.

Giá điện, tăng như thế nào cho hợp lý?

.

Hiện nay, giá bán điện bình quân là 850 đồng/kWh, nếu tăng giá thì lần đầu có thể tăng 20% vì còn liên quan đến tiền lương, đời sống. Phương án của Bộ Công thương, mức trung bình sẽ tăng khoảng 20%, tối đa là 30%. Cụ thể ở mức nào và thời điểm nào sẽ do Chính phủ quyết định.

Vì sao phải tăng giá điện?

Một trong những sự kiện kinh tế thu hút sự quan tâm của người dân, doanh nghiệp trong nước trong những ngày gần đây là quyết định điều chỉnh giá điện vào năm 2009. Đây không phải là điều bất ngờ mà là việc triển khai Quyết định 276/2006/QĐ-TTg ngày 4-12-2006 quy định lộ trình tăng giá điện của Chính phủ. Việc Chính phủ ban hành QĐ này trên cơ sở đã được tính toán kỹ và từ thực tế của ngành điện hiện nay và vì sự phát triển an ninh năng lượng trong phạm vi toàn quốc trong tương lai. Nguyên nhân sâu xa của vấn đề là do việc định ra giá điện không hợp lý.

Cải tạo lưới điện.
Giá điện không hợp lý, không tiếp cận thị trường, không đúng với giá trị thật của nó là nguyên nhân của hệ lụy: ngành điện “mua đắt, bán rẻ”, thua lỗ triền miên, không tích lũy được vốn, không trả được nợ, không được ngân hàng tin cậy để cho vay tiếp. Đây là nguyên nhân hàng đầu buộc Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN) không nhận làm chủ đầu tư của 13 dự án điện lớn trong thời gian vừa qua. Hiện tại, giá điện sản xuất trong giờ bình thường ở mức thấp nhất là  785 đồng/kWh và mức cao nhất là 895 đồng/kWh (tùy theo cấp điện áp).

 Mức này tương đương với giá bán bình quân của ngành điện (khoảng 5 cent), và còn thấp hơn so với giá thành 1 chữ điện (khoảng 1.060 đồng/kWh). Giá điện phục vụ cho chiếu sáng ở các đô thị cũng chưa hợp lý, chưa khuyến khích được việc tiết kiệm điện. Giá điện ở nông thôn, các vùng sâu mặc dù được Nhà nước bù lỗ, nhưng do phải mua qua trung gian nên người nông dân, người nghèo cũng chưa được hưởng lợi, các học sinh, sinh viên (hầu hết là con nhà nghèo) ở nhà thuê phải trả mức giá điện rất cao, từ 2.000 đồng đến 3.000 đồng/kWh rất bất hợp lý…

Do vậy, việc phải điều chỉnh tăng giá điện sát với giá thành và bảo đảm một tỷ lệ lãi nhất định cho ngành điện phát triển là một yêu cầu khách quan, cũng như việc Nhà nước xóa bao cấp giá xăng dầu vừa qua.Theo Bộ Công thương, Quyết định số 276/2006/QĐ-TTg ngày 4-12-2006 của Thủ tướng Chính phủ về giá bán điện quy định giá bán lẻ điện cần được điều chỉnh lên mức

890 đồng/kWh từ 1-7-2008. Tuy nhiên, do tình hình kinh tế năm 2008 có nhiều biến động bất lợi, để góp phần hạn chế lạm phát, Chính phủ đã quyết định không thực hiện tăng giá điện năm 2008. Biểu giá điện hiện tại đã được xây dựng từ năm 2005, trình Chính phủ xem xét phê duyệt năm 2006 và áp dụng từ 1-1-2007.

