.

Đường Hoàng Sa có nguy cơ sạt lở lớn

.

Tháng 6-2008, khi viết bài phản ánh công tác khắc phục hậu quả bão lụt năm 2007 trên đường Hoàng Sa, chúng tôi đã cảnh báo với tiến độ quá chậm chạp và đặc biệt phương án khắc phục chưa “xứng tầm” rất có thể trở thành công dã tràng nếu có mưa lớn. Và thật đáng lo ngại sau những ngày mưa lớn cuối tháng 9 và đầu tháng 10 vừa qua, khi trở lại công trường này, những điều dự báo trên đã xảy ra trong thực tế.

Thi công xong nhưng vẫn bị sạt lở.

Tính đến thời điểm trước tháng 9-2008, rất nhiều vị trí thi công chưa được 50% khối lượng công việc, ở một số vị trí khác chỉ mới làm xong việc thông đường. Chỉ có vị trí ngay dưới chân chùa Linh Ứng, việc kiềng khung bê-tông để trồng cỏ là hoàn thành, riêng đoạn bờ kè vẫn đang trong quá trình hoàn thành.

Mặc dù vậy, sau những đợt mưa vừa qua cho thấy phương án này không bảo đảm, khi lớp cỏ chưa kịp bén rễ cũng như khung bê-tông kiềng trên bề mặt quá đơn giản đã không giữ được lớp đất phía dưới. Kết quả là rất nhiều vị trí đất tiếp tục sạt lở, cá biệt có những chỗ sạt lở rộng đến vài chục mét vuông, để trơ lại những khuôn kiềng bê-tông. Theo quan sát của chúng tôi, hiện nay lớp đất tại khu vực này đang “no” nước nên rất mềm, vì thế trong những ngày đến, nếu có thêm nhiều trận mưa lớn, rất có khả năng tại vị trí này sẽ bị sạt lở lớn. Nếu điều này xảy ra, nền móng chùa Linh Ứng đang xây dựng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Cách đó khoảng 2km ở vị trí gần khu vực Sơn Trà Resort cũng đang trong tình trạng đáng báo động. Do bị sạt lở nghiêm trọng trong mùa mưa năm 2007, nên tại vị trí này ngoài việc xây mái ta-luy để giữ đất, đơn vị thi công còn xây giữa quả đồi một mương thoát nước dẫn từ trên cao xuống để đưa nước mưa ra biển. Tuy nhiên, do công việc chưa hoàn thành nên vô tình con mương dẫn nước  đã trở thành điểm bị sạt lở nặng nhất do lượng nước trên cả sườn đồi lớn đổ dồn về đây.

Hiện nay, Công ty Quản lý sửa chữa công trình giao thông và thoát nước thành phố đã huy động xe cơ giới lên giải phóng mặt đường, tuy nhiên khả năng hoàn thành việc xây ta-luy để tránh sạt lở là không thể thực hiện được. Vì vậy, cũng như vị trí dưới chân chùa Linh Ứng, nếu có mưa lớn kéo dài, nhiều khả năng đoạn đường nơi này sẽ bị lấp hoàn toàn do đất đá từ sườn đồi đổ xuống

Ngoài hai vị trí này, trên suốt đường Hoàng Sa còn cả chục vị trí khác có nguy cơ bị sạt lở cao khi có mưa lớn. Ví dụ, vị trí gần khu du lịch Biển Đông, bãi Bụt… đất trên sườn đồi đã bị sạt lở, lộ ra những khối đá to “treo” lơ lửng, và có thể lăn xuống bất cứ lúc nào. Điều đáng lo ngại là hiện nay có khá nhiều người “tranh thủ” những tảng đá to lộ ra để chẻ thành đá quy cách bán lại, mà không chú ý đến các biện pháp bảo đảm an toàn.

Ta-luy dựa vào sườn đồi đang ở mức báo động như vậy, còn phía biển cũng trong tình trạng báo động không kém, nhất là ở những vị trí có cống thoát nước dẫn ra biển. Khá nhiều vị trí vách núi dựng đứng nhô ra  biển đang trong tình trạng sạt lở.

Mùa mưa năm nay vẫn còn phía trước, nếu trong thời gian đến có thêm những trận mưa lớn, sẽ rất khó tránh khỏi sạt lở lớn xảy ra làm tắc nghẽn đường Hoàng Sa, giống như những gì đã từng diễn ra trong mùa lũ năm 2007. Vì thế, ưu tiên hàng đầu tại công trường này là phải tăng cường nguồn nhân lực, thiết bị để đẩy nhanh tiến độ thi công. Nếu cứ với tốc độ thi công như hiện nay, chúng ta chỉ mãi chạy theo sau để khắc phục sự cố, và cứ một năm qua đi, việc khắc phục khó khăn hơn, tốn kém hơn.

Bài và ảnh: TRẦN LUÂN SƠN

;
.
.
.
.
.