Ngày đó, họ không được gọi một cách văn vẻ là doanh nhân, chỉ đơn giản là nhà buôn. Lịch sử đã sang trang, hàng hóa và phương thức bán buôn giờ đã khác, một thời vang bóng được chắp nối qua những câu chuyện kể của lớp người đã vượt ngưỡng “xưa nay hiếm”…
Tiền bạc
Hiệu buôn này đã từng nhập về Hội An nhiều sách báo về trào lưu mới Duy tân và phong trào cách mạng Tôn Trung Sơn. |
Ông vừa là đại biểu của Viện Dân biểu Trung kỳ, vừa có chân trong hội “Tiên Long Thương đoàn” - một hội buôn do các nhà tư bản Việt Nam lập ra khắp 12 tỉnh Trung kỳ vào những năm 30 thế kỷ trước để đua tranh với tư bản Pháp, có chi hội đóng tại Hội An.
Sau khi chiến tranh kết thúc, giai cấp tư sản Việt Nam được hình thành với không ít nhân vật nổi tiếng như Trương Văn Bền với xưởng chế xà phòng ở Sài Gòn, Bạch Thái Bưởi không hổ danh “Ông vua đường thủy” ở Hà Nội, Nguyễn Sơn Hà với thương hiệu "Ông tắc kè" Gecko chuyên sản xuất sơn ở Hải Phòng...
Ông Nghè Sơn Tùng tham gia hội buôn chỉ là mặt nổi. Ông tranh đấu thẳng thừng tại nghị trường, buộc Pháp phải mở trường dạy học tại làng quê mình.
Trước đó, dưới áp lực của thực dân Pháp và Nam triều, người bác ruột của ông là cụ Cử Lê Tấn Toán đã khẳng khái nhận cái chết bằng chén thuốc độc do bị vạ lây sau khi học trò của cụ là Hội chủ Nghĩa hội Quảng Nam Nguyễn Duy Hiệu bị xử chém khi mới tròn tuổi 40. Châu Thượng Văn, một môn sinh khác của cụ Cử, cũng không tránh khỏi một kết cục thảm khốc sau vụ kháng sưu giảm thuế năm 1908 ở Quảng Nam.
Những sự kiện đau lòng này đã thôi thúc ông Nghè trở thành nhà buôn để ngầm kinh tài hoạt động cách mạng.
Một lần, ông mang một số tiền lớn của Thương đoàn cùng viên thư ký đáp tàu lửa đi Hà Nội mua hàng về Hội An bán. Xuống ga, về đến nhà trọ, ông điếng hồn khi phát hiện trong hòm chỉ toàn giấy và giấy.
Thế mà trước đó ông đã tận tay xếp từng xấp giấy bạc vuông vức vào hòm! Ông tức tốc quay về Hội An. Người ta thấy ông đi lại ra chiều đăm chiêu lắm trên bến sông Hoài.
Rồi một bữa, ở xóm Lò Heo cuối chợ Phố người ta thấy một đôi dép bỏ lại trên bến. Đó là đôi dép đã mòn vẹt phía gót chân mà ông thường mang khi dạo phố. Còn ông thì không ai còn gặp lại nữa.
Hàng hóa
Cậu bé Diệp Truyền Hoa (hàng dưới, bên trái) về sau đã trở thành người viết lời Hoa cho bài hát nổi tiếng “Xuân và tuổi trẻ”. (Ảnh do ông Diệp Gia Tùng cung cấp) |
Ông Sùng kể, từ giữa sau thế kỷ XIX, ông tổ đời thứ 5 của ông là Diệp Đồng Xuân rời tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) sang Hội An mở một gánh thuốc bắc để kiếm sống.
Người con thứ hai của ông Diệp Đồng Xuân là Diệp Đồng Nguyên nối nghiệp nhà, phát triển thêm một tiệm nữa chuyên buôn bán các loại cao đơn hoàn tán mang tên Nhị Thiên Đường.
Theo một khảo sát năm 2005 của bà Lê Thị Tuấn - cán bộ Trung tâm Quản lý bảo tồn di tích Hội An - qua các bi ký còn tìm thấy ở Hội An thì ngày xưa nơi đây có đến 231 hiệu buôn, nhưng nay chỉ còn 75, trong đó có 55 hiệu buôn còn treo bảng hiệu. Bảng hiệu vẫn để, nhưng không kinh doanh theo xưa.
Cách đây 3 tháng, Hòa Sanh đường - hiệu buôn cuối cùng còn bán thuốc bắc theo bảng hiệu xưa cũng đổi chủ sở hữu, chuyển qua shop vải bán cho khách du lịch.
Lang thang qua các ngả đường phố Hội, còn nghe một thời vang bóng của “những người muôn năm cũ” còn thầm nhắc qua những bảng hiệu xưa.
