(ĐNĐT) - Ngay khi thông tin khả quan về tiến độ kiềm chế lạm phát giá cả trong nước được đưa ra, nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất lại có thái độ lo lắng. Họ lo ngại sau những nỗ lực xiết chặt tiền tệ, quản lý giá cả, nguy cơ giảm phát tiêu dùng xuất hiện.
Nhiều lĩnh vực hàng hóa tiêu dùng đang giảm hẳn sức mua. |
* Sức mua giảm, DN khó !
Ông Trần Quang Dũng, Giám đốc Công ty Cổ phần Nhựa Đà Nẵng, cho biết đang tính toán cắt giảm sản xuất với dây chuyền mũ bảo hiểm vừa đưa vào vận hành trong năm nay. Thời gian còn lại của năm 2008, DN chủ trương chỉ tập trung tiêu thụ số sản phẩm đã làm ra, theo dõi tiếp diễn biến thị trường để quyết định tiếp tục duy trì sản phẩm này hay không.
Điều này có vẻ mâu thuẫn với những thông tin bắt đầu từ tháng 11-2008 tăng cường kiểm tra chất lượng mũ bảo hiểm đúng chuẩn trên toàn quốc. Ông Dũng lý giải, lẽ ra với thông tin này DN phải đôn đốc đầu tư thêm chứ không phải cắt sản xuất. Nhưng thực tế thị trường cạnh tranh sắp đến và nguy cơ giảm sút tiêu dùng hiện nay buộc DN phải xem xét lại cơ hội của mình.
Ý kiến của ông Dũng và một số doanh nhân Đà Nẵng cho thấy, lựa chọn chấp nhận duy trì hay không các sản phẩm kém sức tiêu thụ trên thị trường, là vấn đề họ phải quan tâm. Thời gian qua, mọi nỗ lực xã hội đều nhắm mục tiêu kiềm chế giá cả tăng lên, đã dẫn đến hệ quả nguy cơ giảm phát tiêu dùng xuất hiện. Nhiều DN, gia đình và cá nhân tự động cắt giảm các khoản chi tiêu không cần thiết, chuyển qua các hình thức tiết kiệm hơn trong sinh hoạt. Mức tiết giảm tối đa này đã cản trở năng lực luân chuyển vốn trong dịch vụ tiêu dùng và sản xuất, buộc các DN phải suy nghĩ lại cơ hội cho mình.
Thực tế cho thấy, vài tháng qua, nhiều lĩnh vực hàng hóa tiêu dùng như hàng điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin, thực phẩm cao cấp, dệt may… đều đã bị giảm sức mua. Nhiều DN nỗ lực giảm giá, giữ giá không tăng vẫn không kích cầu được thêm bao nhiêu.
Ông Nguyễn Khoa Long, Giám đốc Công ty Tin học Phi Long, nhìn nhận, nếu sức mua sắm máy tính, thiết bị công nghệ đã giảm phần nào trong quý 2 với lý do giá cả tăng, thì cả quý 3 vừa qua lại tiếp tục giảm dù các đơn vị kinh doanh ngành hàng này đã ra sức khuyến mãi, quảng bá.
Ông Lê Ngọc Duyên, Giám đốc Công ty Quản lý các chợ Đà Nẵng, cho hay tốc độ luân chuyển hàng hóa về các chợ đầu mối thành phố đều giảm hơn mọi năm và tháng 10 còn chậm hơn các tháng trước. Sắp đến, thời tiết Đà Nẵng vẫn trong mùa mưa gió, càng khiến sức mua sắm tiêu dùng trong người dân tụt thấp hơn.
* Xoay xở hướng đi
Thực trạng tiêu dùng như vậy đã khiến nhiều DN sản xuất Đà Nẵng nghĩ đến việc cắt giảm sản lượng và cả lao động. Theo ông Hồ Nghĩa Tín, Giám đốc Nhà máy Thép Đà Nẵng – Ý, đến thời điểm này, cộng dồn các khó khăn đầu vào trước đây và nguy cơ giảm chỉ tiêu sản phẩm tiêu thụ thời gian đến, DN đã quyết định cắt giảm trên 1/3 lượng công nhân và công suất sản xuất. Một số nhà máy khác tại KCN Hòa Khánh cũng trong tình thế lựa chọn tương tự, gồm các nhà máy chế biến nguyên liệu, hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng.
Dĩ nhiên, các DN không hoàn toàn chấp nhận ngồi im nhìn tình thế xấu đi. Ông Thái Dũng, Giám đốc Công ty Nam Sơn, cho biết đơn vị ông vừa mới lập dự án cải tạo, thay đổi lại cơ cấu năng lực sản xuất để chuyển qua chế tạo các sản phẩm gia dụng kim loại nhắm đến xuất khẩu. Nay, DN sẽ bỏ ra gần 8 tỷ đồng để cơ cấu lại toàn bộ năng lực, máy móc, nhận gia công chế tạo phần khung que cho các đơn hàng bàn ghế gia dụng, thiết bị nội thất cao cấp mà các bạn hàng châu Âu đang quan tâm. Các mặt hàng đã đầu tư từ lâu, như ống xả, vành xe máy, hàng inox dân dụng… của DN đang phải cắt giảm toàn bộ.
Nhưng nỗi lo lắng của các DN phía sau các động thái tự xoay xở này, là mong sớm có những chính sách can thiệp hợp lý từ các nhà quản lý kinh tế, cơ quan hoạch định chiến lược và kiểm soát thị trường. Ông Trần Quang Dũng phân tích, việc giá cả đầu vào tăng lên, có thể DN ngưng các dự án, sản phẩm mới. Nhưng khi sức mua xã hội giảm, thì những sản phẩm đang làm cũng bị ảnh hưởng. Mà nhìn tổng thể, một DN hoạt động bình ổn sẽ kéo theo nhiều điều kiện phát triển dân sinh.
Một khi xuất hiện nguy cơ giảm phát tiêu dùng, các nhà máy cắt giảm sản xuất, giảm lao động, gánh nặng sẽ đổ dồn đến người lao động và thu nhập thấp. Điều ấy sẽ còn đáng lo hơn tình hình lạm phát vừa qua.
Thụy Bất Nhi