.

Những dự án “rùa”

.

Có những dự án rất cần thiết cho đời sống dân sinh, thế nhưng không được quan tâm đầu tư đúng mức, gây thiệt hại cho sản xuất của nông dân, trong đó có những dự án từ khi có chủ trương đến triển khai hoạt động với tiến độ như “rùa bò”.             

Chỉ khẩn cấp trên giấy

Một cơ sở chế biến ruốc ở phường Thuận Phước không còn mặt bằng sản xuất phải đưa ra đường.

Ngày 2-5-2008, UBND thành phố có Công văn số 2559/UBND-KTN về “Thực hiện di dân tránh vùng thiên tai sạt lở, lũ quét” đã đồng ý chủ trương xây dựng cơ sở hạ tầng Khu dân cư tránh vùng thiên tai ở thôn Nam Yên, xã Hòa Bắc (Hòa Vang) và yêu cầu di dời khẩn cấp 31 hộ tại vùng sạt lở ven sông Cu Đê đến nơi an toàn trước mùa mưa lũ năm 2008. Thế nhưng, đến nay dự án này vẫn dẫm chân tại chỗ. Động thái khả dĩ nhất tính đến thời điểm hiện tại là cắm mốc khu vực sẽ xây dựng khu dân cư mới. Với tiến độ “rùa” như vậy, các hộ dân ở ven sông Cu Đê còn lâu mới di dời đi nơi khác.

Ông Nguyễn Ngưng, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc cho hay: 31 hộ này sinh sống tại vùng có nguy cơ sạt lở cao, năm nào cũng bị lũ quét đe dọa, địa phương đã kiến nghị di dời từ lâu. Đầu năm nay, kế hoạch di dời được phê duyệt, thế mà nay khu tái định cư chưa san ủi mặt bằng. Theo Phòng NN&PTNT huyện Hòa Vang, việc chậm trễ này do lập thiết kế dự toán, trình phê duyệt tốn nhiều thời gian; kinh phí san ủi mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng chậm giải ngân. Nhiều khả năng 31 hộ này phải đối mặt với một mùa mưa lũ nữa. 

Như vậy, mặc dù đã có chỉ đạo di dời khẩn cấp 31 hộ ở vùng có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn trước mùa mưa lũ năm nay, thế nhưng các bước triển khai quá trì trệ. Ai chịu trách nhiệm nếu lũ quét đổ về gây tổn thất về người và tài sản khi số hộ này không được di dời như kế hoạch đề ra.
Bao giờ có làng nghề chế biến nước mắm?    

Kế hoạch xây dựng “Làng sản xuất nước mắm và thủy đặc sản các loại” quy mô 12ha tại thôn Trường Định, xã Hòa Liên (Hòa Vang) có từ 3 năm trước, năm 2007 được phê duyệt, cắm mốc. Từ đó đến nay, tại khu vực này không có động thái gì sẽ triển khai. Lại vẫn điệp khúc từ cơ quan chức năng đưa ra là quy trình lập dự án, phê duyệt, xin vốn đầu tư quá nhiêu khê, có khi vài năm chưa xong.

Hàng trăm cơ sở sản xuất nước mắm, ruốc trên địa bàn thành phố đang chịu sức ép rất lớn về ô nhiễm môi trường do nằm trong khu dân cư đông đúc. Do không có nơi lập cơ sở sản xuất, hàng chục cơ sở phải chấm dứt hoạt động. Chỉ tính riêng ở phường Thuận Phước (Hải Châu), 13 cơ sở mỗi năm chế biến, tiêu thụ hàng nghìn tấn ruốc, đã phải ngừng hoạt động do không có nơi di dời để tiếp tục sản xuất. Cũng từ đó, sản xuất của ngư dân bị ảnh hưởng không nhỏ.

Sự trì trệ đến khó hiểu   

Năm 2005, Sở NN&PTNT chủ trương xây dựng tại quận Ngũ Hành Sơn cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. Năm 2007, chủ trương này được UBND thành phố cho phép triển khai. Chính quyền địa phương, cơ quan chức năng thống nhất chọn 1ha tại khu vực Khái Tây 2, phường Hòa Quý để xây dựng. Chưa kịp triển khai, vị trí đã chọn buộc phải thay đổi do dự án khác đè lên. Tiếp theo đó, thành phố yêu cầu chọn địa điểm khác. Tuy vậy đến nay, 1ha để xây dựng cơ sở này vẫn chưa có, mặc dù Sở NN&PTNT  nêu quyết tâm chậm nhất trong tháng 8-2008 sẽ triển khai.

Hiện tại trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, hàng chục dự án quy mô lớn đang triển khai. Thế nhưng dự án xây dựng cơ sở giết mổ gia súc gia cầm, nhiều năm nay vẫn không triển khai được. Không có cơ sở giết mổ tập trung, giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư là điều khó tránh khỏi. Và như vậy, không chỉ gây ô nhiễm môi trường, mà chất lượng thịt, dịch bệnh khó kiểm soát. Bao giờ ở Ngũ Hành Sơn có cơ sở giết mổ tập trung?

Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU

;
.
.
.
.
.