.

Đẩy mạnh chương trình phát triển nhà ở xã hội

.

Cuối tháng 9-2008, Bộ Xây dựng đã có tờ trình số 84/TTr-BXD về chương trình đầu tư phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2009-2015, với tổng vốn 49.000 tỷ đồng. Tờ trình đã chỉ rõ việc có nhà ở thích hợp và an toàn là nhu cầu thiết yếu, là nguyện vọng chính đáng của mỗi công dân, trong đó có các đối tượng thuộc diện chính sách xã hội.

Đà Nẵng dẫn đầu cả  nước về tỷ lệ cán bộ, công chức có nhà ở và diện tích đất ở

Nhiều khu nhà ở xã hội ở Đà Nẵng được đầu tư xây dựng.

Kết quả điều tra, thống kê về thực trạng nhà ở của cán bộ, công chức   cho thấy hiện nay trên phạm vi cả nước, có gần 2 triệu cán bộ, công chức, viên chức (khoảng 250 nghìn cán bộ, công chức và trên 1,6 triệu viên chức), trong số đó chỉ có 2/3 số cán bộ, công chức đã tự lo được nhà ở cho mình; 1/3 còn lại (chủ yếu tập trung ở các đô thị lớn) chưa có chỗ ở ổn định (phải ở ghép hộ, ở nhờ, ở tạm).

Tỷ lệ cán bộ, công chức có nhà ở riêng tại các địa phương tương đối đồng đều (Đà Nẵng: 76,6%; Long An, Lạng Sơn: 61,4%). Tuy nhiên, diện tích nhà ở bình quân tại các địa phương chênh lệch khá lớn (Lạng Sơn, Thừa Thiên-Huế và Hà Nội có diện tích thấp nhất, từ 7 - 7,5 m2/người; thành phố Hồ Chí Minh: 12m2/người; Long An: 15,6m2/người và cao nhất là Đà Nẵng: 20m2/người). Về chất lượng nhà ở, chỉ có khoảng 55% nhà kiên cố, 40% bán kiên cố, còn lại là nhà tạm.
 
Đối với những cán bộ, công chức được phân phối nhà chung cư trước đây, hầu hết chất lượng nhà đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng chưa được sửa chữa kịp thời. Đối tượng gặp khó khăn về nhà ở tập trung vào các hộ gia đình trẻ có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ nên rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước để giúp họ cải thiện chỗ ở.

Ngoài ra, tại khu vực đô thị vẫn còn hàng vạn hộ gia đình thuộc các thành phần kinh tế đang phải sống trong điều kiện chỗ ở không bảo đảm tiêu chuẩn tối thiểu. Kết quả khảo sát cho thấy, trên 30% các hộ gia đình  có diện tích nhà ở dưới 36m2. Chỉ có 25% hộ gia đình có nhà ở kiên cố và 19% sống trong những căn nhà tạm bợ, cấu trúc không bền vững được làm từ các nguyên vật liệu rẻ tiền. Nhiều hộ gia đình thu nhập thấp phải tận dụng không gian nhà ở chật hẹp của mình để làm dịch vụ (sửa chữa đồ dùng gia đình, bán tạp hóa, sản xuất hàng thủ công...). Theo đánh giá chung, có khoảng 15 - 20% hộ gia đình thuộc các thành phần kinh tế tại khu vực đô thị thực sự gặp khó khăn về chỗ ở.


Mức thu nhập thấp là nguyên nhân cơ bản làm cho đại bộ phận những người lao động ở nước ta, bao gồm cả những đối tượng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước và những đối tượng làm việc trong các thành phần kinh tế rất khó có điều kiện để tạo lập chỗ ở, nếu không có chính sách tạo điều kiện, hỗ trợ của Nhà nước và của cộng đồng.

Một số cơ chế chính sách


 

Tính đến nay, chương trình “Có nhà ở” của thành phố đã giải quyết 2.600 căn hộ chung cư, nhà ở liên kế cho đối tượng hộ dân nghèo, hộ có thu nhập thấp.
 
Trong năm 2008, thành phố Đà Nẵng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 4 khu chung cư, giải quyết trên 600 hộ gia đình có nhà ở để an cư. Cụ thể, chung cư Hòa Thuận có 64 căn hộ, chung cư Nại Hiên Đông 2 có 4 đơn nguyên với 244 căn hộ, chung cư cuối tuyến đường Bạch Đằng Đông có 6 đơn nguyên với 216 căn hộ và chung cư Khuê Trung gồm 2 đơn nguyên với trên 120 căn hộ. (Nguồn: Sở Xây dựng Đà Nẵng)

 
Quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, được hình thành từ các nguồn do UBND tỉnh, thành phố duyệt quy hoạch xây dựng đô thị gắn với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại địa phương; do các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, dự án khu đô thị mới trên phạm vi địa bàn có trách nhiệm chuyển giao một phần diện tích đất theo quy định...

Về quy hoạch và kiến trúc nhà ở xã hội phải đáp ứng các điều kiện, cần lựa chọn những vị trí trong khu vực đô thị đã có hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội hoặc gắn với dự án nhà thương mại, dự án khu đô thị mới, khu dân cư đã hình thành để bố trí xây dựng các dự án nhà ở xã hội độc lập hoặc liền kề với các dự án hoặc các khu dân cư đó, nhằm kết hợp khai thác, sử dụng chung hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội sẵn có. Quy mô dự án nhà ở xã hội cần căn cứ vào điều kiện của từng địa phương do UBND tỉnh, thành phố quyết định đối với từng dự án cụ thể.

Trong giai đoạn 2009-2015, cần đầu tư xây dựng khoảng 184.000 căn hộ tương đương 9.580.000m2 sàn (mỗi năm khoảng 26.000 căn, tương đương 1.365.000m2 sàn), nhằm giải quyết chỗ ở cho khoảng 30% số hộ gặp khó khăn về nhà ở tại khu vực đô thị. Tổng số vốn đầu tư của toàn bộ Chương trình khoảng 49.000 tỷ đồng gồm:

Nguồn vốn Nhà nước khoảng 25.600 tỷ đồng dành để đầu tư xây dựng quỹ nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước để cho thuê, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ khoảng 11.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương khoảng 14.600 tỷ đồng. Vốn huy động của các thành phần kinh tế khoảng 23.400 tỷ đồng để đầu tư xây dựng quỹ nhà ở xã hội để cho thuê hoặc thuê mua.

Kế hoạch đầu tư giai đoạn 2009-2010 với kinh phí năm 2009 dự kiến đầu tư từ ngân sách khoảng 2.200 tỷ đồng. Kế hoạch đầu tư giai đoạn 2011-2015 dự kiến khoảng 40.800 tỷ đồng.

 

“Đối tượng và điều kiện để được thuê, thuê mua nhà ở xã hội phải thuộc diện chưa được Nhà nước hỗ trợ về nhà ở. Ngoài ra, người được thuê, thuê mua nhà ở xã hội phải đáp ứng điều kiện về thu nhập bình quân hằng tháng theo quy định.

Phương thức cho thuê mua được ưu tiên áp dụng đối với các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân. Thời hạn cho thuê nhà ở xã hội do UBND cấp tỉnh, thành phố quy định, nhưng tối đa không vượt quá 15 năm”.

 


Bài và ảnh: NAM PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.