.

Doanh nghiệp Đà Nẵng: Chủ động tìm hướng đi tốt hơn

.

(ĐNĐT) - Các doanh nghiệp (DN) Đà Nẵng đang chuẩn bị kết thúc năm tài chính 2008, chuẩn bị kế hoạch năm 2009 với tâm lý ngổn ngang giữa khó khăn và cơ hội. Lựa chọn của nhiều DN là không chấp nhận sự thụ động dè dặt nữa, mà phải nhanh chóng chuyển đổi, kể cả đánh đổi hoán chuyển thương hiệu để tìm được hướng đi tốt hơn.

Một năm nhiều khó khăn

Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn Công ty Dệt may Hòa Thọ là DN được đánh giá tăng trưởng xuất sắc năm 2008.

Lạm phát. Đó là từ được các DN Đà Nẵng dùng nhiều nhất trong 10 tháng qua. Họ ước tính cho đến nay, con số thay đổi giá cả từ đầu vào đến đầu ra sản xuất, dịch vụ đã tăng lên tối thiểu 2 lần so với cùng kỳ năm 2007. Cụ thể về lãi suất ngân hàng, các DN đã phải chấp nhận từ 12% lên 21 – 24% cho một năm vay; đầu vào các loại nguyên liệu và chi phí sản xuất từ 20 – 27%; đầu tư về nhân lực biến động tăng trên 10%.

Trong khi đó, cơ hội làm ăn của nhiều DN đã giảm thấp so với năm 2007, bởi phần lớn dự án phát triển, mở rộng năng lực phải tạm hoãn, mức khấu hao nhiều thiết bị, công nghệ đầu tư giảm đi, làm kéo dài thêm thời gian hoàn vốn. Tất cả đã tạo ra áp lực lớn cho các DN dịch vụ và sản xuất kinh tế.

Trong tình hình như vậy, không như mọi năm, đến thời điểm này nhiều DN sản xuất của Đà Nẵng vẫn chưa phác thảo được kế hoạch 2009. Ông Trần Văn Phổ, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dệt may Hòa Thọ, tỏ bày, dù là DN được đánh giá tăng trưởng xuất sắc năm nay nhưng hiện tại mọi thông tin định hướng về cơ hội cho năm mới, ông vẫn rất dè dặt. Những dấu hiệu bất ổn của thị trường tài chính quốc tế, đặc biệt là kinh tế Mỹ, khu vực xuất khẩu chính của DN, đang đe dọa chỉ số kế hoạch không thể tăng cao. Đặc biệt từ ngày 1-1-2009 đến, cánh cửa WTO mở rộng thêm sẽ buộc DN lo cân đối lại thị phần nội địa, đúng cam kết cộng hưởng phát triển với các DN dệt may khác trong Tổng Công ty Dệt may Việt Nam.

Tâm tư băn khoăn của ông Phổ cũng chính là hiện trạng tâm lý chung ở nhiều DN sản xuất ở Đà Nẵng, nhất là các DN tư nhân, trước áp lực biến động tài chính đầu vào năm 2008 gần như đang làm họ hụt hơi.

Ông Thái Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Nam Sơn, nhìn nhận, thậm chí so với nhiều DN địa phương khác, các đơn vị sản xuất tại Đà Nẵng đang bị nhiều trở lực hơn. “Như DN chúng tôi, năm 2006 đã gần như đổ nát với cơn bão số 6. Chưa kịp khắc phục xong, năm 2007 lại có tiếp cơn bão giá. Còn năm nay, lại là lạm phát, hạn chế nguồn vay. Vậy làm sao đủ để chúng tôi tự tin đặt ra các con số phát triển mạnh được”, ông Dũng nói.

3 bài học khắc phục khó khăn

Năng lực đội ngũ lao động trong tay sẽ là chìa khóa để các DN tìm kiếm được các đơn hàng mới, các sản phẩm mới, giàu tính chủ động và đầu tư chất xám cao hơn.

