.

Nghịch lý trong việc hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ

.

Theo quy định của Nghị định 90/2001/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 23-11-2001, thì doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) là các DN có vốn đăng ký không quá 10 tỷ đồng và sử dụng không quá 300 lao động trung bình hằng năm.

Nước ta nói chung và trên địa bàn thành phố Đà Nẵng nói riêng, DNVVN chiếm tới 95% số DN đang hoạt động và sử dụng tới 97% lao động trong tổng số DN. Vì thế, DNVVN được coi là xương sống của nền kinh tế với thế mạnh như suất đầu tư nhỏ nhưng sử dụng nhiều lao động…
 

Cơ sở tự chế tạo khuôn sản xuất cống áp lực cho các nhà máy thủy điện.

Vì vậy, đồng thời việc ban hành Nghị định 90/2001/NĐ-CP về việc trợ giúp phát triển DNVVN của Chính phủ là hàng loạt các chính sách nhằm hỗ trợ, thúc đẩy DNVVN phát triển như khuyến khích đầu tư, thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng, xúc tiến xuất khẩu, thị trường, hỗ trợ về mặt bằng sản xuất, thông tin và tư vấn đào tạo.

Thực hiện Nghị định này, các cơ quan chuyên môn của thành phố, các quận, huyện đã có các chính sách hỗ trợ cho các DN như hỗ trợ mặt bằng sản xuất cho các DN phải di dời do chỉnh trang đô thị, thành lập các tổ hỗ trợ với nhiều hoạt động có hiệu quả. Tuy nhiên, do quá nhiều DN cần hỗ trợ, nhưng khả năng của cấp chính quyền và các sở, ban, ngành quá nhỏ nên việc hỗ trợ chưa đem lại hiệu quả. Thực tế là có khoảng 20% DNVVN có nguy cơ phá sản. Nguyên nhân là các DN này đều có chung những điểm yếu như: thiếu vốn sản xuất, công nghệ lạc hậu, mặt bằng chật hẹp, năng lực quản lý yếu và sức cạnh tranh thấp.

Khá nhiều DN là do một cá nhân, hoặc một nhóm nhỏ đứng ra thành lập. Số nhà quản lý DN được đào tạo qua hệ thống đào tạo của Nhà nước rất ít. Chính vì vậy, ngay từ khi thành lập DN, họ đã không có chiến lược phát triển lâu dài với các kế hoạch đầu tư cụ thể. Phần nhiều các “ông chủ” thành lập DN kinh doanh kiếm lời theo kiểu “chụp giật” và sẵn sàng chuyển sang hình thức kinh doanh khác nếu thuận lợi. Chính vì thế, việc đầu tư thiết bị, công nghệ thường thấp hơn so với công nghệ tiên tiến vào thời điểm DN ra đời do thiếu vốn, hoặc do không muốn đầu tư.

Một số ít các DN muốn làm ăn lâu dài do người sáng lập có chuyên môn, am hiểu ngành nghề thì không có vốn. Mặc dù có chính sách về vay vốn do Nhà nước ban hành, nhưng họ rất khó khăn khi tiếp cận nguồn vay từ ngân hàng, do không có thế chấp hoặc không có tổ chức nào đứng ra bảo lãnh. Ông Hà Giang, Giám đốc Công ty THHH Cơ khí Hà Giang Phước Tường cho biết: Đối với DN cơ khí, để đổi mới thiết bị và công nghệ cần vốn rất lớn, hàng tỷ đồng.

Công ty TNHH Bao bì Thanh Phát tự huy động vốn, đầu tư dây chuyền mới, công suất 3 triệu m2 sản phẩm/năm.