Như vậy, biểu giá hiện tại chưa được cập nhật sau 3 năm. Sau 2 năm áp dụng biểu giá hiện tại cũng bộc lộ nhiều bất cập như chưa tách biệt được chi phí thực tế cho từng khâu: phát, truyền tải, phân phối và bán lẻ điện. Giá điện chưa phản ánh hết chi phí của các khâu, không có cơ chế điều chỉnh linh hoạt, làm cho giá điện không theo kịp các biến động thông số đầu vào, gây cho các DN tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh điện không bảo đảm cân bằng tài chính. Vấn đề còn lại là lộ trình để tăng giá điện và mức tăng đối với các đối tượng sao cho hợp lý (sản xuất, sinh hoạt, chiếu sáng công cộng, bệnh viện, trường học…).

Giá điện mới sẽ được tính toán ra sao?

Giá điện mới sẽ được xây dựng theo nguyên tắc đáp ứng các mục tiêu: giá hợp lý, bảo đảm thực hiện chính sách xã hội của Chính phủ (bù giá cho các đối tượng sử dụng điện là người nghèo, người có thu nhập thấp), phản ánh đúng chi phí sản xuất kinh doanh điện bảo đảm các đơn vị có đủ lợi nhuận hợp lý; phản ánh đúng chi phí thực tế theo thị trường cho từng khâu phát, truyền tải, phân phối và bán lẻ điện, từng bước xóa bù chéo điện sản xuất cho sinh hoạt, có cơ chế điều chỉnh linh hoạt, kịp thời khi có những biến động các yếu tố đầu vào hình thành giá.
 
Hiện nay, giá bán điện bình quân là 850 đồng/kWh, nếu tăng giá thì lần đầu có thể tăng 20% vì còn liên quan đến tiền lương, đời sống. Phương án của Bộ Công thương, mức trung bình sẽ tăng khoảng 20%, tối đa là 30%. Cụ thể ở mức nào và thời điểm nào sẽ do Chính phủ quyết định.

Vấn đề còn lại là có nên tăng giá điện sinh hoạt không? Và nên tăng ở mức nào là hợp lý? Từ lâu nay, Nhà nước đã định ra giá điện thấp để hỗ trợ các hộ nghèo nông thôn và thành thị. Hộ nghèo chỉ chiếm không quá 17%, và sử dụng không quá 50 kWh/tháng, nếu bao cấp hoàn toàn cho hộ nghèo này cũng là điều hợp lý.
 
Nhưng trên thực tế, hầu hết các hộ nghèo nông thôn đều mua điện qua các tổ chức trung gian mua buôn bán lẻ nên giá điện thấp nhất họ phải chịu là 700 đồng/kWh, có khi còn cao hơn 900 đồng/kWh, chưa kể các khoản thu khác. Mặt khác, ở thành thị, học sinh, sinh viên, công nhân và người nghèo ở nhà thuê đều phải chịu giá điện từ 2.000-3.000 đồng/kWh. Như vậy đủ thấy, giá điện sinh hoạt tiêu dùng tồn tại bất hợp lý. Nhà nước hỗ trợ mà người nghèo không được hưởng, lại phải chịu giá cao, nhà giàu ở thành phố lại được bao cấp, mua điện giá thấp cho 100 kWh đầu tiên, Nhà nước và EVN thất thu, trong khi các khâu trung gian kiếm được lợi nhuận, có khi còn siêu lợi nhuận.  

Vì vậy, cần phải mạnh dạn xóa bao cấp giá điện sinh hoạt theo hướng: giá của 50 kWh đầu tiên bằng giá thành của EVN (khoảng 1.060 đồng/kWh), mọi người dùng điện bình đẳng ngang nhau. Đối với hộ nghèo, mức tăng này sẽ không ảnh hưởng đến tài chính gia đình bao nhiêu, bởi trước đây họ cũng đã từng chịu mức giá cao từ các Ban quản lý và “cai” điện. Từ kWh thứ 51 trở đi, có thể nâng mức giá cao dần lên gấp đôi, gấp ba để điều tiết các hộ khá, giàu, và nhất là để tạo dựng thói quen, ý thức tiết kiệm điện.

Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH

;
.
.
.
.
.