Trong bối cảnh như vậy, các DN đối mặt với năm kế hoạch 2009 bằng sự chủ động và tư duy mới. Theo một số DN, chí ít giờ đây, họ cũng đã phải đặt ra 3 vấn đề, cũng là 3 bài học đòi hỏi họ phải chuyển đổi ngay để bắt nhịp tình hình.

Thứ nhất, theo các DN, hơn 10 tháng qua hoạt động kinh tế đầu tư của họ bị cản trở một phần do lệch hướng từ thị trường bất động sản và tài chính. Có DN thú thật nếu chỉ dựa vào doanh thu sản xuất làm ăn, thì năm nay không có chuyện lỗ. Song, ai cũng thấy trong cơn sốt thị trường đất đai cuối năm 2007, có nhiều DN đã “lỡ tham gia” vào đầu tư địa ốc. Hậu quả có những đơn vị dân doanh đã bế tắc do nguồn vốn dự trữ, lưu động bị khê đọng ở khâu này. Có đơn vị dự báo phải đến quý 3-2009 mới giải quyết xong “món nợ đất đai”. Vì thế, các DN đang phải tự “cảnh tỉnh” lại mình để chuyển hướng chuyên chú trở lại vào sản xuất kinh doanh để khắc phục tình hình.

Thứ hai, bài toán đầu tư tràn lan vào các dự án thiếu cân nhắc, nhất là do tranh thủ các nguồn vay, mở nhà máy, thành lập DN con của một số đơn vị giờ đã thất bại bởi biến động tài chính, đầu tư chứng khoán. Một số DN tại KCN Hòa Khánh hiện đã có thông tin sẽ buộc phải đổi mô hình làm ăn, kể cả chấp nhận bán lại nhà máy, cơ sở kém hiệu quả, “làm không đủ trả lãi ngân hàng”. Tiêu chí cổ phần hóa được một số DN tính đến trên tinh thần tìm kiếm cơ hội hợp tác với các nhà đầu tư khác.

Ông Thái Dũng xác nhận đây là cách đi của công ty ông, bắt đầu từ việc cắt sản xuất thiết bị phụ tùng xe máy sang làm gia công hàng gia dụng cho đối tác nước ngoài. Ông cho biết: “Nếu thành công bước đầu, chúng tôi sẽ kêu gọi các nguồn đầu tư hỗ trợ thêm từ đối tác, bạn hàng để tìm hướng đi tốt hơn”.

Cuối cùng, theo các DN, tập trung đào sâu, nghiên cứu các sản phẩm phù hợp thị trường, đón đầu nhu cầu khách hàng, tăng cường chất lượng quản trị nguồn lực, chú ý vai trò con người là vấn đề quan trọng để họ chuyển đổi tốt với năm 2009. Ông Phổ giải thích, trước đây các vấn đề “văn hóa ứng xử DN”, sự gắn bó giữa người lao động và DN có lúc bị xem nhẹ, nhưng bây giờ đơn vị nào cũng cần đẩy lên, làm nền tảng ổn định để phát triển. Chính năng lực đội ngũ lao động trong tay sẽ là chìa khóa để các DN tìm kiếm được các đơn hàng mới, các sản phẩm mới, giàu tính chủ động và đầu tư chất xám cao hơn. Có như vậy, các DN mới tháo gỡ xong bài toán lúng túng loay hoay đầu vào đầu ra, thụ động ngồi chờ cơ hội đã nhiều năm chưa giải được.

Theo ông Phan Hải, Giám đốc Công ty TNHH BQ, có thể chính áp lực hoàn cảnh hiện tại, nhiều đơn vị quá bị động từ thực tế “đầu tư sai sót” lại là cơ hội để họ lao vào tìm kiếm các thị trường mới, năng động hơn. Do đó, hướng đi sắp tới đang mở ra với các DN Đà Nẵng, với cả những gánh nặng áp lực mà bắt buộc phải có đơn vị trả giá đắt và cả cơ hội cho những DN kiên trì, linh hoạt tìm kiếm lộ trình và ngã rẽ hợp lý cho mình.

Thụy Bất Nhi

;
.
.
.
.
.