.

Phát triển công nghiệp đóng tàu

.

Những năm gần đây, công nghiệp đóng tàu ở nước ta đã gặt hái nhiều thành công và từng bước khẳng định vị thế trên thương trường quốc tế, trong đó thành phố Đà Nẵng đang trở thành một địa phương có năng lực phát triển công nghiệp đóng tàu mạnh mẽ.

Lễ hạ thủy tàu cứu hộ xuất khẩu của Công ty Sông Thu.

Ngày 10-6-2008, Công ty Sông Thu (thuộc Tổng cục Công nghiệp Bộ Quốc phòng) đã tiến hành hạ thủy tàu cứu hộ ASD 2411 có công suất 5.600 mã lực, bàn giao cho Cảng Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất). Đây là chiếc tàu cứu hộ đầu tiên của công ty cũng như của ngành đóng tàu khu vực miền Trung được xuất khẩu ra thế giới. Theo kế hoạch từ nay đến cuối năm, công ty sẽ bàn giao 3 chiếc còn lại trong tổng số 4 chiếc của lô hàng này cho Cảng Dubai.

Những chiếc tàu này được thi công với sự giám sát, đồng thời chuyển giao công nghệ của Công ty Damen (Hà Lan). Tàu ASD 2411 và các chiếc tàu khác do công ty đóng đạt tiêu chuẩn quốc tế về hàng hải. Đại tá, Giám đốc Công ty - ông Hà Sơn Hải cho biết, hiện công ty đang khẩn trương đóng mới 2 chiếc tàu có công suất 10.000 mã lực để xuất cho ngành Dầu khí của Achentina.

Chiếc tàu này là một trong số 5 chiếc tàu cứu hộ, cứu nạn trên biển và ứng phó sự cố tràn dầu mà công ty đã tiến hành đóng trong 3 năm qua để xuất khẩu. Công ty Sông Thu hiện là đơn vị đi đầu của ngành đóng tàu tại khu vực miền Trung về tiếp cận, chuyển giao công nghệ mới về đóng tàu xuất khẩu. Đặc biệt, công ty là đơn vị duy nhất của cả nước chuyên đóng các loại tàu cứu hộ, cứu nạn và phục vụ cho công tác an ninh quốc phòng.

Đồng hành với Công ty Sông Thu, các đơn vị khác thuộc ngành đóng tàu tại Đà Nẵng như Nhà máy Đóng tàu Sông Hàn (thuộc Vinashin), các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng đã tích cực đổi mới thiết bị, chuyển giao công nghệ. Nhờ vậy, ngành công nghiệp đóng tàu của Đà Nẵng không những ngày càng phát triển và có một vị trí đáng trân trọng trong ngành công nghiệp đóng tàu của cả nước. Các đơn vị đóng tàu đã thiết lập công nghệ đóng tàu hiện đại với các bước thiết kế kỹ thuật, thiết kế công nghệ, lập kế hoạch sản xuất, lập quy trình công nghệ… được áp dụng trên máy vi tính theo hướng khép kín.

Đồng thời đầu tư, ứng dụng thiết bị, công nghệ cao (như máy hàn hồ quang, máy hàn tự động, máy cắt plasma, máy cắt CNC và thiết bị gia công hiện đại khác), những phần mềm thiết kế (như phần mềm tribol, Nupas, Acad) vào sản xuất. Cụ thể, các công nghệ lắp ráp có tổng đoạn lớn, công nghệ phóng dạng vỏ tàu bằng phần mềm thiết kế trên máy vi tính, dây chuyền sản xuất vật liệu cắt và hàn hiện đại… được đưa vào sử dụng, đã rút ngắn được thời gian thi công và nâng cao chất lượng tàu. Đây là một hướng đi mới mà ngành đóng tàu đang tập trung đầu tư.

Các thiết bị nâng, hạ thủy tàu để phục vụ cho việc sửa chữa, đóng mới tàu được các đơn vị đầu tư mạnh trong thời gian gần đây. Nhờ vậy, hàng chục tàu với tải trọng, chủng loại khác nhau đã được các đơn vị đóng tàu ở Đà Nẵng ký hợp đồng đóng mới cho các đối tác trên khắp thế giới. Nhiều đơn vị đã có hợp đồng đóng mới tàu xuất khẩu đến hết năm 2009. Những nỗ lực của các cơ sở đóng tàu tại Đà Nẵng trong những năm qua đã chứng tỏ sự lớn mạnh của ngành công nghiệp này của nước ta và khu vực
miền Trung.

ĐỨC THỊNH

;
.
.
.
.
.