.

Ngư dân nhọc biển, lo bờ

.

Một ngày cuối tháng 9, chúng tôi theo chuyến ra khơi của một ngư dân phường Thọ Quang, quận Sơn Trà. Chuyến đi ngắn ngủi nhưng giúp chúng tôi hiểu được nhiều điều từ những người dân mưu sinh bằng nghề biển. Để bắt được con cá, con mực…, các ngư dân phải vượt qua biết bao sóng gió ngoài khơi xa, giao cả tính mạng cho biển cả. Và khi trở về, họ lại phải đối mặt với những sóng gió khác: sống bằng đồng tiền ít ỏi kiếm được từ biển.
                      
Nỗi lo trên mỗi mẻ giã cào

Ngư dân phân loại hải sản.

Tôi đã phải chạy vạy mất hai ngày mới đặt được một chỗ trên chuyến ra khơi làm nghề giã cào của tàu anh Trung cùng 4 người lao động khác. Người ta lo ngại cái ốm yếu của tay phóng viên như tôi không chịu nổi những cơn sóng dằn của biển. Bởi một chuyến đi giã cào phải mất vài ngày lênh đênh trên biển khá xa bờ, vừa lo công việc vừa phải chiếu cố một vị khách dặt dẹo là điều không ai muốn...

Để chuẩn bị chuyến đi của 2 tàu từ 4 đến 5 ngày, anh Trung phải chi phí gần 20 triệu đồng cho dầu chạy máy, nước đá ướp cá, nước uống, thực phẩm và nhiều vật dụng khác. Mọi thứ đều phải tính toán chi li ở mức tối thiểu, bởi như anh Trung cho biết: Nghề giã cào bây giờ “hên xui” lắm! Nhiều khi đi một chuyến về thu chẳng bù chi, lỗ cả công sức lẫn vốn liếng. Đó là chưa kể những bất trắc ngoài khơi, có khi mất cả dàn lưới cào, còn lại hai bàn tay trắng và một gánh nợ... Được biết, một lưới cào trị giá từ 5 triệu đến 7 triệu đồng tùy theo tàu lớn nhỏ, bao gồm 2 lớp lưới, 500m dây dù, 300m dây cáp, hàng trăm cục chì và 2 mạng gỗ nặng 2 bên…

Mới sáng sớm tinh mơ, trên bến thuyền Thọ Quang, anh Trung cùng 4 lao động khác hì hà hì hục chuẩn bị chất đá, kiểm tra máy tàu và đổ dầu chuẩn bị chuyến ra khơi. Hơn 150 cây đá, nửa xay vụn, nửa để nguyên và được sắp xếp ngay gọn trên boong tàu. Đôi tay, đôi chân của họ thoăn thoắt. Đá từ nhà máy tuôn ra theo đường dẫn sẵn cho các tàu như một dòng thác. 5 người làm không nghỉ tay và rất gấp gáp, vì phía ngoài đang có 1 tàu đứng đợi. 1 tiếng đồng hồ trôi qua, mọi công việc chuẩn bị đã xong, 2 tàu trở về nơi neo đậu. Tôi được các ngư dân dẫn về nhà nghỉ, ăn cơm, lấy sức cho buổi chiều lên tàu ra khơi...

Khi bóng chiều ngả trên sông Hàn, cái nắng êm dịu của mùa thu đã hạ xuống, 2 chiếc tàu công suất 33CV của anh Trung rời âu thuyền Thọ Quang, hướng về phía biển Đông. Tôi lên chiếc tàu do anh Trung cầm lái, còn chiếc kia do một ngư dân kỳ cựu khác làm “thuyền trưởng”. Hai chiếc tàu khuất dần trong đêm. Từng đợt sóng dâng cao như vồ lấy con tàu, bọt nước tung trắng xóa. Tôi bắt đầu cảm thấy nôn nao và lo sợ. Anh Hòa, một lao động, vỗ vai tôi: Sợ rồi hả? Sóng như vậy là bình thường thôi, khi nào biển động còn cao hơn rứa nhiều...

Đến bữa, một anh dọn bếp nấu ăn. Gió tấp tứ tung, tàu nghiêng ngả, ngọn lửa yếu ớt cứ chập chờn muốn tắt. Phải mất hơn 30 phút mới đặt được nồi cơm lên bếp. Bữa ăn đơn giản, chỉ có cơm và mấy con cá khô. Các anh phân trần: Đi đánh cá không cần mang theo đồ ăn tươi, bữa ăn đầu tiên như vậy nhưng những bữa sau đã có cá, tôm đánh bắt được...

