.

Nỗi niềm ngư dân Hòa Hiệp Bắc

.

Sự cố tràn dầu tại Xí nghiệp Xăng dầu Hàng không miền Trung (Vinapco) vào ngày 16-10, dù đã được khắc phục nhưng hậu quả để lại không nhỏ đối với những người làm nghề biển tại phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu.        

Người đi biển buồn rượi…

Hàng cá vắng bóng người mua. Ảnh: NGỌC PHÚ
Phường Hòa Hiệp Bắc hiện có 77 thuyền thúng và tàu  công suất nhỏ đánh bắt ven bờ; nguồn hải sản khai thác chủ yếu quanh vịnh Sơn Trà. Thế nhưng giờ đây hầu hết ngư dân đều phải bỏ biển ở nhà vì dầu tràn làm biển bị ô nhiễm, hải sản đánh bắt không thể sử dụng được.

Không đi biển, ở nhà ngồi tụm năm tụm bảy bên quán chè nhỏ của chị Ánh tại tổ 13, gặp chúng tôi nhiều người đã trút bầu tâm sự về nỗi niềm của mình. Anh Ngô Văn Phú, trú tổ 13 cho biết: Mấy bữa, đêm nào ra biển cũng kiếm được hơn trăm nghìn lo cuộc sống gia đình, bây giờ do dầu đổ ra biển, cá cũng có mùi dầu, đánh bắt về không bán được nên anh em tui phải nghỉ. Anh cho biết, sau khi sự cố tràn dầu xảy ra, anh có đi biển một vài đêm.

Nhưng theo anh: Từ sau hôm dầu tràn, cá ít hơn mọi hôm vì nghe mùi dầu cá bơi đi chỗ khác, còn những con nào bắt được thì nồng nặc mùi dầu, rửa mãi không hết mùi… Không chỉ anh Phú, anh Nguyễn Quang ở tổ 12 cũng buồn rầu nói: Ra biển làm chi hả chú! Mấy ngày trước có đi, nhưng khi đánh bắt về thì lại đào hố chôn cá chứ bán cho ai. Anh Quang ước tính: Gần một tuần nay, ngư dân chúng tôi có hơn 90% số người và phương tiện không đi biển, tính ra thất thu mỗi đêm lên đến hàng chục triệu đồng. Mà tai hại hơn, nếu tình trạng này kéo dài, ngư dân chúng tôi biết làm gì để sống. Đánh bắt xa bờ thì không có phương tiện, lên bờ lại biết làm nghề gì bây giờ!

Anh Cừ ở tổ 11 cho hay: Tui và một số người trong tổ thấy bỏ biển thì tiếc nên ráng đi. Nhưng khi đánh bắt về, cố gắng khắc phục nhưng mình ăn cũng không được huống hồ đem bán. Thua lỗ dầu mỡ nên đành bỏ biển ở nhà. 

Người trên bờ ứa nước mắt 

Những rổ cá ế ẩm vì mùi hôi của dầu.

Tại chợ Kim Liên, phường Hòa Hiệp Bắc, người buôn bán cá đã thưa hơn trước gấp bội. Người đi chợ chỉ ghé mua thịt, rau quả; hàng cá dường như vắng bóng người. Chị Từ Thị Vui, một người bán cá cho hay: Dạo này làm nghề bán cá như bọn tui khổ quá. Lấy cá tại địa phương bán không ai mua, có bữa phải đổ đi.

Thấy mà tiếc! Chỉ mấy rổ cá còn nguyên, chị nói tiếp: Ngồi từ sáng đến giờ có ai mua đâu chú. Bán tháo bán đổ, năn nỉ họ mua cho heo ăn nhưng cũng chẳng ai thèm. Cùng cảnh ngộ với nhau, chị Nguyễn Thị Anh tâm sự: Chồng tui làm nghề biển đánh bắt gần bờ, tui đem cá đi bán kiếm tiền nuôi con. Nhưng dạo này khó quá chú ơi! Chồng đi cả đêm ngoài biển, khi về cá không bán được, hai vợ chồng ngày nào cũng buồn, cơm nuốt không trôi…

Để có cá bán, nhiều người phải lặn lội đến bến cá Thọ Quang lúc 4 giờ sáng. Chị Trần Thị Phượng tâm sự: Tuy có cá để bán nhưng do đi xa nên chi phí nhiều, vì vậy, chẳng lời lãi bao nhiêu. Trước đây kiếm được từ 4 đến 5 chục nghìn, bây giờ mỗi ngày chỉ kiếm khoảng 15 hoặc 20 nghìn đồng. Chị thở dài, nói tiếp: Tội cho mấy chị không có điều kiện. Dù sao như tôi cũng kiếm được vài chục nghìn đồng mỗi ngày, chứ mấy chị ấy khổ lắm, ở nhà quanh quẩn, lấy cá của người dân tại đây đem bán nên không có ai mua cả. Ngồi từ sáng đến chiều, mấy rổ cá vẫn nguyên si… Biết làm răng bây chừ, liệu chính quyền có cách chi giúp đỡ được không?

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.