.

Gập ghềnh làng rau ven đô

.

Hơn mười năm qua, các dự án khu công nghiệp, khu dân cư mới, công viên sinh thái… hình thành đã làm giảm phần lớn đất nông nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Nhưng, tấc đất tấc vàng, người dân vẫn nỗ lực chuyển đổi ngành nghề, vật nuôi để duy trì cuộc sống. Dù kết quả đạt được ban đầu tương đối khả quan nhưng họ vẫn còn rất nhiều khó khăn cần giải quyết.

Trước mắt vẫn là “lấy công làm lời”

Tấc đất, tấc vàng, người dân vẫn nỗ lực phủ xanh những cánh đồng..

Với 17 ha chuyên trồng các loại rau xanh như cải, xà lách, mồng tơi, rau húng, dưa các loại…, khu Đa Mặn, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn được xem là vùng rau xanh tốt nhất Đà Nẵng hiện nay. Mỗi tháng cung cấp cho thành phố khoảng 600 tấn rau, luôn đạt thu nhập ở mức cao, hơn 400 triệu đồng/ha/năm. Theo ý kiến của người dân, khu vực này đất đai tương đối màu mỡ và chưa bị nhiễm chất độc hại nên thu nhập tương đối cao, nhiều hộ đã giàu lên nhờ trồng rau trong các vùng dự án.

Bên cạnh Khuê Mỹ, vùng rau đang ăn nên làm ra là đồng Hồ Bún, thuộc thôn Túy Loan Tây, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang. Năm 2002, Nhà nước đã đầu tư, cải tạo khu vực này trở thành vùng sản xuất rau an toàn (RAT), với tổng số vốn trên 500 triệu đồng. Đến khu vực này, người ta có cảm giác người nông dân ra đồng với nét mặt lấp lánh niềm vui.

Ông Trần Lượng, chủ nhiệm CLB rau an toàn tại đây cho biết, bình quân mỗi ngày có hơn 100 nông dân ra đồng trên diện tích 7 ha do 115 hộ sản xuất. Ông Lượng cũng là chủ 1.500 m2 đất dùng để trồng rau quả gồm dưa, cải, rau má, ổ qua, ớt, đậu bắp... Mỗi tháng, gia đình ông thu nhập khoảng 3 triệu đồng. Tương tự, gia đình ông Đặng Công Vui có 2.500 m2 đất trồng rau, mỗi năm thu nhập từ 15 - 20 triệu đồng/sào. Chính vì những hiệu quả đạt được, ngày 24-9 vừa qua, Hội Nông dân huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đã cử đoàn đến thăm 2 mô hình tại huyện Hòa Vang gồm khu vực trồng hoa cúc ở xã Hòa Phước và vùng rau sạch Hòa Phong.

Những hộ trồng rau luôn cần mẫn lấy công làm lời.

Sau nhiều lần đề xuất, đầu năm 2008, UBND quận Liên Chiểu đã phê duyệt Dự án xây dựng vùng chuyên canh rau quả sạch tại Hốc Miếu-Đà Sơn, phường Hòa Khánh Nam với quỹ đất 5.200m2, giao cho 10 hộ trồng thí điểm với vốn đầu tư hệ thống điện, nước trên 62 triệu đồng. Vụ xuân đầu tiên (1-2008), Phòng Kinh tế quận và Trung tâm Khuyến nông đã tư vấn và cung cấp giống, kỹ thuật miễn phí cho bà con yên tâm sản xuất.

Sau 3 tháng trồng và thu hoạch dưa gang, ổ qua, dưa leo và rau cải… kết quả đạt được trên 70 triệu đồng. Cụ thể: Ông Phan Công Minh, tổ trưởng tổ rau sạch có 1.000m2 trong vùng dự án thu gần 20,7 triệu đồng trong vụ xuân 2008, trừ mọi chi phí, lãi gần 15 triệu đồng; ông Trần Văn Toan thu được 10,5 triệu đồng/900m2/vụ... Từ 10 hộ trồng thí điểm, đến nay đã có thêm 16 hộ tự ra khai phá những vùng đất hoang hóa để sản xuất, nâng tổng diện tích lên 16.000m2. “Lấy công làm lời” vẫn là sự đúc kết của những người nông dân.

