.
PHÁT TRIỂN KINH TẾ ĐÀ NẴNG 2009:

Đẩy mạnh phát triển dịch vụ, du lịch, thương mại

.

(ĐNĐT) - Các sở, ngành chức năng Đà Nẵng hiện đã cơ bản hoàn thành “kịch bản” phát triển kinh tế năm 2009 với những con số ấn tượng: kinh tế tăng trưởng từ 12 – 12,5%, trong đó công nghiệp tăng 15-15,5%, dịch vụ thương mại tăng 13,5 – 14%, kim ngạch xuất khẩu tăng 20%... Song, để hiện thực hóa các dấu mốc này, vẫn còn nhiều câu hỏi đặt ra, mà cơ bản nhất là yêu cầu xác định mũi nhọn kinh tế chiến lược.

Theo đánh giá của các sở, ban ngành, năm 2009 là thời hạn cuối để kinh tế Đà Nẵng chuyển hoàn toàn mũi nhọn kinh tế từ công nghiệp sang dịch vụ, du lịch và thương mại. Điều này đã đề ra từ năm 2004, khi thành phố có Quyết định số 188 phê duyệt kế hoạch phát triển du lịch và các dịch vụ có thế mạnh để xây dựng Đà Nẵng thành một trong những trung tâm thương mại, du lịch, dịch vụ lớn của cả nước. Trên các diễn đàn kinh tế, lãnh đạo thành phố đã nhiều lần đề cập đến sự tất yếu để Đà Nẵng hạn chế phát triển công nghiệp tập trung, chú ý kêu gọi mở rộng mạng lưới dịch vụ du lịch, thương mại thay thế.

Ông Phạm Kiều Đa, nguyên Giám đốc Sở Công nghiệp Đà Nẵng nhìn nhận, hướng chuyển đổi sang dịch vụ đa dạng hóa là cần thiết, phù hợp xu thế phát triển một đô thị Đà Nẵng hiện đại, văn minh, đầu mối kinh tế khu vực. Công nghiệp Đà Nẵng sau nhiều năm đầu tư, thực tế vẫn không thoát khỏi phạm vi chật hẹp về điều kiện hạ tầng, tài nguyên, cơ hội vốn có; trước yêu cầu môi trường, nhân sinh, cơ hội phát triển nguồn nhân lực trẻ đã có nhiều bất cập.

Năm 2009, Đà Nẵng sẽ chú ý khai thác phát triển hiệu quả các dự án du lịch biển.

Do đó, trong những năm qua thành phố đã chủ trương rà soát lĩnh vực này, từ chối và xử lý các dự án công nghiệp gây ô nhiễm, sản xuất hiệu quả thấp, công nghiệp nặng… Hướng chuyển đổi, nâng dần các giá trị công nghiệp sang chế tạo sản phẩm công nghệ cao, công nghiệp phần mềm, hỗ trợ dịch vụ đã được chú trọng. Theo đà này, lộ trình chuyển hóa công nghiệp Đà Nẵng sang vai trò hỗ trợ cho lĩnh vực dịch vụ, du lịch và thương mại là tất yếu.

Tuy nhiên, năm 2009, thành phố cần phải quyết liệt hơn để hoàn tất thay đổi này. Điểm vướng mắc ở đây, là sau 5 năm thực hiện Quyết định 188, lĩnh vực dịch vụ, du lịch và thương mại Đà Nẵng vẫn chưa có những khởi sắc độc đáo, mạnh mẽ để khẳng định vai trò chính yếu của mình.

Báo cáo từ Sở Văn hóa, Thế thao và Du lịch Đà Nẵng cho thấy, đến nay hoạt động đầu tư dịch vụ, du lịch, thương mại trên địa bàn chỉ mới bắt đầu hình thành được hệ thống các điểm dịch vụ, hạ tầng, diện mạo quy hoạch cơ bản. Tiềm năng và cơ sở vật chất về du lịch, dịch vụ đã được chú trọng khai thác để tạo tiền đề phát triển cho những năm đến.

