.

Việt Nam đủ sức ổn định kinh tế vĩ mô, giảm thiểu tối đa những tác động xấu từ khủng hoảng tài chính Mỹ

.

Ngày 1-10, Thường trực Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đã nghe các bộ, ngành chức năng báo cáo đánh giá những ảnh hưởng, tác động xấu của cuộc khủng hoảng tài chính, tín dụng Mỹ đối với kinh tế thế giới và Việt Nam cũng như các giải pháp vượt qua khó khăn, thách thức, giữ vững sự ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì đà tăng trưởng hợp lý.

Việt Nam đủ khả năng vượt qua khó khăn thách thức, duy trì đà tăng trưởng

Theo đánh giá chung: Diễn biến khủng hoảng tài chính, tín dụng tại Mỹ trong những tháng qua đang ảnh hưởng đến thị trường tài chính, tiền tệ thế giới. Nền kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại khiến cho hoạt động xuất khẩu của nhiều quốc gia giảm, tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế lớn có khả năng chỉ đạt ở mức thấp, gia tăng thêm áp lực lạm phát trên toàn cầu. Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới nên không tránh khỏi những tác động không thuận cho sự ổn định, phát triển.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các Phó Thủ tướng chủ trì phiên họp Thường trực Chính phủ đánh giá những ảnh hưởng, tác động xấu của cuộc khủng hoảng tài chính, tín dụng tại Hoa Kỳ đối với kinh tế thế giới và Việt Nam .


Tuy nhiên, theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và lãnh đạo các bộ, ngành chức năng, mối quan hệ giữa thị trường tài chính, tín dụng Mỹ, nhất là trong các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán với nước ta còn chưa sâu nên những tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam chưa lớn. Dự trữ ngoại tệ của Việt Nam tiếp tục tăng lên, không có đổ vỡ trong hệ thống ngân hàng, tiền gửi của nhân dân được đảm bảo an toàn.

“Việt Nam có đủ điều kiện, biện pháp để giữ vững sự ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì đà tăng trưởng như mục tiêu đã đề ra, chắc chắn vượt qua được khó khăn, biến khó khăn thành thuận lợi”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ.

Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, rút kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng tài chính, tín dụng tại Mỹ, chúng ta không được lơ là, chủ quan, phải nâng cao tính công khai, minh bạch của thị trường tài chính, tín dụng, tăng cường giám sát hoạt động của các ngân hàng thương mại, các quỹ và tổ chức tín dụng khác để đảm sự ứng phó kịp thời.

Nắm chắc tình hình thị trường tài chính, tín dụng để chủ động đối phó

Sau khi phân tích những yếu tố thuận lợi của Việt Nam như tình hình chính trị - xã hội ổn định, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đồng lòng, nhất trí vượt qua khó khăn thách thức, thị trường trong nước còn rất nhiều tiềm năng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu: Các bộ, ngành chức năng, nhất là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, phải theo dõi sát sao, phân tích kịp thời tình hình biến động của thị trường tài chính, tín dụng Mỹ nói riêng và thế giới nói chung, từ đó đề ra các giải pháp đối phó kịp thời, luôn đảm bảo an toàn và tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Thủ tướng phân công Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng giao ban hàng tuần với các bộ, ngành kinh tế tổng hợp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung thực hiện các nhóm giải pháp đã đề ra nhằm mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và duy trì tăng trưởng hợp lý. Trong đó, thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt song phải linh hoạt để duy trì sản xuất, đầu tư của các doanh nghiệp. Bên cạnh việc kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu, hạn chế nhập siêu phải đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng mà Việt Nam có nhiều lợi thế. Thủ tướng nhắc nhở Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại rà soát lại việc cho vay đầu tư vào thị trường bất động sản sao cho có hiệu quả nhất.

Để nhân dân càng thêm tin tưởng vào chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, sự điều hành của Chính phủ và yên lòng các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước, Thủ tướng nhắc nhở lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các bộ, ngành kinh tế tổng hợp tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao hơn nữa tính công khai, minh bạch của thị trường tài chính, tín dụng.

Theo Cổng TTĐT Chính phủ

;
.
.
.
.
.