.

Diễn biến giá dầu thế giới: Tin tốt cho tất cả mọi người

.

(ĐNĐT) - Khi lượng dầu tiêu thụ toàn cầu sụt giảm do cuộc khủng hoảng kinh tế, giá dầu cũng đi xuống cùng với nó. Nếu cứ tiếp tục xu hướng này, như nhiều nhà phân tích vẫn mong đợi, thì hàng tỷ USD sẽ trở về túi tiền của người tiêu thụ và nền kinh tế đã “sứt mẻ” sẽ được tiếp thêm sức.

Trong nhiều tuần qua, giá dầu rơi vào tình trạng không ổn định, bấp bênh giữa mức 91 USD và 120 USD/thùng trong lúc thị trường tài chính đang điên đảo. Tuy nhiên, với việc nhu cầu về dầu sụt giảm ở hầu hết các nước phương Tây và tốc độ tăng trưởng chậm lại ở một số nền kinh tế đang “phất” lên của châu Á, thì giá dầu có khuynh hướng giảm xuống. Trong tuần đầu tiên của tháng 10, giá dầu đã giảm 13% và đến ngày 7-10, giá dầu thô đã giảm xuống ở mức 88 USD/thùng, thấp nhất trong vòng 8 tháng qua.

Tạp chí Russia Profile gọi những diễn biến của giá dầu trong thời gian qua là tin tốt lành cho tất cả mọi người.

Nhu cầu giảm

Việc giá dầu tăng lên trong thập kỷ qua là điều tốt lành đối với các nhà sản xuất như Nga, nhưng lại không hay chút nào đối với người tiêu thụ. Khi cuộc khủng hoảng bùng phát và giá cả vùn vụt leo thang để lại hậu quả không thể thay đổi được đối với nền kinh tế toàn cầu, giá dầu thô tụt dốc mạnh mẽ như lúc nó tăng lên, khiến các nước xuất khẩu tỏ ra hết sức băn khoăn lo lắng. Nhưng cuối cùng thì giờ đây, giá dầu xem ra đã bình ổn trở lại.

Vào tháng 7-2008, giá dầu đã vượt qua cả mức tăng cao nhất "mọi thời đại" vào đầu những năm 80, một điều mà cách đây vài năm không ai ngờ tới. Ảnh: Peak-Oil-Crisis


Sau khi duy trì ở mức giá 20 USD/thùng gần suốt những năm 90, giá dầu bắt đầu tăng lên mạnh mẽ trong năm 2000, vượt qua cả mức kỷ lục trong giai đoạn 1977-1981 sau khi đã được điều chỉnh theo lạm phát, vượt ngưỡng 100 USD và cuối cùng lập một kỷ lục mới với giá 147,27 USD/thùng hồi tháng 7-2008. Các nhà xuất khẩu dầu thô đang đắm đuối trong mức tăng trưởng đó đã dự đoán trước những khoản lợi nhuận thậm chí còn khổng lồ hơn.

Tháng 6-2008, Alexei Miller, Giám đốc điều hành Tập đoàn dầu khí lớn nhất nước Nga - Gazprom - đã tiên liệu rằng chẳng bao lâu nữa, giá dầu sẽ leo lên 250 USD/thùng. Cũng vào thời điểm đó, Chủ tịch Hiệp hội các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) Chakib Kelil đặt ra mức đỉnh điểm trong tương lai sẽ là 170 USD.

Những lời dự đoán này gần như lập tức mất giá trị, khi dầu thô Brent hạ xuống dưới 90 USD/thùng và dầu thô ngọt nhẹ chạm mức 91 USD/thùng hồi tháng 9 vừa qua, sau khi cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng tấn công các nhà tiêu thụ dầu thô hàng đầu thế giới, chủ yếu là Mỹ. Giá hàng hóa bỗng chốc trở thành một trong những nguyên nhân chính yếu của sự suy thoái. “Giá dầu cao đã kích hoạt trận lở tuyết này, việc giá dầu tăng lên quá nhanh do nạn đầu cơ đã khiến người tiêu dùng không đủ khả năng đáp ứng được nhiều mặt hàng”, Boris Kagarlitsky, Giám đốc Viện Nghiên cứu Toàn cầu hóa và Phát triển Xã hội, nhận xét.

Nhu cầu về dầu mỏ đã tụt dốc một cách trầm trọng. Doanh số bán xe ô-tô ở châu Âu dự kiến sẽ kết thúc năm nay ở mức thấp nhất kể từ năm 1997, trong khi con số này ở Mỹ dự kiến sẽ giảm hơn 3 triệu chiếc kể từ năm ngoái. Lượng tiêu thụ nhiên liệu ở Mỹ đã hạ xuống mức năm 2001 và bên cạnh đó, một số thị trường chủ chốt, gồm xây dựng và sản xuất thép, cũng giảm tốc độ sản xuất.

Khi giá dầu lên tới mức đỉnh điểm, lượng tiêu thụ dầu giảm 6% trong tháng 7, xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm, trong khi số km đường giảm nhiều nhất kể từ năm 1979, theo thống kê mới nhất của Cục Đường bộ Liên bang Mỹ. Ở các nước công nghiệp hóa - chiếm 60% nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu - lượng tiêu thụ có thể giảm 1,3 triệu thùng/ngày trong năm nay, mức sụt lớn nhất từ năm 1982, theo các nhà phân tích tại Bernstein Research.

