.

Ngầm hóa, đòi hỏi tất yếu của một đô thị hiện đại

.

Nhiều năm trước đây, khi đất nước còn nghèo, ít ai đề cập đến khái niệm “ngầm hóa” hệ thống các loại dây dẫn chằng chịt như hiện nay, mà chỉ nghĩ đến việc mạnh ai nấy mắc, tận dụng được chừng nào hệ thống cột tốt chừng ấy, gây nên những hình ảnh rối rắm và tức mắt. Người ta coi chuyện đó là đương nhiên, là tất yếu của đô thị và cho chuyện “ngầm hóa” là của các nước tiên tiến, phát triển, còn ở ta còn lâu mới trở thành hiện thực...

Hệ thống dây dẫn các loại trên đường Điện Biên Phủ được ngầm hóa đã đem lại vẻ khang trang, thoáng đãng cho phố phường

Giờ đây, khi đất nước mở cửa, hội nhập và tiến lên công nghiệp hóa-hiện đại hóa, vấn đề “ngầm hóa” đã trở thành một mục tiêu đòi hỏi phải thực hiện, cho dù  tốn kém và phải có thời gian. Lợi ích của việc ngầm hóa không những nâng cao tính mỹ quan cho đô thị, bảo đảm an toàn cấp điện, thông tin liên lạc... mà còn làm tăng hiệu quả sử dụng đất đai cho thành phố. Việc ngầm hóa toàn bộ hệ thống đường dây điện, điện thoại, cáp quang, truyền hình cáp... sẽ trả lại toàn bộ không gian cho cảnh quan đô thị, để đô thị khang trang, quang đãng hơn.

Quá trình xây dựng quy hoạch, kế hoạch đô thị hóa và hiện đại hóa giao thông vận tải, Nhà nước ta đã đề cập đến sự phát triển các công trình ngầm như: hệ thống đường tàu điện ngầm, các đoạn đường ngầm qua sông, đường ngầm xuyên núi, đường ngầm xuyên qua các nút giao thông trọng điểm, các đoạn sông ngầm, tầng ngầm cho các nhà cao tầng... Có một số dự án đã, đang và sẽ được triển khai ở Đà Nẵng như tầng ngầm của các tòa nhà thương mại, các khách sạn, các bãi để xe ngầm, v.v...

Đối với Đà Nẵng, việc ngầm hóa hệ thống thông tin liên lạc, điện, cáp quang truyền hình... phải được tiến hành đồng bộ, có sự thống nhất cao của các cơ quan liên quan; tránh tình trạng người này chôn xuống, người khác lại đào lên, gây nên tình trạng đào xới vô tội vạ đã từng xảy ra ở nhiều nơi. Hợp lý nhất là tất cả các hệ thống phải nằm chung trong một bộ phận, có thể hiểu như là “hộp kỹ thuật” trong các công trình nhà ở dân dụng, không nên mỗi ngành làm một đường.
 

Đường Nguyễn Hữu Thọ vừa được xây dựng, tuy thoáng rộng nhưng chưa đẹp và bất cập do hệ thống dây dẫn các loại vẫn kéo trần trên không trung. Ảnh: QUỐC TÍN

Việc ngầm hóa cáp điện và viễn thông là phải  thể hiện rõ nét của quá trình hiện đại hóa hệ thống hạ tầng đô thị. Ở Đà Nẵng, trên cơ sở dự án nâng cấp, mở rộng đường Điện Biên Phủ, toàn bộ tuyến điện trung, hạ thế phần vỉa hè phía bắc tuyến đường này (kể từ Ngã ba Huế đến ngã tư Lê Độ-Nguyễn Tri Phương-Điện Biên Phủ) đã được ngầm hóa. Với thay đổi về đầu tư lưới điện trên tuyến đường này đã tạo được một dáng dấp hiện đại cho tuyến đường cửa ngõ phía bắc đi vào khu vực nội thị. Sau đó là những con đường mới được tiếp tục ngầm hóa, chẳng hạn như đường 30-4, đường Trần Phú... Việc ngầm hóa đường Trần Phú vừa qua đã tạo ra một diện mạo mới khác hẳn với con đường Trần Phú cũ, vốn chi chít đủ kiểu dây dẫn giăng mắc chằng chịt, bám víu các tầng lầu.

Rõ ràng, chủ trương ngầm hóa ở đô thị là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, khi triển khai phải lường trước những khó khăn vướng mắc có thể xảy ra, nhất là ý thức của người dân. Do đó, công tác vận động nhân dân là rất quan trọng, không ngăn cản khi hệ thống ngầm hóa đi trước nhà mình. Sự chỉ đạo của thành phố để các cấp chính quyền cùng vào cuộc tuyên truyền vận động người dân; bên cạnh đó, một yêu cầu đặt ra đối với các ngành quản lý đường dây là phải có kế hoạch cụ thể đối với từng tuyến đường để khi hạ ngầm có thể làm cùng lúc nhiều loại dây, từ cáp điện lực, cáp truyền hình đến cáp điện thoại... tránh được việc đào bới đường, dễ gây bức xúc  trong nhân dân.

Sử dụng, khai thác không gian ngầm có hiệu quả, tiết kiệm đất đai cũng như bố trí hợp lý các công trình dưới mặt đất sẽ góp phần thúc đẩy quá trình phát triển đô thị, nâng cao chất lượng sống của cư dân đô thị. Từ vài con đường, vài công trình được ngầm hóa ở Đà Nẵng, rồi đây sẽ còn có thêm nhiều con đường, nhiều công trình xuất hiện dưới lòng đất thành phố, để cho diện mạo đô thị ngày càng thêm khang trang và hiện đại hơn.

DÂN HÙNG

;
.
.
.
.
.