Theo nghiên cứu của Trung tâm Phát triển bền vững, hình thức đấu thầu thông qua Internet là con đường hiệu quả nhất giúp các đơn vị kinh tế Việt Nam chủ động tìm khách hàng quốc tế, thế nhưng ở Việt Nam, mới chỉ có hơn 24% đơn vị tham gia đấu thầu trên Internet. Điều này cho thấy sau 2 năm gia nhập WTO, nhiều DN chưa thực sự chủ động trong hội nhập kinh tế quốc tế…
Hơn 24% DN đấu thầu qua mạng
Hướng dẫn DN tham gia vào sàn đấu thầu điện tử. |
Quy mô của các đơn vị được khảo sát rất lớn, có đến 35,65% số đơn vị có phạm vi hoạt động trên toàn quốc, 34,6% đơn vị hoạt động tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Kết quả cho thấy, 59,7% thông tin dự thầu được thông báo qua quan hệ cá nhân, thông báo qua nội bộ ngành và hiệp hội 37%, chỉ có 24,39% thông báo qua Internet.
Bà Thu Hương nhận định: Hình thức thông báo thầu qua Internet là phương pháp hiệu quả nhất để các nhà mời thầu mở rộng hợp tác quốc tế. Thế nhưng, kết quả khảo sát mới chỉ có hơn 24% thông báo đấu thầu qua Inernet, chứng tỏ một điều các đơn vị hoạt động kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp chưa thực sự chủ động “vươn ra biển lớn” sau 2 năm Việt Nam chính thức gia nhập WTO.
Tuy đã có một số doanh nghiệp tham gia đấu thầu quốc tế thông qua mạng, như Công ty Dệt Phong Phú, Công ty Dệt Thắng Lợi, một số đơn vị thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam... thế nhưng nước ta chưa có được hệ thống thông tin đấu thầu thông qua mạng chính thống của Nhà nước. Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã vận hành thử nghiệm hệ thống đấu thầu qua mạng từ 1-9-2004 về giá điện nội bộ, nhưng thông tin chưa được nhiều, mục tiêu chính mới chỉ là thông báo mời thầu.
DgMarket VN: Sân chơi mới trong thời kỳ hội nhập
Bà Thu Hương khẳng định: dgMarket VN là thành viên của dgMarket thế giới và là “con thuyền” đưa các doanh nghiệp Việt Nam chủ động đến với quốc tế. Hiện dgMarket thế giới đã triển khai thành công tại 11 quốc gia khác nhau với 150.000 lượt người truy nhập/tháng; 300 tỷ USD tổng giá trị các gói thầu trên toàn cầu/năm và 50.000 thông báo thầu có hiệu lực mỗi ngày.
Điều quan trọng nhất của dgMarket VN là tính khách quan, minh bạch, công khai, khắc phục được các tiêu cực cho người tham gia đấu thầu và người gọi thầu. dgMarket VN sau hơn một năm có mặt tại Việt Nam (tháng 8-2007) đã thực sự Việt hóa bằng công trình nghiên cứu khảo sát thực trạng đấu thầu tại Việt Nam và đã có trên 1.000 gói thầu thông báo minh bạch thông qua dgMarket VN trên website dgmarketvietnam.org.vn. dgMarket VN góp phần hạn chế tối đa tình trạng khép kín và tiêu cực trong hoạt động đấu thầu.
Ông Nguyễn Việt Hùng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: Cổng đấu thầu trực tuyến sẽ cho phép doanh nghiệp hoạt động dựa trên cơ sở năng lực xử lý thông tin, chứ không phải năng lực xử lý “quan hệ” như trước đây. Từ nhiều năm nay, cứ nói đi đấu thầu thì các doanh nghiệp nghĩ đến chuyện đi tìm “quan hệ”. Hình thức đấu thầu trực tuyến chính là môi trường cạnh tranh lành mạnh, một sân chơi công bằng cho doanh nghiệp. Sau 1 năm hoạt động, dgMarket VN thực sự là “sân chơi” đấu thầu qua mạng hiệu quả nhất hiện nay.
Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG