Tâm lý “sợ trái cây Trung Quốc” vốn đã tồn tại trong người tiêu dùng, nay lại được dịp rộn rạo, sau khi vụ sữa bột Trung Quốc có chứa melamine bị phát hiện.
Đâu hàng Trung Quốc - đâu Việt Nam?
Trên các quầy sạp, mặt hàng trái cây Trung Quốc đã ngang ngửa với hàng nội. Sợ độc hại, người tiêu dùng chỉ chọn trái cây Trung Quốc để chưng bàn thờ cho “đẹp và sang”. |
Chi cục Phó Chi cục Quản lý thị trường - ông Nguyễn Nho Hậu cho biết, người mua có thể phân biệt hàng hóa bằng nhãn dán trên sản phẩm, nhưng nếu sản phẩm không dán nhãn thì... “đành chịu”! Ngay cả ông Trương Quốc Khanh, Trưởng khoa Vệ sinh an toàn thực phẩm (Trung tâm Y tế dự phòng TP. Đà Nẵng) cũng lắc đầu: “Chỉ có thể phân biệt bằng cảm tính”. Theo ông Khanh, hiện Đà Nẵng chưa có cuộc kiểm tra nào về độ an toàn của trái cây, vì “có hàng trăm loại hóa chất bảo vệ thực vật trong mỗi loại trái cây, không tài nào kiểm soát nổi”. Người tiêu dùng chỉ còn cách tin vào mắt mình, vào kinh nghiệm, hoặc trông cậy vào lương tâm của chính người bán hàng: “Mua ở chỗ tiệm quen, chắc chắn người ta sẽ nói đúng xuất xứ”, chị Phan Đoan Dung ở nhà số 96 Âu Cơ (Liên Chiểu), mua trái cây ở chợ Hòa Khánh nói.
Trong khi đó, dạo một vòng quanh nhiều quầy hàng trái cây tại chợ Cồn, chợ Hòa Khánh và lề đường, chúng tôi lại được người bán nói đủ loại xuất xứ. Loại cam vàng óng, tròn đều, to hơn nắm tay người lớn một chút, có nhãn nhỏ xíu ghi “Delta # 31...” được giới thiệu là cam Vinh, cam Mỹ, cam Trung Quốc. Loại nho xanh nhỏ, vị ngọt lịm, không hạt đang được bày bán rất nhiều trên thị trường hiện nay được gọi là nho Ninh Thuận, nho Bình Thuận, nho Thái, nho giống Thái Ninh Thuận trồng, v.v... Ở nhiều nơi, đánh vào tâm lý “sợ hàng nhập” của khách hàng, người bán luôn miệng giới thiệu cam, quýt, bưởi, lựu... là “hàng Sài Gòn đó! Trung Quốc làm chi có mấy loại ni”.
Mua trái cây Trung Quốc chỉ để... cúng!
Nhiều người trước đây hay mua trái cây Trung Quốc để ăn, nay chỉ mua để cúng: “Hàng Trung Quốc lúc nào cũng đẹp, vỏ ngoài óng ánh, để lâu mấy cũng không hư. Còn hàng nội thường toàn màu xanh không bắt mắt. Muốn bàn thờ nhà mình đẹp thì phải chấp nhận thôi”, chị Dung nói. Do vậy, lúc trước cúng xong thì “ăn tuốt”, nay dọn xuống, bỏ quanh quất đâu đó vài ngày rồi cho vào sọt rác, hoặc tiếc quá nên ăn vài miếng, nhưng “thấy lo lo”.
Chủ hàng trái cây Thái Trí (chợ Hòa Khánh) giải thích: “Trái cây Trung Quốc rẻ hơn hàng nội, lại đẹp, nên dù ít ăn người ta vẫn mua nhiều, cúng cho sang”. Chủ hàng trái cây Hiếu-Nhã (chợ Cồn) khoát tay: “Về mấy xe cũng hết mà sao giảm được”. Thống kê chưa đầy đủ từ chợ đầu mối Hòa Cường cho thấy, lượng trái cây Trung Quốc về chợ vẫn đều đều, với mức bình quân 5-6 tấn/ngày.
Cuối cùng, khi không biết làm sao giữa một rừng trái cây, người tiêu dùng đành đưa ra một giải pháp an toàn: “chọn trái cây xấu xí, sần sùi để ăn, cho chắc”. Tuy nhiên, ông Trương Quốc Khanh nói: “Cũng không chắc, vì trái cây xấu xí là do kém phát triển, không bảo đảm chất lượng”!
|
Bài và ảnh: HẰNG VANG