Theo Sở Kế hoạch - Đầu tư thành phố, mục tiêu phát triển kinh tế thành phố Đà Nẵng năm 2009 phải tập trung vào nội dung chất lượng tăng trưởng. Một số chỉ tiêu tăng trưởng được xác định gồm: tăng GDP từ 12-12,5%, trong đó công nghiệp tăng 15-15,5%, sản xuất dịch vụ tăng 13,5-14%, kim ngạch xuất khẩu tăng 20%, giá trị sản xuất ngành nông-lâm-thủy sản tăng từ 4-4,5%. Dự báo tổng vốn thu hút đầu tư phát triển trong nước đạt 15.200 tỷ đồng; thu ngân sách đạt 6.165 tỷ đồng.
Năm 2009, thành phố tăng cường đầu tư cho sản xuất công nghiệp, xuất khẩu. |
Về phát triển công nghiệp, thành phố tập trung phát triển các ngành công nghiệp, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, có hàm lượng công nghệ và kỹ thuật cao. Sản phẩm công nghiệp xuất khẩu chiếm 43,1% kim ngạch xuất khẩu. Thành phố khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào các ngành công nghiệp phụ trợ; phát triển công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu, nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin; công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động và công nghệ sinh học vào sản xuất.
Năm 2009, thành phố phấn đấu đạt sản lượng một số sản phẩm chủ yếu như 172 triệu động cơ điện siêu nhỏ; 50 triệu lít bia; 35 triệu bộ quần áo may sẵn; 4.500 tấn sợi; 2,4 triệu đôi giày; 680.000 chiếc lốp ô-tô; 13.000 tấn thủy sản đông lạnh; 85.000 tấn thép xây dựng… Giải pháp thực hiện là nhanh chóng ổn định mặt bằng sản xuất cho các DN di dời nhà máy; hỗ trợ xúc tiến thị trường; sớm hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp…
Về phát triển ngành dịch vụ, cần đặc biệt quan tâm nâng cao chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của xã hội. Thực hiện chuyển dịch cơ cấu các ngành dịch vụ theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu, phát triển mạnh các ngành tài chính - ngân hàng; bưu chính - viễn thông; dịch vụ phần mềm và dịch vụ du lịch để trở thành những ngành kinh tế mũi nhọn. Lĩnh vực thương mại tập trung cho thị trường bán lẻ với giá trị 23.530 tỷ đồng. Lĩnh vực này thành phố khuyến khích DN liên kết đầu tư và khai thác hạ tầng thương mại và phát triển loại hình giao dịch qua mạng điện tử.
Năm 2009, ngành du lịch phấn đấu đạt giá trị doanh thu trên 900 tỷ đồng với 1,53 triệu lượt khách. Nhiệm vụ đặt ra là nhanh chóng hoàn thiện và đưa vào khai thác mới các khu du lịch và củng cố nâng cấp các tour, tuyến, sản phẩm du lịch.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả của hoạt động thi bắn pháo hoa quốc tế thành sự kiện du lịch hằng năm của thành phố. Về xuất nhập khẩu, phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 1.014 triệu USD thông qua việc tăng cường các hoạt động kinh tế đối ngoại để tận dụng cơ hội phát triển với việc xúc tiến đầu tư vào thị trường mới như EU, Hàn Quốc, Hoa Kỳ… Ngành nông-lâm-thủy sản được đầu tư để trở thành trung tâm nghề cá mạnh của khu vực với năng lực đánh bắt hải sản đạt 43.000 tấn, trong đó có việc đăng ký đưa khoảng 100 tàu cá ra khai thác ở khu vực Vịnh Bắc Bộ.
Tổng sản lượng thủy hải sản đánh bắt và nuôi trồng đạt 44.250 tấn. Ngoài ra, thành phố đầu tư xây dựng 2 vùng nuôi cá nước ngọt xuất khẩu gồm khu vực Hòa Khương rộng 125ha và Hòa Phong có 95ha, nâng tổng diện tích nuôi trồng thủy sản lên 710 ha.
Bài và ảnh: NAM PHƯƠNG