Sau 8 tiếng đồng hồ chạy trên biển khơi, niềm hy vọng của mọi người tràn đầy trên từng khuôn mặt. Không có ai tỏ ra mệt mỏi trong suốt thời gian bị sóng biển dập vùi bởi trong bờ, vợ và con cái đang trông chờ vào mỗi chuyến ra khơi của các anh. Trong cái tối mịt mờ thỉnh thoảng có những ánh đèn của các tàu chung quanh chập chờn chiếu sáng.

Đến vùng đánh bắt cách bờ chừng 70 hải lý, ở tầm này biển sâu khoảng 70 đến 80m, phù hợp cho giã cào hoạt động. Anh Trung bật bộ đàm và máy định vị để liên lạc với các tàu làm nghề biển khác và nghe tin tức từ đất liền. Anh tâm sự: Đi biển dạo này khá yên tâm, không còn thấy lẻ loi như trước. Các tàu liên lạc với nhau luôn, nếu ai có chuyện gì thì anh em tới ngay...

Đến đúng tọa độ, mọi việc đã chuẩn bị sẵn sàng, 2 chiếc tàu bắt đầu thả lưới. Lúc này sức nặng của lưới và sức nước cản khiến tàu chao nghiêng và chạy chậm chạp lại. Tiếng máy tàu đều đều khiến tôi lơ đãng và bắt đầu gà gật, bỗng giật mình vì tiếng máy gầm lên, khói đen bốc mù mịt. Máy tời đang cuốn mẻ lưới đầu tiên, nét mặt mọi người chăm chú và căng thẳng... Khi lưới tời lên đến gần mạn tàu, ở mỗi tàu 2 người dùng hết sức kéo phần đáy lưới lên.
 
Bốn người phải vận hết gân sức vì lưới rất nặng, lại phải cẩn thận và vững vàng, bởi chỉ cần sơ suất một chút là có thể bị kéo tụt luôn xuống biển. Trong lưới hiện dần đủ loại  từ cá, mực, tôm, cua, lươn, ốc cho đến rong rêu, bùn và cả đá sỏi. Lưới cào dường như không bỏ sót thứ gì lại đáy biển. Sau mẻ cào, mỗi tàu phân ra một người lái còn mọi người phân loại sản phẩm. Anh Hòa ngồi phân loại một cách tỉ mỉ, không để sót một con cá, con tôm nào. Anh nói: Thời giá tăng cao như thế này, nếu mình lãng phí là chắc chắn thua lỗ. Phải tiết kiệm từng con cá nhỏ để đem vào bờ...

Mỗi ngày đêm, hai chiếc tàu thực hiện từ 3 đến 4 mẻ cào. Gần 4 ngày trôi qua, có những mẻ lưới kéo lên được khá nhiều tôm, cá. Mỗi lần như vậy, gương mặt các ngư dân giãn ra, tỏ vẻ vui mừng. Tuy vậy có ít nhất 2 mẻ lưới kéo lên là con số 0 tròn trĩnh vì bị tuột nút buộc lưới, mọi người đưa mắt nhìn nhau, thở dài...

Hơn 50 giờ miệt mài trên biển, hầu như hai chiếc tàu giã cào không được nghỉ ngơi, các ngư dân chỉ thay nhau nghỉ qua loa vì công việc căng thẳng. Tôi thật sự khâm phục khả năng lao động và sức chịu đựng dẻo dai của ngư dân…

Và nỗi buồn lên bờ

Chuẩn bị trước khi ra khơi.

Ra khơi, mỗi người mỗi nghề. Có người chọn nghề giã cào; có người chọn câu mực, đánh bắt cá ngừ, cá thu, lại có người làm nghề lưới mành... Nghề giã cào chi phí nhiên liệu cao hơn những nghề khác. Khi nhiên liệu còn rẻ, ngư dân làm ăn có lãi, còn bây giờ giá nhiên liệu tăng, mọi chuyến đi biển chỉ lấy công làm lời, nhiều lúc bị thua lỗ vì nguồn hải sản ngày càng cạn kiệt... Làm nghề giã cào còn trông chờ vào sự rủi may, tốn kém nhiều nhưng đôi lúc kéo lên chỉ là bao bì, gốc cây, có khi tuột dây, đứt cáp...

