.

Đánh lừa người tiêu dùng: Hàng dỏm thành hàng xịn!

.

(ĐNĐT) - Người tiêu dùng đang phải đối mặt với tình cảnh các sản phẩm mua về hay sử dụng có “đính kèm” những yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí đó là một bó hoa hay viên kẹo.

Nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam (20-10), nhiều văn phòng, cơ quan, nhiều đấng mày râu nhộn nhịp đi mua hoa tặng chị em phụ nữ. Những cửa hàng hoa dọc chợ Hàn, cạnh chợ Cồn, trên các phố Đà Nẵng đông đúc hơn hẳn. Thế nhưng, nếu tò mò dõi theo “công nghệ” phục vụ hoa tươi ở nhiều cơ sở, người ta sẽ hơi bất ngờ khi nhận ra đang có rất nhiều thủ thuật được người bán áp dụng, biến thể các cành hoa rẻ tiền ra giá trị để kiếm lời.

Những bông hoa được xịt sơn, kim nhũ để chờ cắm vào các lẵng hoa.

Một cách thức khá phổ thông đang diễn ra nhan nhản là các cửa hàng sẽ chỉ đặt về các loại hoa hay dùng tặng, với màu sắc đơn giản, chủ yếu là thuần trắng, có giá rẻ hơn, rồi dùng các loại bình sơn xịt nước để “cải tạo” thành những nụ hoa muôn hồng ngàn tía, lấp lánh nhũ kim…

Một cành hoa trắng theo kiểu pha chế này, sẽ có thể hóa thành sắc đỏ ấn tượng, hay vàng ngà 1 cách thích mắt, sau khi cắm vào các lẵng hoa sẽ rất được người mua tán thưởng.

Dường như không ai để ý những bông hoa đó chỉ sau 1 đêm là héo rũ hay thâm tím, bởi hầu hết các loại sơn được pha xịt lên đều có nguồn gốc sơn dầu Trung Quốc, không rõ xuất xứ. Bản thân chúng tôi thử dùng nước ấm phun lên các cánh hoa đó, sau vài phút đã thấy màu sắc bị loang lổ, nhất là các loại kim nhũ chảy màu rất nhem nhuốc. Liệu có an toàn để người ta trưng các lẵng hoa đó ở phòng khách, trên bàn làm việc và có người còn… ngửi trực tiếp vào các bông hoa ?

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Đo lường chất lượng hàng hóa Đà Nẵng, nói rằng những sự việc “tưởng bé” ấy đang là nỗi lo của những người làm công tác giám sát chất lượng hàng hóa thị trường. Nếu trước đây, hiện tượng “làm giả” sản phẩm chỉ quy kết ở những cơ sở vi phạm trắng trợn bản quyền, nhái mẫu mã, thì bây giờ nhiều người kinh doanh đang vận dụng nhiều mánh khóe để tạo lợi nhuận từ các sản phẩm không đúng thực chất do chính họ đưa ra.

Tương tự như vậy, sẽ rất khó phân biệt nổi đâu là 1 ly cafe đầy bọt được pha chế theo cách thức truyền thống, với những ly café trộn chất tạo bọt, chỉ cần quấy thìa vài vòng là xong. Do quan niệm cafe nhiều bọt là chất lượng, nên nhiều người tiêu dùng không để ý các cơ sở rang xay cafe đã có thủ thuật trộn các chất tạo bọt vào quá trình đóng gói. Chủ yếu đó là các loại chất liên quan đến xút, chất tẩy rửa, dù lượng rất nhỏ song vẫn đủ tác dụng thay đổi bản chất sản phẩm thức uống. Bản thân các chủ quán cũng vì lợi nhuận, tiết kiệm thời gian, yên lặng chấp nhận các loại cafe gói như thế. 

Gần đây, với kiểu tính toán giảm chi phí, nhiều cơ sở bánh kẹo, thực phẩm chế biến sẵn qua đóng gói còn có “sáng kiến” rút bớt đi trọng lượng sản phẩm, giữ giá không tăng. Ngoài ra, người ta có thể tìm thấy thạch cao trong tàu hũ, chao, đậu phụ; hàn the ở phở, sợi mì… Rõ ràng không có người tiêu dùng nào đi cân đong được các gói thực phẩm ăn liền đó với mức chỉ vài trăm gram. Cho nên, mọi dấu vết đánh lừa đều dễ dàng bị bỏ qua và các cơ sở kinh doanh thiếu trách nhiệm ung dung hưởng lợi.

Theo ông Tuấn, để phần nào ngăn chặn những vi phạm trên, đơn vị ông đang kiến nghị Sở Khoa học – Công nghệ phối hợp các ban ngành hữu quan tăng cường thanh tra, giám sát chất lượng hàng hóa trên địa bàn Đà Nẵng kể từ đầu tháng 11-2008. Trước hết, sẽ là các đợt kiểm tra lại cân đong khối lượng hàng hóa đóng gói, rồi tiến đến giám định chất lượng các nguyên liệu, dây chuyền chế tạo những sản phẩm hàng hóa kém, bị pha trộn hay đánh lừa phẩm chất.

Tuy nhiên, việc giám sát này sẽ chỉ hiệu quả khi chính người tiêu dùng chủ động nắm bắt trước, đấu tranh và phân biệt để phòng ngừa các hiện tượng gian lận chất lượng hàng hóa. Một khi người tiêu dùng còn thờ ơ với yêu cầu đánh giá đúng và phân biệt đúng sản phẩm hàng hóa mua về, thì những cảnh “gian tham” của nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh sẽ vẫn còn tồn tại.

UYÊN NGHI

;
.
.
.
.
.