Trên gác hai của ngôi nhà từng là hiệu buôn tấp nập người vào ra Diệp Đồng Nguyên, ông Sùng còn giữ bộ sưu tập ấn triện thu thập được hơn 100 năm qua, ngoài các loại ấn của quan lại địa phương, còn có nhiều ấn triện của các nhà buôn Hội An xưa, những hiện vật chứng minh sự phồn vinh về thương mại của thương cảng Hội An một thời.
Quảng Phúc Tường bán sành sứ; Thái Vĩnh Xương buôn tơ lụa; Cẩm Thạnh buôn thổ sản; Tường Lan, Triều Phát bán thuốc bắc; Quân Thắng Sạn được gọi là bà Chúa Tàu, thầu hàng tàu bè tới Hội An rồi phân phối lại...
Một trong những nhà buôn có tiếng ở Hội An xưa là La Thiên Thái (1820-1906, thường gọi là ông Thiên). Một ông chú của ông Sùng về làm rể người cháu ông Thiên. Theo bản phô-tô từ một trang “Doanh nhân người Hoa ở hải ngoại” trong sách “Bách khoa Toàn thư Quảng Đông” do ông Sùng cung cấp, thì ông Thiên tên thật là La Cẩm Hoa, biệt danh Tú Tâm.
Thời trẻ, gia đình nghèo nên ông đơn thân sang Hội An mưu sinh, có vợ thuộc dòng hoàng tộc Việt Nam. Ông dựng được 2 hiệu buôn La Thiên Thái, một ở Hội An, một ở Huế, chuyên kinh doanh thổ sản, hàng hóa, sách báo Trung Quốc, nhập khẩu rất nhiều sách báo chữ Hoa.
Hiệu buôn của ông từng cung cấp vật liệu kiến trúc và các món hàng sành sứ Trung Quốc để xây cất hoàng cung Huế.
Và sĩ khí
Điều làm tôi chú ý nhất trong ghi chép về ông La Thiên Thái nói trên là, vào cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX, ông cho “nhập về Hội An những sách báo nói về trào lưu mới Duy tân và phong trào cách mạng Tôn Trung Sơn mong giúp giới trí thức Hoa kiều thấu hiểu được tình hình thế giới biến chuyển và khơi dậy lòng yêu nước của họ”.
Qua đó, có thể mường tượng ra làn gió mới thổi vào giới nhà buôn ở Hội An hồi ấy. Diệp Đồng Nguyên chuyển sang buôn thêm sách vở cho học sinh, sách quốc ngữ cho người dân Hội An, ngoài việc làm đại lý cho hãng dầu lửa Shell, buôn bán lụa là, gấm vóc.
Ông Diệp Đồng Xuân là người đi đầu trong quyên góp kháng Nhật. Con ông, một người bị giặc sát hại, người kia là Diệp Truyền Hoa trở thành giảng sư đại học ở Sài Gòn.
Theo ông Sùng, khi nhạc sĩ La Hối, cháu nội của ông La Thiên Thái, cho ra đời bài hát bất hủ “Xuân và tuổi trẻ” thì ông Diệp Truyền Hoa viết lời ca bằng tiếng Hoa. Một thời, trên các ngả đường, hiến binh Nhật lùng sục, bắt bớ những người hoạt động chống phát xít nhưng vẫn không sao dập tắt được ngọn lửa “Xuân và tuổi trẻ” âm ỉ trong tim mọi người.
Hôm về lại Hội An, nghe kể chuyện xưa, chợt hiểu vì sao Châu Thượng Văn từ Hội An, Nguyễn Duy Hiệu từ bến Trễ Thanh Hà một thời ngược sông Cổ Cò lên làng Hà Lộc quê tôi thọ giáo cụ Cử Lê Tấn Toán.
Hàng hóa, sách báo từ các nơi đổ về Hội An qua các hiệu buôn xưa đã góp phần làm cho nơi này phồn thịnh về kinh tế và giàu có về văn hóa. Luồng tư tưởng mới đã thôi thúc mọi người tìm đến phong trào cách mạng bằng sĩ khí khảng khái của nhà nho cũ.
Quay lại câu chuyện ông Nghè Sơn Tùng. Có lẽ ông không được liệt vào danh sách những nhà buôn một thời vang bóng ở phố Hội, nhưng trong tâm tưởng người dân Hà Lộc, nay thuộc xã Điện Dương, huyện Điện Bàn quê tôi, ông là một nhà buôn nhỏ có tâm hồn lớn. Theo lời ba tôi, viên thư ký đã mua một chiếc hòm y hệt chiếc hòm đựng tiền của ông Nghè, ra đến Hà Nội, y biến mất. Ông Nghè chỉ còn biết mượn dòng nước bạc để tỏ lòng trinh bạch của mình với đồng chí.
Sự thật này chỉ được biết đến sau tiết lộ của bà chủ một nhà trọ ở Hội An - nơi ông Nghè bí mật chuẩn bị cho chuyến đi buôn cuối cùng trong đời mình.
VĂN THÀNH LÊ