Trong chuyến đi lần này, nhóm anh Trung đã ứng cứu cho tàu ông Nguyễn Nam đánh bắt cách đó 1 hải lý. Mẻ cào của tàu ông Nam đã kéo lên một gốc cây rất nặng làm thuyền nghiêng muốn lật, ông phải liên lạc qua bộ đàm nhờ anh Trung đến giúp đỡ... Ông Nam nói: “Làm nghề giã cào buồn vui lẫn lộn. Mỗi lần kéo cào lên là mỗi lần hồi hộp, không biết vui hay buồn đây”…

Trở về, sự mệt mỏi hằn lên trên từng khuôn mặt ngư dân. Nhưng thành quả thu được không thấm tháp vào đâu so với những chi phí, sức lực bỏ ra. Hai chiếc tàu cập bến Thọ Quang 5 giờ sáng, trên bến tấp nập tàu thuyền và người mua kẻ bán. Sau khi thanh lý hết tất cả tôm, cá, mực đánh bắt được, anh Trung nhẩm tính, trừ chi phí ra, còn lại mỗi người bình quân được 50 nghìn đồng/ngày công, chưa bằng ngày công thợ hồ, mà phải đối mặt với bao nhiêu nguy hiểm từ công việc nặng nhọc và biển khơi bất trắc.

Neo đậu tàu trên bến, các ngư dân trở về trong nỗi lo lắng về cuộc sống gia đình và con cái. Một chuyến đi giã cào ở nhà có biết bao người mong đợi. Vợ mong đợi chồng về có nhiều cá để bán kiếm lời, mẹ mong con về có tiền để cải thiện cuộc sống cho gia đình, con mong bố về để có tiền mua quà, mua bánh… Chúng tôi đến gia đình ông Thành, bố của một ngư dân trong chuyến đi này mới cảm thấy được những nỗi lo lắng của họ. Gia đình đông con, ông lại đau ốm nên không ra khơi cùng con cái được.
 
Người vợ già thì buôn thúng bán bưng ngày kiếm năm ba ngàn đỡ đần thêm cho cuộc sống. Tất cả trông chờ vào đứa con làm ngoài biển khơi. Nhìn đứa con sau một chuyến đi trở về nhưng thành quả không được bao nhiêu, ông Thành nói: Làm nghề giã cào hiện nay có ra chi đâu, vào tháng 5, tháng 6 thì nhiều chuyến đủ bù dầu, nay may mắn có được ngày năm ba chục là rất may mắn rồi. Mấy năm trước, dầu còn rẻ, chúng tôi đi thường xuyên, có thu nhập. Nay đi chỉ cố lấy công làm lời thôi…

Nhìn cuộc sống của các ngư dân làm nghề giã cào không mấy ai được khấm khá, họa chăng cũng chỉ nuôi sống nhau qua ngày. Chồng đi giã cào, vợ ở nhà buôn bán. Sau mỗi chuyến chồng trở về, các bà vợ đều sẵn sàng gồng gánh để buôn cá. Tuy nhiên, theo vợ anh Trung cho biết: Đứng trước bến tàu, thấy các anh về mặt mày buồn rượi, phụ nữ bọn tôi cũng không thể vui được, về nhà không nuốt nổi cơm… Mỗi chuyến giã cào gặp mất mùa không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình của họ mà cả những gia đình khác trong bờ. Chị Nguyễn Thị Hà, một người làm nghề buôn cá cho biết: Tàu giã cào được mùa thì ngư dân từ đứa con nít đến người già đều làm ra tiền, nhưng khi mất mùa thì hầu như ai cũng đói cả…

Nhìn chuyến đi giã cào của các ngư dân về đất liền, anh Nguyễn Kìa, chủ tàu ĐNa 30128 đang sửa soạn chuyến giã cào dài ngày đành gác lại. Anh trầm ngâm: “Một chuyến đi bỏ ra biết bao công sức, tiền của nhưng thu về không thấm vào đâu. Số tiền trả cho nhân công không bõ sức lao động vất vả của họ, cứ như vậy hoài, chắc chẳng còn ai dám theo mình đi giã cào nữa...”.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.