Bản thân DN không đủ vốn đầu tư, trong khi đối với ngành cơ khí phải vay vốn trung hạn mới có khả năng trả nợ. Chỉ riêng điều kiện này thôi cũng đã khó thuyết phục bất kỳ ngân hàng nào cho vay để đầu tư thiết bị mới, trong khi không có tổ chức nào bảo lãnh cho DN. Vì vậy, các thiết bị của cơ sở ông chủ yếu là tự chế, chỉ mua các thiết bị không thể sản xuất được trong nước như các máy chính xác. Vì thế nên khả năng mở rộng, phát triển cũng rất khó khăn, mặc dù thị trường của ngành cơ khí rất lớn.

Việc hỗ trợ của các Phòng Kinh tế quận, huyện, các sở, các cơ sở dạy nghề, đặc biệt là sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến công (Sở Công thương) trong thời gian qua được coi là hiệu quả nhưng cũng chỉ có ý nghĩa về mặt tinh thần. Các cơ quan làm công tác hỗ trợ đào tạo, chuyển giao công nghệ của các bộ, ngành Trung ương thường nặng về kinh doanh hơn là hỗ trợ. Đã thế, sự hỗ trợ nhiều khi lại là công nghệ không tiên tiến, hiệu quả kinh tế kém. Chẳng hạn như việc chuyển giao công nghệ làm gạch theo công nghệ lò nung liên tục do Bộ Khoa học - Công nghệ tổ chức đối với huyện Hòa Vang từ năm 2007, nhưng đến nay chưa có cơ sở nào thực hiện được vì công nghệ này hiệu quả kinh tế kém. Thực chất là quảng bá để bán công nghệ hơn là hỗ trợ cho DN đổi mới công nghệ.

Trong một cuộc hội thảo vừa qua tại Đà Nẵng, ông Đỗ Văn Hải, Phó Cục trưởng Cục Phát triển DNVVN đã khẳng định: Công tác tư vấn chỉ là tư vấn về thủ tục hành chính là chủ yếu, chứ chưa tư vấn được cái DN cần. Kết quả là DN rất thiếu thông tin khi quyết định đầu tư, cũng như khi thành lập DN. Đặc biệt là rất khó khăn trong việc tiếp cận thông tin về thị trường nước ngoài. Điều này đã gây rất nhiều khó khăn trong việc định hướng đầu tư và phát triển DN.

Hậu quả là rất nhiều DN lúng túng, không có định hướng khi Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Nghị định 90/2001 ở các địa phương cũng có những khó khăn nhất định, chẳng hạn như có quỹ hỗ trợ DN nhưng do khả năng tài chính của địa phương có hạn, không thể hỗ trợ được nhiều DN. Các chính sách của ngân hàng về vay vốn không theo kịp được tình hình và chưa có các điều kiện ràng buộc, trong khi hầu hết các ngân hàng đều là ngân hàng thương mại. Không có thế chấp, doanh nghiệp không thể vay vốn, không có vốn sẽ rất khó đổi mới công nghệ, thiết bị, sức cạnh tranh vì thế cũng không được cải thiện.

Nghị định 90/2001/NĐ-CP đã ban hành được 7 năm, Đà Nẵng được coi là một trong những địa phương triển khai tương đối tốt Nghị định này. Song, những gì mà các DNVVN nhận được là rất ít, ngay cả Trung tâm Hỗ trợ kỹ thuật nhỏ và vừa được thành lập từ năm 2006 vẫn chưa có trụ sở làm việc, nhân lực và các điều kiện làm việc khác rất hạn chế.

Rất nhiều DN chưa được biết đến Nghị định này. Để thực hiện một cách có hiệu quả Nghị định nói trên, các cấp chính quyền, các cơ quan chuyên môn cần phải có chuyển biến về nhận thức đối với việc hỗ trợ DN để sử dụng và khai thác hiệu quả tài nguyên, nhân lực. Mỗi DN cũng phải nỗ lực tự mình vươn lên tiếp cận với các chủ trương, các cơ quan tư vấn để có giải pháp, định hướng phát triển.

Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH

;
.
.
.
.
.