Chi phí cho dầu là một nguyên nhân nặng ký khiến ngành hàng không toàn cầu thất thu. Chi phí nhiên liệu chiếm 14% trong phí tổn của các hãng hàng không vào năm 2000, nhưng dự đoán sẽ lên tới 40% trong năm tới, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cho biết. “Ngành của chúng ta giống như Sisyphus”, Chủ tịch IATA, Giovanni Bisignani, phát biểu tại một hội nghị ở Istanbul mùa hè này. “Sau một chặng đường dài leo lên dốc, thì một tảng đá - tin xấu khổng lồ lại đang đẩy chúng ta rơi xuống trở lại.” (Theo truyền thuyết, các vị thần đã trừng phạt Sisyphus bằng cách bắt anh ta vĩnh viễn phải làm một việc là lăn một tảng đá lớn lên đỉnh núi để rồi lại phải chứng kiến nó tự lăn ngược trở lại chân núi. Họ nghĩ rằng không có sự trừng phạt nào khủng khiếp bằng việc bắt người ta làm một việc vô ích, vô vọng đến vậy).

Đâu là giá trị thực của dầu?

“Giá dầu hạ xuống là phản ứng của thị trường đối với những thay đổi về nguồn cầu, thị trường đang mong mỏi giá dầu sẽ tiếp tục giảm xuống”, Andrei Kochetkov, một chuyên gia phân tích tại RosFinKom, nhìn nhận. Dự kiến nguồn cầu sẽ tiếp tục giảm trong năm 2009, làm tiêu tan mọi hy vọng về một mức giá đến 200 USD/thùng như một số nhà sản xuất dầu kỳ vọng. Thậm chí, còn có tiên đoán rằng dầu thô có thể rơi xuống 50 USD/thùng vào năm tới, căn cứ vào sự suy thoái toàn cầu hiện nay. Ở Nga, các chuyên gia phân tích tại Viện Nghiên cứu Toàn cầu hóa và Phát triển Xã hội (thường đưa ra các dự báo của riêng mình) cho rằng giá dầu thật sự có thể giảm xuống 50 USD/thùng và thậm chí 40 USD/thùng.

Giá dầu đang có xu hướng tiếp tục giảm trong thời gian tới. Ảnh: Internet


Theo nghiên cứu của Bernstein Research, “những số liệu gần đây cho thấy, có lẽ rốt cuộc chúng ta cũng chạm mức cầu phủ định.” (Cầu phủ định đối với một mặt hàng là khi người tiêu thụ không có nhu cầu và cũng không muốn mua mặt hàng đó). Nhiều nhà phân tích đồng ý với điều này khi dự báo, giá dầu có thể rớt xuống mức 50 USD/thùng trong cơn suy thoái toàn cầu. Theo chuyên gia nghiên cứu thị trường hàng hóa tại JPMorgan, Lawrence Eagles, cơn bão tại các thị trường tài chính đã gây ra những hậu quả đáng kể đối với thị trường dầu.

Tuy vậy, cũng giống như những tiên đoán trước kia về mức giá 200 USD, những dự báo này dường như bị chi phối bởi cảm nhận mang tính thời cuộc hơn là một bản theo dõi chi tiết của những xu hướng lâu dài. Mức giảm quay trở lại mức 100 USD/thùng là dấu hiệu cho thấy giá dầu cuối cùng đã cân bằng trở lại và sẽ không chứng kiến một sự thay đổi nghiêm trọng nào trong vài năm tới.

“Khi giá dầu thô chỉ nhỉnh hơn 11 USD/thùng hồi năm 1998, không ai hài lòng với con số này cả, nguyên nhân xuất phát từ những nguồn đầu tư khổng lồ đã được đổ vào ngành này, và đã xảy ra khủng hoảng thừa về dầu”, ông Kochetkov nói, khi giải thích rằng giá dầu thấp cũng như mức giá 150 USD/thùng do nạn đầu cơ, đều chẳng hay ho gì. Theo ông Kochetkov, nhìn chung, việc tiêu thụ dầu sẽ không ngừng lại, và khi đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng qua đi, giá dầu sẽ có thể dự đoán trước, sẽ có một sự cân bằng trên thị trường.

Trong bối cảnh như vậy, Nga và khối OPEC có thể sẽ chung sức với nhau để giữ cho dầu không bị rớt giá lần nữa, cùng với các mức cắt giảm sản lượng hợp lý. Giá cả đã cho thấy những dấu hiệu mạnh mẽ của sự ổn định ở mức 100 USD. Ông Kochetkov cho rằng dự báo dài hạn cho giá dầu sẽ ổn định trong khoảng 75 USD - 125 USD/thùng. "Giá dầu hiện đang tìm kiếm giá trị thực và không ai hoàn toàn chắc chắn rằng nó là gì”, Tom Bentz, nhà phân tích năng lượng tại BNP Paribas ở New York, nói. “ (Nó) sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc bức tranh kinh tế toàn cầu sẽ hình thành như thế nào”.

“Xem ra, chúng ta chỉ có thể được nhìn thấy giá dầu 30 USD/thùng một lần nữa nếu như đồng USD được định giá lại”, chuyên gia Andrei Kochetkov nhận định.
 
NI NA (Theo Russia Profile, New York Times, Financial Times)

;
.
.
.
.
.