Song, nhiều mảng sản phẩm du lịch, dịch vụ đã được địa phương đề ra vẫn còn yếu, đầu tư phân tán, rời rạc. Số dự án đầu tư, nhất là về du lịch, thương mại tuy nhiều, nhưng chậm triển khai. Riêng về mảng du lịch, lợi thế du lịch biển vốn là sản phẩm đặc thù vẫn chưa đủ mạnh để cạnh tranh, thiếu tính chủ lực, chưa tương hỗ tốt với các mảng du lịch văn hóa, lịch sử trong vùng. Đặc biệt, vai trò các DN ở đây, kể cả du lịch lẫn thương mại, vẫn còn yếu, lệ thuộc vào 2 đầu đất nước, nhất là công tác quảng bá tiếp thị ra quốc tế.

Ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng nhìn nhận, đòi hỏi xốc lại hành trang kinh tế cho Đà Nẵng từ năm 2009 vì thế phải thực thi từ sự quan tâm chú mục hơn vào các thế mạnh ưu tiên du lịch, dịch vụ và thương mại. Cần ưu tiên phát triển du lịch biển thành sản phẩm chủ lực của Đà Nẵng, với các khu vực sẽ đầu tư trọng điểm như bán đảo Sơn Trà, khu du lịch Bà Nà…; các chương trình quảng bá, cộng đồng thu hút du khách hiệu quả, có mối quan hệ chặt chẽ với quy hoạch tổng thể du lịch cả nước và liên kết trong vùng. Riêng năm 2009, Đà Nẵng phải xúc tiến đầu tư, hoạt động 8 dự án du lịch lớn đã đăng ký, như khu du lịch Olalani, Vina Capital, đồng thời đẩy mạnh các sự kiện thường xuyên như thi pháo hoa quốc tế, liên hoan văn hoá, du lịch Đà Nẵng, du lịch biển…

Tương hỗ với du lịch, hoạt động đầu tư, phát triển dịch vụ đa dạng hóa, thương mại, tài chính cũng cần tập trung. Những địa hạt lợi thế như viễn thông, công nghệ thông tin, thanh toán tài chính… cần được thúc đẩy, tạo sự điều hòa giữa đầu tư công nghiệp sẵn có với các loại hình dịch vụ công nghệ cao đang mở ra. Các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại cần được đầu tư đúng hướng trong quan hệ liên kết, phát triển tổng thể với cả khu vực như định hướng phát triển cùng kinh tế động lực miền Trung mà Trung ương đã vạch ra.

Quan trọng hơn, đòi hỏi xây dựng nguồn nhân lực bền vững, chú trọng kêu gọi xã hội hóa, thu hút các nguồn đầu tư từ bên ngoài vào lĩnh vực dịch vụ phải nhận được sự quan tâm hợp tác hơn từ các nhà làm chính sách, cơ chế điều hành của chính quyền và các ngành liên quan. Tất cả đều cần được triển khai bằng các hành động, dự án cụ thể, mới tạo được thế mạnh vững chắc để kinh tế Đà Nẵng thực sự chuyển mình với lựa chọn mũi nhọn mới trong năm 2009.

Thụy Bất Nhi

Chị Hòa từ chối bởi: Vấn đề bài đề cập mới chỉ là kế hoạch của các ngành, chưa được HĐND bàn đến để thông qua. TP không xác định chuyển hoàn toàn mũi nhọn kinh tế từ công nghiệp sang dịch vụ, du lịch và thương mại mà là xác định cơ cấu kinh tế nhằm nâng dần tỉ trọng dịch vụ trong GDP (dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp). Trong dịch vụ có cả dịch vụ tài chính, tín dụng, ngân hàng, vận tải, cảng biển, tư vấn, bưu chính, viễn thông, du lịch,thương mại...).

;
.
.
.
.
.