.

Thịt ngoại tràn ngập, người chăn nuôi điêu đứng

.

Từ khi thuế nhập khẩu các loại thịt gia súc, gia cầm giảm từ 40% xuống chỉ còn 12%, thịt gia cầm ngoại tràn ngập thị trường, giá rẻ hơn nhiều so với thịt sản xuất trong nước. Các doanh nghiệp, hộ chăn nuôi đang rất khó khăn.

Các cơ sở bán gà sạch ít khách do giá cao hơn thịt gà nhập ngoại.

Gần tháng nay, cán bộ, công nhân viên Chi nhánh Giống gia cầm miền Trung (Công ty CP Giống gia cầm Lương Mỹ) ăn ngủ không yên vì gà giống, gà mẹ đến kỳ thanh lý không có khách mua. Anh Nguyễn Thành An, cán bộ chi nhánh cho hay: Dịp đầu năm, mỗi tháng xuất bán trên 200 nghìn con. Hiện nay chỉ bán được 1/5 số đó, giá hạ đến không ngờ, từ 8,5 - 9 nghìn đồng/con trước đây, nay chỉ còn 4,5 nghìn đồng/con loại 1 ngày tuổi.

Hoạt động chăn nuôi gia cầm đang tồn tại nghịch lý là: khi giá thức ăn 4-5 nghìn đồng/kg, gà giống 8-9 nghìn đồng/con. Nay ngược lại, thức ăn tăng gấp đôi, còn giá gà giống chỉ còn một nửa. Không bán được, con giống quá ngày đành phải tiêu hủy. Đối với gà mẹ đến kỳ thanh lý, trước đây giá 50 nghìn đồng/kg vẫn còn dễ bán, nay với giá 25 nghìn đồng/kg mà không có khách mua. Doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn nhất kể từ hồi thành lập (2002) đến nay.
 
Ông Uông Xuân Thủy, Giám đốc chi nhánh và đội ngũ tiếp thị chạy khắp nơi tìm đầu ra cho con gà, thế mà khi trở về ai nấy đều lắc đầu. Ông cho hay: Duy trì sự tồn tại của đàn gà bố mẹ trên 80 nghìn con, mỗi ngày tiêu tốn gần 130 triệu đồng. Theo ông, gà ế ẩm chỉ vì chăn nuôi tại chỗ bị bóp nghẹt do thịt ngoại giá rẻ tràn ngập. Ngay như Công ty CP của Thái Lan cũng đang điêu đứng trước “cơn lốc” thịt gà nhập ngoại này. Trong khi đùi gà của Công ty CP Thái Lan giá 30-32 nghìn đồng/kg, đùi gà nhập từ Mỹ, Brazil chỉ 28-30 nghìn đồng/kg, chăn nuôi kiểu gì cũng lỗ.

Trang trại của ông Huỳnh Văn Trạng ở phường Hòa Minh (Liên Chiểu) nuôi hơn 10 nghìn con gà đẻ trứng đã chấm dứt hoạt động cách đây ít lâu. Vốn là điển hình sản xuất giỏi cấp thành phố, thế mà nay ông chán nản vì chăn nuôi gặp khó cùng cơ ngơi trống rỗng đang chờ giải tỏa. “Không thể trụ nổi nữa rồi. Thời gian gần đây, giá thức ăn tăng vùn vụt, giá trứng có tăng nhưng chậm. Gà đến kỳ thanh lý trước đây bán rất dễ, còn nay ế ẩm. Không bán được, quá lứa coi như bỏ. Đó là chưa kể, trang trại ở vùng thấp, mưa xuống là ăn ngủ không yên, rồi dịch bệnh đe dọa”. Nỗi niềm của ông Trạng nêu trên cũng là nỗi trăn trở của trên 30 chủ trang trại nuôi gà thịt, gà đẻ trứng ở Đà Nẵng.    

Rất khó bán gà mẹ đến kỳ thanh lý.
Chưa khi nào người chăn nuôi gia cầm ở Đà Nẵng đối mặt với thử thách nghiệt ngã như hiện nay. Thịt gà từ Nam Mỹ tràn ngập thị trường, giá rẻ, có tem kiểm định về chất lượng an toàn thực phẩm, người tiêu dùng rất ưa chuộng. Trong khi đó, thịt sản xuất tại chỗ giá cao hơn, chất lượng chưa thật tin tưởng, nên người tiêu dùng ít mua. Hơn thế nữa, đùi, cánh gà - loại người tiêu dùng nước ta ưa thích, thì ở  các nước xuất khẩu, mặt hàng này chỉ là phế phẩm, giá rất rẻ. 

Chăn nuôi gia cầm luôn là thế mạnh của kinh tế nông nghiệp nước ta. Đáng tiếc, hoạt động này đang bị thịt ngoại nhập lấn át. Người chăn nuôi thua lỗ kéo dài, đành phá bỏ chuồng trại tìm nghề khác mưu sinh. Theo ông Cao Xuân Đạm, Tổng Giám đốc Công ty CP giống gia cầm Lương Mỹ, nếu Nhà nước không có chính sách hạn chế nhập khẩu thịt gia súc, gia cầm, khuyến khích hỗ trợ chăn nuôi tại chỗ, ngành chăn nuôi rất ít cơ hội phát triển. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, đã có khoảng 13 nghìn tấn thịt gà nhập vào thị trường Việt Nam, thử hỏi thị phần nào cho thịt sản xuất ở nội địa? Ngành chăn nuôi gia cầm đang đứng trước nguy cơ thu hẹp.

Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU

;
.
.
.
.
.