22 năm đổi mới, đội ngũ doanh nhân nước ta đã vươn ra làm ăn với hàng trăm nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đội quân ấy đã đưa hàng trăm thương hiệu Việt đến khắp các châu lục. Đội ngũ doanh nhân đã trở thành “sứ giả” văn hóa, làm cho thế giới hiểu hơn về con người và văn hóa Việt Nam.
Trao đổi nghiệp vụ giữa các doanh nhân-một hoạt động của Hội DN trẻ |
Tuy nhiên so với các nước, đội ngũ doanh nhân của ta còn vô cùng nhỏ bé. Ở châu Âu cứ 1.000 dân có 52 doanh nghiệp, còn ở ta, 1.000 dân có chưa tới 0,7 doanh nghiệp. Doanh nhân châu Âu có hàng ngàn năm kinh nghiệm, doanh nhân nước ta chỉ mới tham gia thị trường thực sự 22 năm nay. Cho nên xây dựng một đội ngũ doanh nhân hùng mạnh phải là mục tiêu chiến lược lớn của Đảng và Nhà nước. Muốn có đội ngũ doanh nhân như thế chúng ta còn phải làm rất nhiều việc. Chúng tôi xin nêu một số vấn đề lớn.
Thứ nhất, về nhận thức quan điểm, phải làm cho toàn xã hội gột bỏ tâm lý sợ “kinh tế tư nhân phát triển”. Đây là vấn đề căn bản của nhận thức trong kinh tế thị trường. Đã có một thời chúng ta cho rằng, sở hữu tư nhân là cái cần xóa bỏ. Tâm lý đó đã qua gần 23 năm đổi mới, hiện vẫn rất nặng nề. Cho nên, các nhà doanh nghiệp tư nhân bao giờ cũng mặc cảm, lẻ loi, lo lắng... vì mình thuộc thành phần “con nuôi”. Mặt khác, tâm lý xã hội tiểu nông không bao giờ coi trọng giới doanh nhân (sĩ, nông, công, thương).
Tặng tập vở cho học sinh vùng lũ, một trong những hoạt động xã hội tích cực của cá DN ở Đà Nẵng. |
Thậm chí cả trong các văn bản pháp quy của Nhà nước các cấp, việc chế tài, quản lý được đặt nặng hơn là hỗ trợ và tạo điều kiện! Nhiều chính sách như đất đai, mặt bằng cho sản xuất, tài chính - tín dụng, lao động - tiền lương, hỗ trợ thông tin, xúc tiến thương mại, đào tạo nhân lực, v.v... còn phân biệt đối xử đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Doanh nhân vẫn còn sợ nhà nước, sợ chính quyền, sợ công chức làm khó.
Thứ ba, hiện nay rất nhiều công chức tìm mọi cách để sách nhiễu doanh nghiệp, “xin đểu”, “phạt đểu”, nạn phong bì, đẻ ra hàng trăm “lệ phí không tên” để hành doanh nhân. Điều đó làm cho đội ngũ doanh nhân ít nhiều nản chí tiến thủ, không còn mấy nhiệt tình để kinh doanh. Đó là chưa kể rất nhiều vụ án dân sự do lỗ lã, thiếu nợ của doanh nhân biến thành án hình sự, bắt bớ cầm tù oan nhiều doanh nhân. Tất cả những cách “ứng xử theo phong cách tiểu nông” và cửa quyền đó làm thui chột “máu kinh doanh” của rất nhiều doanh nhân, cản trở rất lớn đến sự phát triển của đội ngũ doanh nhân Việt Nam.
Thứ tư, đội ngũ giám đốc hàng ngàn doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) hiện nay là những người được chính quyền bổ nhiệm. Vì bổ nhiệm cho nên không cần có trình độ, năng khiếu kinh doanh cũng được làm giám đốc. Vì thế mà có tới trên hai phần ba số DNNN thua lỗ, phá sản, hay làm ăn cầm chừng. Một số giám đốc DNNN này luôn tìm cách rút ruột Nhà nước bằng các dự án ma để làm giàu cho bản thân và họ hàng. Hàng loạt vụ án của các Tổng công ty Nhà nước mà báo chí phanh phui thời gian gần đây đã minh chứng cho nhận định đó.
Cho nên theo chúng tôi, muốn làm trong sạch đội ngũ doanh nhân, trước hết phải làm trong sạch hàng ngũ giám đốc DNNN. Việc đó thật vô cùng dễ. Sau khi xác định chủ sở hữu tài sản của DNNN, còn giám đốc thì thuê. Có thể một giám đốc công ty tư nhân trong nước hay nước ngoài được thuê điều hành DNNN. Làm được việc đó, sẽ chấm dứt tình trạng tham nhũng, tiêu cực nặng nề hiện nay ở các Tập đoàn, Tổng công ty và DNNN, đồng thời làm trong sạch đội ngũ doanh nhân Việt Nam.
Doanh nhân là đội quân làm ra của cải xã hội; lo đầu vào đầu ra cho nông nghiệp, công nghiệp; nộp thuế để nuôi bộ máy; tích lũy cho đầu tư phát triển, v.v... Nên phát triển lực lượng doanh nhân hùng hậu phải trở thành chiến lược lớn của Đất nước.
Minh Tâm