Tạo thương hiệu, chuyện không dễ

Dẫn chúng tôi đi khắp cánh đồng, ngoài hệ thống tưới tiêu được bảo đảm (25 vòi phun/sào), ông Phan Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang đã chỉ ra những hạn chế của vùng dự án RAT. Hiện nay, hơn 3.000m lưới bằng trụ bê-tông của thành phố và 1.500m2 khung của Tổ chức Tầm nhìn Thế giới đều bị bão cuốn bay, chỉ còn trụ bê-tông, gây khó khăn cho việc canh tác.

Ông Trần Thanh Sơn, Chủ nhiệm HTX Bắc Mỹ An cũng cho chúng tôi thấy hàng trăm trụ bê-tông gây vướng trên khoảng 1ha dự án RAT tại đây. Nhổ bỏ đi cũng là một vấn đề cần cân nhắc vì gây tốn kém kinh phí và ảnh hưởng đến sản xuất. Nói cách khác, đầu tư cơ sở hạ tầng ở đây mất hàng tỷ đồng của Nhà nước nhưng đã không mang lại hiệu quả kinh tế mà còn gây phản tác dụng.

Vụ xuân 2008 thành công đã mở ra cho người dân phường Hòa Khánh Nam một hướng đi mới cho phát triển nông nghiệp. Qua đó, quận Liên Chiểu đã hỗ trợ thêm 30 triệu đồng đào tiếp 4 giếng và xây 5 hồ chứa nước để bà con yên tâm sản xuất. Ngoài ra, phường và HTX Nông nghiệp còn hỗ trợ 5 triệu đồng đúc bê-tông và rào thép chung quanh, tránh trâu bò vào ăn.

Anh Đặng Công Vui đang chăm sóc vạt rau của mình
Bên cạnh một số vùng rau được xem là có những khởi sắc thì vẫn còn nhiều vùng dự án không mang lại hiệu quả kinh tế như mong đợi. Các vùng rau như Liêm Lạc (Hòa Xuân), Yến Nê (Hòa Tiến), Bồ Bản, An Tân (Hòa Phong), Liên Lạc, La Hường (Cẩm Lệ), Hòa Hiệp Bắc (Liên Chiểu)… nghèo nàn về chủng loại và sản xuất chưa đồng bộ, phần lớn trồng khoai, sắn, mè… hay mùa cận Tết mới trồng rau. Có dự án hẳn nhiên phải có vốn đầu tư, nói như vậy cũng có nghĩa là sự đầu tư này xem ra thật lãng phí.

Vấn đề tìm đầu ra cho RAT đã không được quan tâm đúng mức. Theo ông Trương Văn Chín, Phó Chủ tịch phường Hòa Khánh Nam thì các tiểu thương đã vào tận vùng dự án để mua, giá có thể rẻ hơn thị trường ít nhiều nhưng đổi lại người dân cảm thấy yên tâm vì sản phẩm được tiêu thụ. Cũng theo ông Chín, tổ cũng đã cử người xuống liên hệ làm việc với các siêu thị nhưng đều nhận được câu trả lời là phải có giấy chứng nhận rau sạch của cơ quan chuyên môn. Thêm vào đó, người nông dân vẫn chưa có tư tưởng xem cây rau có thể là cây mang lại cho mình cuộc sống giàu sang và cần phải đầu tư hơn nữa.

Như vậy, vấn đề đặt ra lúc này không phải là đầu ra mà là làm thế nào để tạo được thương hiệu. Vấn đề này xem ra không dễ thực hiện khi mà các dự án RAT chưa có được chính sách vĩ mô, phù hợp với từng vùng canh tác và chưa được quan tâm đúng mực của các ngành hữu trách.

 
Quyết định số 04/2007/QĐ-BNN của Bộ NN&PTNT về quản lý sản xuất và chứng nhận rau an toàn (RAT) quy định:

RAT là những sản phẩm rau tươi được sản xuất, thu hoạch, sơ chế, bao gói, bảo quản theo quy trình kỹ thuật, bảo đảm tồn dư về vi sinh vật, hóa chất độc hại dưới mức giới hạn tối đa cho phép. Quá trình sản xuất RAT không được phép sử dụng các loại phân có nguy cơ ô nhiễm cao như phân chuồng tươi, nước giải, phân chế biến từ rác thải; không sử dụng nước thải công nghiệp chưa qua xử lý, nước thải từ các bệnh viện, các lò giết mổ, nước phân tươi, nước ao tù đọng để tưới trực tiếp cho rau.

 

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.