lại chính là khâu tiếp thị. Về vấn đề này, ông Christan Schoen, Cố vấn cao cấp EU-VPPP Đà Nẵng cho rằng, Cảng Đà Nẵng không những làm tốt công tác tiếp thị trong nước mà cả trên thị trường quốc tế. Cảng phải xây dựng được gói dịch vụ mang tính đột phá, để tăng tính cạnh tranh.

Trước mắt, cảng phải có người đại diện của mình tại những thị trường quan trọng có tính chiến lược để làm công tác tiếp thị. Đặc biệt, ông Nguyễn Đức Trị, Phó Tổng Giám đốc Công ty Dệt-may Hòa Thọ, lại nhấn mạnh đến yếu tố quyết tâm ủng hộ của các DN với Cảng Đà Nẵng là vấn đề rất quan trọng, bởi  thời gian gần đây, Cảng Đà Nẵng đã có rất nhiều nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như cạnh tranh về giá cả. Công tác khai báo hải quan làm rất tốt,  các DN cũng phải thuyết phục khách hàng của mình xuất nhập khẩu hàng hóa thông qua Cảng Đà Nẵng.

Một ví dụ là trước đây, gần 70% hàng hóa của công ty xuất qua thị trường Nhật và Mỹ phải vận chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh, thì hiện nay, 70% xuất qua Cảng Đà Nẵng. Công ty đang phấn đấu đến cuối năm nay con số này là 100%. 

TRẦN LUÂN SƠN

;
.
.
.
.
.